“Chúng ta có một môi trường đầy rẫy các cơ hội cho những kẻ phiêu lưu. Giới doanh nhân của chúng ta là một giới doanh nhân rất liều trong quá trình thực hiện các dự án thương mại”

Ông Nguyễn Trần Bạt.

“Chúng ta có một môi trường đầy rẫy các cơ hội cho những kẻ phiêu lưu. Giới doanh nhân của chúng ta là một giới doanh nhân rất liều trong quá trình thực hiện các dự án thương mại”, ông Nguyễn Trần Bạt tiếp tục cuộc trao đổi với BizLIVE về diện mạo các thế hệ doanh nhân Việt Nam đã hình thành và phát triển sau gần 30 năm đất nước đổi mới và hội nhập, nhân dịp đầu xuân Ất Mùi.

“Họ buộc phải có những khuôn mặt như vậy”

Theo ông, từ cách làm ăn như thế, sẽ hình thành nên những bộ mặt doanh nhân với những con người như thế nào?

Cái đó rất khó để nói, bởi vì trong những điều kiện chính sách nào đó, điều kiện xã hội nào đó, trong những điều kiện văn hóa nào đó thì con người không tự nhiên và không hồn nhiên có quyền thể hiện các gương mặt con người của mình.

Cho nên không thể nói về con người doanh nhân, bộ mặt con người của doanh nhân trong những điều kiện như hiện nay. Họ buộc phải có những khuôn mặt như vậy.

Rất nhiều người muốn hỏi tôi về chuyện này, tôi đã phải khất lần hoặc từ chối, vì mô tả văn hóa giới doanh nhân Việt Nam bây giờ là mô tả vô cùng khó, nó sẽ không động viên nếu xét theo quan điểm con người, nó sẽ không hoan hô nếu xét theo quan điểm quản lý nhà nước...

Nói tóm lại, về mọi phương diện nếu xét gương mặt con người của giới doanh nhân thì chỉ có vợ con họ mới thông cảm và yêu mến họ được.

Các cô con gái muốn đi lấy chồng phải đeo rất nhiều kính râm. Để tìm thấy cái họ muốn thì họ đành phải thế. Nhưng những người như tôi với chị không đi tìm ai nữa, cho nên chúng ta hoàn toàn tỉnh táo để nhìn đời. Chúng ta càng nhìn đời càng thấy thương người.

Vậy điều gì ảnh hưởng mạnh nhất đến tính cách của doanh nhân sau đổi mới, thưa ông?

Cơ hội. Do chúng ta hội nhập và xây dựng thể chế một cách thiếu kinh nghiệm và đôi khi cẩu thả. Chúng ta có một môi trường đầy rẫy các cơ hội cho những kẻ phiêu lưu. Giới doanh nhân của chúng ta là một giới doanh nhân rất liều trong quá trình thực hiện các dự án thương mại.

Nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế thuần túy thương mại. Chúng ta gần như không có công nghiệp, đến cái đinh chúng ta cũng không làm được, cái kim chúng ta cũng không làm được, bởi vì chúng ta không sản xuất, chúng ta không có văn hóa công nghiệp.

Chúng ta chỉ có văn hóa thương mại, đặc biệt là thương mại đạt đến ngay trạng thái điện tử và trạng thái chứng khoán. Hiện nay trên thế giới người ta gọi là nền kinh tế được tài chính hóa.

Hay nói cách khác, chúng ta là kẻ ăn theo sự phiêu lưu vào trạng thái phát triển cực đoan của kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Tôi không nói đến tính cách của những doanh nhân nho nhỏ, những khu vực vừa và nhỏ bởi vì họ vẫn đi theo những quy luật thông thường, họ không có gì đột biến. Nhưng những doanh nhân tiên phong, những doanh nhân trong khối khu vực phát triển của nền kinh tế Việt Nam, khu vực phiêu lưu của nền kinh tế Việt Nam, thì họ đạt đến tính phiêu lưu tiêu chuẩn hàng đầu của thế giới.

Vậy có sự khác biệt nào trong tính cách doanh nhân giữa hai miền không, thưa ông?

Không, tôi thấy tất cả những kẻ phiêu lưu đều đi vào trong Nam. Cho nên trên thực tế không có sự khác biệt đó. Vấn đề Bắc - Nam chỉ có trong ý nghĩ của các nhà chính trị thôi.

Chỉ có kiểu tiêu tiền Bắc - Nam. Nếu chị hỏi về cách tiêu tiền, tôi sẽ nói người Nam có kinh nghiệm tiêu tiền hơn. Người Nam giống người Mỹ ở điểm là tiêu tiền mà không cần biết mình có bao nhiêu.

Vì tiêu tiền tốt nên họ là một thị trường tốt, những người buôn trong thị trường ấy sẽ kiếm tiền dễ hơn. Và gọi kẻ kiếm được tiền một cách dễ hơn là doanh nhân giỏi hơn thì chưa chắc đã đúng.

