Các hoạt động kinh doanh có tiếp nhận “sâu” nền tảng công nghệ đang mang đến nhiều thử thách và làm cho cơ quan quản lý thuế Việt Nam thêm “đau đầu” trong việc xác định chính xác đâu là nguồn thu để đánh thuế.
Rất khó để nắm hết lượng khách hàng của Uber hay Grab ở Việt Nam để yêu cầu lực lượng này kê khai và nộp thuế thay. Ảnh: THÀNH HOA
Xói mòn cơ sở thuế trong nền kinh tế số
Trước hết, hệ thống quy tắc thuế dựa vào sổ sách kế toán có vẻ không còn phát huy tác dụng trong bối cảnh quản lý thuế mới. Trên thực tế, đa phần các doanh nghiệp trong nền kinh tế số đều đã và đang tiến hành mạnh mẽ hoạt động bán hàng, cung ứng dịch vụ qua Internet và thanh toán trực tuyến từ và đến những nơi rất xa về mặt địa lý. Toàn bộ dữ liệu về nguồn thu vì vậy đã đồng bộ trên “đám mây”. Nếu người dùng hoặc khách hàng cần, họ sẽ tự in hóa đơn trên cơ sở dữ liệu đồng bộ mà không nhận được sự hỗ trợ cung cấp hóa đơn chứng từ cho mục đích khai thuế như tuyên bố của một số trang mạng. Liệu rằng hệ thống quy tắc về sổ sách kế toán truyền thống mà các cơ quan thuế lâu nay đòi hỏi có đủ sức truy vấn các giao dịch và nguồn thu... trực tuyến hay không?
Thực tế, nắm người dùng là đối tượng đang tọa lạc và thuộc quyền “tài phán thuế” của cơ quan thuế là lựa chọn khả dĩ trước tình thế nan giải trong kiểm soát các công ty ngoài biên giới. Điều này không chỉ đúng với tình huống của thuế gián thu, chẳng hạn thuế giá trị gia tăng (VAT), mà còn bởi nguồn thu trong nền kinh tế số chủ yếu phát khởi trực tiếp từ người dùng chứ không thông qua các đầu mối thanh toán khác. Nhưng một lần nữa, đây là loại dữ liệu không dễ thu thập, vì nhiều và đa dạng. Trong khi, như đã nói, yêu cầu các công ty cung cấp thông tin sẽ là một việc khó trong bối cảnh thiếu quy định về quản lý và sử dụng dữ liệu người dùng. Liệu cơ quan thuế có được quyền can thiệp vào dữ liệu... Facebook hay không. Cho đến giờ này, đó vẫn là điểm nghẽn pháp lý còn nhiều tranh cãi!
Rõ ràng, rất khó để nắm hết lượng khách hàng của Uber hay Grab ở Việt Nam để yêu cầu lực lượng này kê khai và nộp thuế thay. Việc không cho phép Uber Việt Nam đăng ký cung ứng dịch vụ vận tải trước đây có thể tạo rủi ro là vì vậy.
Về nguyên tắc, có phát sinh doanh thu và có tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm là có đối tượng chịu thuế. Nhưng việc xác định quyền “tài phán thuế” thời gian qua luôn chịu sự chi phối của các cam kết về tránh đánh thuế hai lần. Điều này đến nay cũng được nhìn nhận là chất xúc tác tạo ra cơ sở xói mòn thuế của một quốc gia, như Việt Nam, khi doanh nghiệp nước ngoài tìm cách bảo lưu nghĩa vụ thuế trước một quốc gia khác. Vấn đề ở chỗ, việc phân định quyền “tài phán thuế” hiện nay đang có vấn đề, và có thể bị các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế số lợi dụng.
Vấn đề sẽ càng trầm trọng hơn nếu Việt Nam không có sự kết nối thông tin thuế với các nước. Thực ra, xói mòn cơ sở thuế có sự liên quan rất lớn với hiện tượng chuyển lợi nhuận. Cụ thể, Việt Nam có thể bị mất đi khoản thu nếu các doanh nghiệp bằng mọi cách chuyển khoản thu chịu thuế về các “thiên đường” thuế. Nhưng trước một doanh nghiệp “cao thủ”, Việt Nam không chỉ bị mất đi nguồn thu, mà các nước tưởng rằng sẽ được nhận thuế cũng đối diện nguy cơ bị triệt tiêu nguồn thu khi chính các công ty có thể biến các khoản thu chịu thuế thành những khoản doanh thu không bị đánh thuế. Vì không có thông tin, và không có sự kết nối thông tin mà cuối cùng cả Việt Nam và các nước đều không biết điều đó, và kết quả cuối cùng là bị mất trắng thuế.
Uber và Grab nộp thuế gì cho Việt Nam?
Về hoạt động của Uber hay Grab tại Việt Nam, trước hết có thể khẳng định đây là hoạt động cung ứng dịch vụ xuyên biên giới. Phương thức này đã được Việt Nam ghi nhận khi gia nhập WTO và cũng đã được nhắc đến trong Luật Thương mại hiện hành.
Sở dĩ nói Uber, Grab đang sử dụng phương thức kinh doanh này là vì bên sở hữu ứng dụng và cung ứng dịch vụ tại Việt Nam là Uber, Grab nước ngoài chứ không phải Uber, Grab Việt Nam, những pháp nhân độc lập. Nhưng về nguyên tắc, và theo quy định của pháp luật Việt Nam, họ vẫn phải chịu thuế đối với khoản doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam lẫn giá trị gia tăng của sản phẩm dịch vụ đó. Đó là thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế VAT, được gọi chung là thuế nhà thầu.
