Đây được coi là một phần trong kế hoạch “tháo chạy” khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra phức tạp.

Ảnh minh họa.

Theo Reuters, Foxconn đang trong bước đàm phán để uỷ quyền cho ngân hàng, bán nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) của mình tại Quảng Châu, Trung Quốc. Nhà máy này có trị giá 8,8 tỷ USD và mới được đầu tư xây dựng.

Thương vụ này đã diễn ra trong một thời điểm nhạy cảm. Nhiều nhà đầu tư vào Trung Quốc trong đó có cả Apple đang muốn chuyển đầu tư của mình khỏi nước này để tránh ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.

Nếu việc bán thành công, đây sẽ là vụ thoái vốn lớn nhất lịch sử tại Trung Quốc.

Đối với Foxconn, việc đàm phán với ngân hàng uỷ quyền mới chỉ ở giai đoạn đầu. Điều này có nghĩa chưa có gì là chắc chắn họ sẽ bán được nhà máy ngay trong thời gian tới. Thực tế ngành công nghệ hiện nay, nhu cầu về màn hình LCD trên toàn cầu đang giảm.

Lúc này Foxconn vẫn từ chối bình luận mọi thông tin về họ, còn các nguồn tin của Reuters đều từ chối cung cấp chính xác nội dung, thậm chí danh tính người cung cấp cũng không công bố.

Trong tuần trước, Tổng thống Trump đã giáng một đòn mạnh vào Trung Quốc khi tuyên bố sẽ áp thuế 10% với hàng hoá trị giá 300 tỷ USD được nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 9 tới.

Kéo theo quyết định này là chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu đã hứng chịu tác động. Foxconn buộc phải xem xét lại chính sách của mình.

Nhu cầu về tivi màn hình lớn và màn hình LCD trên thế giới đang giảm, các nhà máy hiện có của Foxconn lại đang không chạy hết công suất. Chính Foxconn cũng phải đặt câu hỏi về sự cần thiết của nhà máy tại Quảng Châu.

Nhà máy này tới tháng 10 mới đi vào hoạt động và điều này sẽ khiến cho những bên có ý định mua nhà máy này e ngại. Một nhà máy chưa đi vào hoạt động ẩn chứa nhiều rủi ro hơn.

Theo Nhật báo Nikkei, Foxconn đã trì hoãn kế hoạch đưa nhà máy Quảng Châu đi vào hoạt động được 6 tháng nhưng công ty này cho biết việc triển khai dự án vẫn được thực hiện.

Nhà máy 8,8 tỷ USD này được khởi công từ năm 2016, khi đó truyền thông Trung Quốc đã coi đây là dự án được đầu tư lớn nhất và hy vọng nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ năm 2019.

Mục tiêu của dự án này là tạo ra nhà máy sản xuất màn hình lớn nhất châu Á, cạnh tranh với nhà cung cấp tấm nền hàng đầu Trung Quốc là BOE.

Chủ đầu tư của dự án là chính quyền tỉnh Quảng Châu và Japan’s Sakai Display Products. Công ty này là liên doanh giữa Sharp và Foxconn.

Nhưng chính Sharp đã tuyên bố sẽ xây nhà máy tại Việt Nam để tránh thuế áp lên sản phẩm Trung Quốc. Công ty này cũng thông báo doanh thu của họ trong quý gần nhất đảm giảm vì nhu cầu màn hình giảm.

Tùng Linh (BL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.