“Không cần lo tôn giáo làm cho doanh nhân ngủ”

Ông nghĩ gì khi trong bối cảnh này, nhiều doanh nhân bắt đầu nghĩ lại, có người muốn từ bỏ nghiệp kinh doanh, có người tìm đến đạo Phật và tìm đến triết học như một cứu cánh?

Nếu quả thật triết học bắt đầu ảnh hưởng đến đời sống của giới doanh nhân thì đó là dấu hiệu tiêu cực. Doanh nhân thành đạt bởi vì họ không thèm biết triết học là gì.

Nói chung, nếu không hiểu biết đầy đủ thì họ sẽ thua bằng hai cách, một là mất tiền, hai là mất tự do. Thế nhưng số người mất tiền và mất tự do thực ra chiếm một tỉ lệ rất ít trong toàn bộ giới doanh nhân. Cho nên tại sao họ vẫn cứ buôn. Bởi vì tỉ lệ những người chết trận vì buôn bán, vì làm bậy vẫn có rất ít.

Tôi không tin có một tôn giáo nào, có một vị Phật nào có thể tạo ra được một trạng thái tôn giáo kìm hãm sự phiêu lưu của giới doanh nhân. Bởi vì khi nào họ buôn đến mức họ tỉnh ngộ và có đạo thì người ta nghỉ. Nhưng một người nghỉ thì có 100 người kế tục sự nghiệp để lấp đầy không gian mà người kia vừa vắng.

Với tư cách là người nghiên cứu, tôi đảm bảo chị không cần lo tôn giáo làm cho giới doanh nhân ngủ. Ai ngủ thì cứ ngủ, nhưng chắc chắn những kẻ thức sẽ đông hơn.

Tôi biết nhiều người trong xã hội cầu mong đến một ngày giới thương nhân Việt Nam thức tỉnh về ranh giới đạo đức, họ sẽ “hoàn lương” trở lại. Có thể các doanh nhân cụ thể sẽ có hiện tượng này, nhưng giới doanh nhân trên thế giới này không ở đâu “hoàn lương” cả. Đấy chính là động lực của tư bản, bởi vì nếu tất cả mọi người đều muốn “hoàn lương” thì nền kinh tế xong rồi.

Và cuộc “hoàn lương” của giới doanh nhân nếu có sẽ là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt. Sẽ không có sự “hoàn lương” toàn diện của giới doanh nhân trên toàn thế giới, và cũng sẽ không có cả chuyện ấy ở Việt Nam.

Ngày mà mọi doanh nhân “hoàn lương” sẽ là ngày kết thúc phát triển kinh tế.

Ông quan niệm về cách làm giầu như thế nào là chính đạo?

Thiên hạ phải tự xây dựng các tiêu chuẩn văn hóa để thấy sự chính đạo của những người thành đạt. Bởi vì thiên hạ cần cả tiền của họ làm ra và cần cả bộ mặt đẹp đẽ của họ để mà yên tâm.

Tất cả các bà vợ có chồng là một kẻ ăn cướp, ăn trộm hoặc tham nhũng đều phải cố gắng tạo ra các tiêu chuẩn và các cách thức để thuyết phục về tính lương thiện của những kẻ đó. Chính vì thế tham nhũng mới đông đến mức Tổng bí thư cũng phải nói rằng nó là yếu tố có số lượng không nhỏ. Cho nên thiên hạ phải tự thu xếp để sống chung với những yếu tố như vậy.

Các doanh nhân không có nghĩa vụ và không tự giao nghĩa vụ để làm đẹp mình theo kiểu ấy.

Cái nhìn của ông về một năm mới có gì tươi sáng hơn không?

Tôi không có thói quen đi tìm sự tươi sáng theo nghĩa nó là cứu cánh. Tôi có quan điểm rằng cuộc sống nó đầy đặn, nó như thế hoặc nó phải như thế. Chúng ta phải sống cùng với cuộc sống, chứ không phải nó phải thay đổi theo ý muốn của tôi và của chị.

Vì thế nên tôi sống một cách lạc quan, không phải vì cuộc sống làm cho tôi lạc quan mà bởi vì tôi cần cái lạc quan của tôi để sống. Tôi cho rằng không việc gì phải định kiến với cuộc sống. Ở đâu trên thế giới này thành đạt cũng khó, giàu có cũng khó, ở Mỹ cũng thế.

Chính vì thế mà tôi có một cuốn sách bàn về tự do có tên là Cội nguồn cảm hứng. Tôi bàn về tự do khác Stuart Mill, khác John Locke. Tôi nói tự do là thứ ăn được và tôi bày cho mọi người cách ăn tự do như thế nào.

Kim Yến (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.