Việc tính thuế của cả hai khoản thuế trên đều được thực hiện dựa theo tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh thu mà doanh nghiệp được hưởng. Các ý kiến so sánh con số tỷ lệ phần trăm, đơn cử 5% hay 3%, với thuế suất áp dụng bằng phương pháp thông thường hiện nay để nói rằng Uber hay Grab chịu thuế ít hơn doanh nghiệp hoạt động cùng ngành trong nước là không chính xác.
Thông thường, nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu được thực hiện bởi bên Việt Nam, là bên đã sử dụng sản phẩm và dịch vụ làm phát sinh thu nhập cho bên nước ngoài. Việc thực hiện nghĩa vụ thuế ít ra cũng được kiểm soát khi phía Việt Nam tiến hành giao dịch thanh toán (qua ngân hàng) cho đối tác nước ngoài và bởi các quy định về kiểm soát ngoại tệ. Trong trường hợp của Uber và Grab, việc kiểm soát nhóm đối tượng này không hề dễ nếu như không phải chính các doanh nghiệp đó chuyển thông tin ngược lại. Nếu không, chính phương thức thanh toán trực tuyến đã vượt bức tường lửa của cơ quan thuế để chuyển thẳng tiền của hành khách hay bên vận chuyển ở Việt Nam (trường hợp thanh toán tiền mặt thì bên vận chuyển phải ứng trước) về... tài khoản nước ngoài. Đến chừng nào cơ quan thuế chưa nắm được dòng tiền trực tuyến này thì họ vẫn còn tiếp tục bị bỏ lại phía sau.
Rõ ràng, rất khó để nắm hết lượng khách hàng của Uber hay Grab ở Việt Nam để yêu cầu lực lượng này kê khai và nộp thuế thay. Việc không cho phép Uber Việt Nam đăng ký cung ứng dịch vụ vận tải trước đây có thể tạo rủi ro là vì vậy. May thay, quyết định cho phép Uber tham gia hoạt động thí điểm “taxi công nghệ” từ tháng 4-2017 của Bộ Giao thông Vận tải đã tạo tiền đề bước đầu để bảo toàn cơ sở thuế.
Cụ thể, ngoài nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh riêng của mình, Uber Việt Nam và Grab Việt Nam phải đứng ra thực hiện nghĩa vụ thuế thay đơn vị trực tiếp kinh doanh đang ở nước ngoài theo quy định của Thông tư 205/2013/TT-BTC ngày 24-12-2013 của Bộ Tài chính. Lý do, chính Uber Việt Nam và Grab Việt Nam trên thực tế “đã thường xuyên thương lượng, ký kết hợp đồng ràng buộc nghĩa vụ hoặc trách nhiệm của công ty nước ngoài”. Đương nhiên, đây là tình huống tạm thời. Cơ sở thuế này có thể sẽ mất đi nếu như Uber Việt Nam và Grab Việt Nam không tiếp tục thực hiện các hoạt động như vậy.
Không những thế, việc xác định cơ sở thuế của cả Uber và Grab vẫn phải đối diện khá nhiều khó khăn. Nguyên do, cơ quan thuế Việt Nam khá gian nan để xác định chính xác khoản thu nhập chịu thuế của các đơn vị này vì cho đến nay gần như vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào nội dung kê khai của chính người của họ.
Riêng về thuế VAT, cần có sự phân định rõ giữa giá trị của dịch vụ mà (a) các đơn vị vận chuyển cung cấp cho Uber hay Grab với (b) dịch vụ mà Uber và Grab bán lại cho hành khách. Hay nói cách khác, Uber hay Grab chịu trách nhiệm khai báo thuế đối với phần giá trị sau, là (b), và đơn vị vận chuyển chịu trách nhiệm kê khai cho phần giá trị còn lại, là (a). Điều đó cũng có nghĩa rằng, phương pháp tính thuế VAT (cũng như thuế TNDN ở trên) cho trường hợp kê khai của Uber và Grab, là (b), được áp dụng trên cơ sở quy định về thuế nhà thầu. Trường hợp còn lại (cũng tương tự với phần thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của tài xế), là (a), phương pháp tính thuế được xác định như các trường hợp thông thường khác.
Nhưng một lần nữa, việc quản lý đội ngũ bán dịch vụ vận chuyển trên giao diện của Uber hay Grab là rất khó, vì giữa họ kết nối bằng... ứng dụng. Có lẽ vì vậy mà Cục Thuế Hà Nội đã hướng dẫn các chi cục thuế quận, huyện yêu cầu “Uber hoặc tổ chức được Uber ủy quyền có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Uber theo tỷ lệ % thuế VAT là 3%, thuế thu nhập cá nhân là 1,5% tính trên doanh thu cá nhân được hưởng theo hợp đồng” (Công văn 8079/CT-TTHT ngày 6-3-2017).
Hướng dẫn này cho thấy một số vấn đề trong xác định cơ sở thuế. Một, việc xác định đúng cơ sở thuế là việc khó. Cụ thể, hoạt động cung ứng dịch vụ của bên vận chuyển Việt Nam thông qua Uber, Grab được xem là “hợp đồng hợp tác kinh doanh” giữa hai bên chứ không phải là hoạt động cho thuê sân để ký gửi dịch vụ của Uber và Grab. Hai, phương thức thu thuế nhà thầu (theo tỷ lệ % doanh thu) đã được sử dụng cho dịch vụ không phải đối tượng chịu thuế nhà thầu. Và ba, cơ sở nào để phân vùng đối tượng chịu thuế giữa các chi cục thuế là vấn đề quá phức tạp trong cơ chế vận hành của mô hình kinh doanh số này. Tất cả điều đó đương nhiên vẫn là thử thách rất lớn đối với việc quản lý cơ sở thuế trong nền kinh tế số như đã nói.
Trương Trọng Hiểu (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.