Cử tri cho rằng, ngành điện cần công khai cách tính giá, chi phí đầu vào để khách hàng kiểm soát.

Sáng 4/5, tại buổi tiếp xúc của tổ đại biểu số 1 (đoàn Đại biểu quốc hội TP Hà Nội) với cử tri hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, một số đại biểu đã nêu bức xúc về giá điện, cũng như đề xuất đóng dấu mật vào phương án điều chỉnh giá khi chưa công bố.

Ông Kiều Quang Long, cử tri phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Võ Hải.

Trong danh mục bí mật Nhà nước của ngành Công Thương đang được lấy ý kiến, Bộ này đề xuất, báo cáo điều hành kinh doanh, phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện chưa công bố sẽ là những thông tin được đóng dấu mật.

Cử tri Kiều Quang Long (phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm) cho rằng, những thông tin liên quan đến giá cả đều rất nhạy cảm và về nguyên tắc chung, những mặt hàng Nhà nước điều chỉnh giá nên được giữ bí mật trước khi thay đổi nhằm tránh gây hỗn loạn thị trường, tránh đầu cơ. Tuy nhiên, điện là mặt hàng vừa sản xuất vừa tiêu thụ, nên lo ngại tình trạng đầu cơ là không có cơ sở.

"Mặt hàng điện do Nhà nước quản lý với cơ chế thị trường đòi hỏi phải minh bạch. Giá thành của nó còn mơ hồ, chưa được tính toán công khai cụ thể, cân đối thế nào, càng mật càng gây bất bình với người tiêu dùng", ông Long nói và cho biết việc Bộ Công Thương muốn đóng dấu mật "là quá nuông chiều với ngành điện".

Ngoài ra, việc đóng dấu mật vào phương án giá điện khi chưa công bố được ông Long cho rằng sẽ chặn đường giám sát giá điện của người dân, trái ngược với các nguyên tắc giá cả của các mặt hàng được công khai. Ở nhiều quốc gia, việc mua điện càng nhiều giá càng rẻ nhưng ở Việt Nam thì ngược lại.

Từ những phân tích trên, cử tri phường Long đề nghị minh bạch giá thành sản xuất điện, minh bạch giá chuyển tải và phân phối điện, không được phân biệt đối xử trong đàm phán mua bán điện với các đối tác sản xuất.

Trước đó, trong nhiều lần chia sẻ với báo chí, Bộ Công Thương đã nêu ba lý do tiền điện tháng 4 của các hộ dân tăng đột biến. Một là nhu cầu sử dụng tháng 4 cao hơn nhiều so với các tháng trước do thời tiết nắng nóng. Sản lượng tiêu thụ thực tế tại Hà Nội bình quân tháng 4 tăng hơn 16% và hơn 32% khách hàng có mức tiêu thụ điện trên 1,5 lần so với tháng trước. Con số này ở TP HCM lần lượt là 15% và 22%. Hai là số ngày sử dụng điện tháng 4 nhiều hơn 3 ngày so với tháng 3, làm điện năng sử dụng tăng thêm 10,71%. Yếu tố khác cũng khiến tiền điện tăng là việc điều chỉnh giá điện từ ngày 20/3.

Tuy nhiên, theo ông Trần Công Dân (phường Thành Công, Ba Đình), việc tăng giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ông Dân cho rằng, phải xem lại việc tăng giá điện của Bộ Công Thương và cơ quan quản lý không thể mãi giải trình tiền điện của người dân tăng do trời nóng nên người dân dùng quá nhiều.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Bà Bùi Huyền Mai - Phó đoàn Quốc hội TP Hà Nội nhắc lại, Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra việc tăng giá điện, kết quả kiểm tra sẽ được báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019.

Võ Hải (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.