'Cơn bão' xây dựng khiến Myanmar ngập phòng khách sạn ế ẩm. Ngành du lịch Myanmar sau 6 năm vẫn chưa thể trở thành một phần quan trọng trong chương trình phát triển như Thái Lan.
Đường cao tốc vắng hoe ở Naypyidaw
Theo Bloomberg, khách sạn Esperado Lake View với tầm nhìn bao quát chùa Shwedagon và tháp vàng, điểm thu hút văn hóa hàng đầu Myanmar, có vị trí rất đắc địa. Song theo nhà quản lý khách sạn Nero Kyaw Wai, hai năm sau khi được xây dựng, khách sạn này vẫn ế khách nhiều tháng liền.
Khi Myanmar mở cửa với thế giới vào năm 2011, nước này được cho là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất thế giới, biên giới cuối cùng dành cho du khách thích mạo hiểm. Với cảnh quan đẹp và nhiều ngôi đền cổ, giới hoạch định chính sách Myanmar kỳ vọng du lịch sẽ trở thành một phần quan trọng trong chương trình phát triển của Myanmar như nước bạn Thái Lan.
Dù vậy, giấc mơ du lịch Myamar chưa thành. “Cơn bão” xây dựng khiến Myanmar ngập phòng khách sạn không được dùng đến. Nhiều tòa nhà bị quản lý kém khiến các ''viên ngọc'' du lịch quốc gia như địa điểm khảo cổ Bagan, hồ Inle tắc nghẽn với bùn và rác. “Việc phát triển một khu vực phức tạp như vậy là thách thức lớn với một nước chưa có kinh nghiệm”, cố vấn du lịch cho chính phủ Myanmar, ông Paul Rogers, cho hay.
Những năm gần đây, đầu tư nước ngoài liên tiếp đổ vào Myanmar. Nhà hàng thức ăn nhanh phương Tây, nhà máy nước đóng chai Coca-Cola và dịch vụ điện thoại di động nổi lên. Năm 2016, Myanmar có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng cao nhất châu Á, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Dù vậy, đây vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới với quân đội nắm nhiều quyền lực và bạo lực sắc tộc tồn tại. Ông Thet Lwin Toh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Myanmar cho biết: “Không có du lịch an toàn ở miền bắc và có nhiều bài báo xấu viết về
quốc gia”.
Chùa Shwedagon ở Myanmar
Bộ Du lịch và Khách sạn Myanmar soạn thảo kế hoạch tổng thể cho ngành hồi năm 2013, đặt mục tiêu đạt 7,5 triệu du khách đến năm 2020, con số cao gấp 10 lần so với mức khách du lịch đạt được trong năm cuối cùng khi quân đội còn cai trị ở Myanmar. Kế hoạch dự kiến đem về cho đất nước 10,2 tỉ USD, là động lực lớn cho tăng trưởng của nền kinh tế được ước tính đạt 63 tỉ USD.
Những mục tiêu trên giờ đây chỉ là giấc mơ, đặc biệt là sau khi Bộ Du lịch và Khách sạn Myanmar phải cắt giảm số liệu du khách hồi tháng 2 vì nhiều lời chỉ trích về số liệu không chính xác. Dữ liệu mới cho thấy số du khách đến Myanmar thực tế hạ 38% năm 2016, giảm từ 4,7 triệu người xuống còn 2,9 triệu người. Tính xác thực của dữ liệu thống kê ngân hàng Myanmar từng bị Ngân hàng Thế giới đặt câu hỏi.
Theo ông Rogers, tâm lý háo hức đã khuyến khích xây dựng quá mức ở Myanmar. Số lượng khách sạn tăng gần gấp đôi lên 1.300 trong 5 năm (đến năm 2015) và các doanh nghiệp nước ngoài đồng ý đầu tư tổng cộng 2,7 tỉ USD vào khách sạn. Hãng điều hành khách sạn Accor của Pháp và Hilton Worldwide Holdings của Mỹ là hai trong số này.
Tại hai khách sạn Hilton ở Myanmar, tỷ lệ cho thuê phòng và lợi nhuận tăng lên với mức hai chữ số mỗi năm kể từ năm 2014, khi khách sạn mở cửa. Hãng có thêm ba kế hoạch xây khách sạn nữa ở Myanmar, Chủ tịch Hilton’s Asia-Pacific Martin Rinck nói.
Bằng chứng về sự phát triển quá mức thể hiện rõ rệt tại thủ đô Myanmar Naypyitaw. Thủ đô này có đường cao tốc với 14 làn xe vắng hoe, nhiều cửa hàng đóng cửa và 5.000 phòng khách sạn hầu như không được dùng, theo Hiệp hội Du lịch Myanmar. Đánh giá trên trang TripAdvisor về một trong những khách sạn hạng sang ở Naypyitaw hồi năm ngoái viết: “Khách hàng duy nhất là những nhà tư vấn cô đơn” làm việc cho các tổ chức cứu trợ quốc tế.
Bên ngoài thành phố, khách sạn cũng ế ẩm. Tỷ lệ sử dụng phòng khách sạn trên toàn Myanmar năm ngoái chỉ đạt dưới 40%. Trong tháng cao điểm là mùa khô giữa tháng 11 và tháng 3, tỷ lệ sử dụng phòng cũng không cao hơn nhiều khi đạt khoảng 50%. Tháng 9.2016, Bộ Du lịch và Khách sạn Myanmar cho hay sẽ hạn chế các dự án khách sạn mới tại một số điểm du lịch lớn, trong đó có Yangon.
Tuy vậy, Bộ Hàng không dân dụng Myanmar vẫn thúc đẩy việc mở rộng Sân bay quốc tế Yangon với công suất 20 triệu hành khách/năm, tương đương với số lượng du khách đến thăm các điểm đến bận rộn như Bali (Indonesia). Bộ còn lên kế hoạch xây sân bay cách đó không xa với sức phục vụ 12 triệu hành khách.
Thu Thảo (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Du lịch Myanmar ế ẩm

    Du lịch Myanmar ế ẩm

    09/07/2017 6:57 PM

    'Cơn bão' xây dựng khiến Myanmar ngập phòng khách sạn ế ẩm. Ngành du lịch Myanmar sau 6 năm vẫn chưa thể trở thành một phần quan trọng trong chương trình phát triển như Thái Lan.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.