CafeLand - Doug Engelbart, người phát minh ra con chuột máy tính đầu tiên trên thế giới, vừa qua đời ở tuổi 88 tại nhà riêng riêng ở Atherton, California vào hôm thứ 3 vừa qua.

Doug Engelbart sinh ngày 30/1/1925 tại bang Oregon, Mỹ. Ông học kĩ thuật điện tại Trường Oregon và phục vụ như một kĩ thuật viên radar khi ông đóng quân ở Philippines trong những năm 1945. Sau chiến tranh, ông trở về bang Oregon và đã nhận được bằng cử nhân về kỹ thuật điện trong năm 1948. Năm 1955, ông nhận bằng tiến sĩ kỹ thuật điện từ UC Berkeley. Vào những năm 1960, Douglas Carl Engelbart đã hình dung ra sức mạnh của máy tính và internet khi kết nối mọi người lại với nhau, chính vì thế ông quyết tâm theo đuổi vấn đề phức tạp này.

Engelbart đã phát triển công cụ với vỏ bằng gỗ bao quanh hai bánh xe kim loại. Đây được xem là tiền thân của con chuột máy tính được sử dụng rộng rãi hiện nay.

Trong nhiều năm, nhiều người trong cộng đồng khoa học đã bác bỏ tầm nhìn mang tính cách mạng của Engelbart, mặc dù những ý tưởng của ông thường đi trước thời đại ông đang sống, khi máy tính vẫn có kích thước ngang ngửa một căn phòng và dữ liệu được lưu trong những cỗ máy khổng lồ ghi trên các thẻ đục lỗ.

Nhưng ông đã bỏ qua tất cả những lời chê bai đó, bằng niềm đam mê đối với máy tính ông đã thành lập phòng thí nghiệm riêng mang tên là Augmentation Research Center. Phòng thí nghiệm giúp phát triển ARPANet, mạng nghiên cứu chính phủ, trở thành xương sống của mạng Internet và phát triển TCP/IP, một trong những giao thức quan trọng nhất ngày nay.

Năm 1968, tại San Francisco, ông lần đầu trình diễn chuột máy tính trước công chúng. Cũng tại đây, ông tổ chức cuộc gọi hội thảo video đầu tiên và chứng minh những gì có thể xảy ra khi máy tính nói chuyện với nhau, ông cũng trình bày nguyên mẫu của email, các sáng kiến như xử lý văn bản…những cái có thể hình thành cấu trúc Internet.

Nhờ những sáng kiến của Engelbart mà ông William, một kỹ sư nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Stanford, đã phát minh ra một thiết bằng gỗ lăn trên bánh xe kim loại và kết nối với máy tính để bàn với một sợi dây giống như đuôi của một con chuột.

Steve Wozniak, đồng sáng lập Apple đã phát biểu rằng những phát minh của Engelbart đã khai trí cho con người, giúp khai thác thông tin và con người làm việc với nhau một cách dễ dàng hơn.

Công việc của Engelbart đã truyền cảm hứng cho các thế hệ nhà khoa học sau này như Bill Gates của Microsoft và Steve Jobs của Apple, họ đã tạo ra một khối lượng tài sản khổng lồ dựa trên những ý tưởng của Engelbart.

Mặc dù có rất nhiều người hưởng lợi từ các phát minh của Engelbart nhưng ông không kiếm được nhiều tiền từ phát minh này, mà viện nghiên cứu SRI của trường Stanford lại cấp quyền sử dụng công nghệ cho Apple vào năm 1983 với giá 40.000 USD và có ít nhất 1 tỉ con chuột máy tính đã được bán đến ngày nay. Còn ông trong những năm sau đó lại phải vật lộn rất nhiều để có được tài trợ cho các nghiên cứu của mình.

Một người bạn của Engelbart nói rằng: Mặc dù Engelbart sống bên cạnh những người giàu có ở thung lũng Silicon, nhưng cuộc đời ông thật khác biệt với họ, các bức tường ở phòng khách của ông phải dùng dây cáp bắn vít vào mới giữ bức tường thẳng đứng được, thậm chí một số bộ phận của ngôi nhà không thể sử dụng được.

Tuy cuộc sống rất khắc nghiệt nhưng bạn bè của ông nói rằng, ông lúc nào cũng vui vẻ và hài hước, thậm chí ngay cả khi người vợ đầu tiên là bà Ballard qua đời (1997) sau 46 năm chung sống.

Engelbart rất thích các hoạt động ngoài trời và dành nhiều thời gian chăm sóc khu vườn của mình, ông hay đi bộ những quãng đường dài, cắm trại, đi xe đạp và chèo thuyền…

Trước khi qua đời, ông sống cùng người vợ thứ hai, nhà văn và nhà sản xuất Karen O'Leary Engelbart, người ông kết hôn vào năm 2008, ông có 3 con gái, 1 con trai và 9 đứa cháu. Những năm cuối đời ông sống trong bệnh tật nhưng qua đời bình yên trong khi ngủ vào đêm ngày 2/7, Christina Engelbart, con gái của ông đã thông báo trong một email cho Bảo tàng Lịch sử máy tính Mỹ biết.

Engelbart được trao giải Lemelson-MIT trị giá 500.000 USD năm 1997 và Giải thưởng Công nghệ năm 2000 vì “lập ra nền tảng của điện toán cá nhân”. Từ năm 2005, ông là thành viên của Bảo tàng Lịch sử máy tính Mỹ.

Gia Bảo (Theo Latimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.