Tháng 3/2011, ban nhạc đình đám Backstreet Boys đã tới Việt Nam biểu diễn. Ít ai biết rằng, người đưa ban nhạc ấy đến Việt Nam lại là một doanh nhân trẻ thành đạt trong làng công nghệ thế giới, anh Đỗ Hoài Nam.

Với nhiều người Việt Nam, cái tên Đỗ Hoài Nam hoàn toàn xa lạ. Bởi lẽ anh đã xa xứ từ gần 20 năm trước theo chương trình học bổng toàn phần của chính phủ Úc dành cho những sinh viên giỏi có tố chất đặc biệt để làm lãnh đạo tại Đại học RMIT (Úc). Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hoài Nam đã cùng với một người bạn thành lập Công ty SASme, chuyên cung cấp công nghệ truyền tin nhắn cho các công ty viễn thông lớn ở Úc, châu Á và châu Âu. Năm 2003, anh đã quyết định bán SASme và thành lập Emotiv Systems cùng 3 người Úc. Sản phẩm của Emotiv Systems đã được cả thế giới ghi nhận: thiết bị "đọc" não người, được hầu hết các viện nghiên cứu và trường đại học trên thế giới sử dụng. Được tôn vinh là 1 trong số 60 công ty triển vọng nhất Silicon Valey, trường hợp Emotiv Systems đã được đưa vào giảng dạy tại khoa kinh tế Đại học Harvard và sản phẩm của Công ty được đạo diễn James Cameron sử dụng để đo cảm xúc của người xem trước khi công chiếu bộ phim Avatar. Hiện Đỗ Hoài Nam đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Nhưng anh vẫn luôn hướng về Việt Nam với ước mơ được đóng góp sức lực của mình cho quê hương. Khi được mời làm nhân vật đối thoại của Doanh Nhân, ban đầu anh tỏ ra rất ngần ngại bởi "mình vẫn chưa làm được gì nhiều"…

Ðầu tư cho con người không thể vội

- Anh đã rất thành công với các sản phẩm về công nghệ trên thế giới như thiết bị đo não người. Tại sao anh lại không phát triển những sản phẩm đó tại thị trường Việt Nam?

Nếu nói tôi không làm gì với những ứng dụng công nghệ mà mình đã làm ra tại Việt Nam thì không đúng. Hiện tôi đang hỗ trợ một nhóm sinh viên và cựu sinh viên trường Bách khoa nghiên cứu để phát triển các công nghệ ấy tại Việt Nam. Emotiv chỉ tập trung vào công nghệ và nhiệm vụ của nhóm là phải làm được ứng dụng dựa trên công nghệ đó và cho ra đời một số sản phẩm như máy điện não đồ với giá thành thấp hơn rất nhiều so với những thiết bị hiện có trên thị trường...

- Anh còn đầu tư vào những lĩnh vực nào khác?

Thời gian gần đây tôi có về Việt Nam thường xuyên hơn, một phần vì công việc riêng, phần nữa là để đầu tư vào các lĩnh vực khác như sách ảnh, giải trí hay truyền hình. Nói thật là tôi không coi những hoạt động này là đầu tư để thu về lợi nhuận mà mục đích chính là giúp người dân Việt Nam có cơ hội được tiếp cận với các hoạt động giải trí trên thế giới. Ngoài ra, tôi còn đầu tư cho nhiều nhóm bạn trẻ có các sản phẩm công nghệ rất hay và tiềm năng, như Công ty Pixbox.vn, dùng công nghệ để giúp mọi người có thể có những cuốn sách ảnh rất đẹp do chính tay mình biên soạn, với giá thành cực thấp.

- Anh đang lấn sân sang những lĩnh vực không chuyên. Anh có sợ như vậy là đầu tư dàn trải?

Tôi không đầu tư vào ý tưởng mà chỉ quan tâm tới con người và đầu tư cho con người. Nếu có một nhóm nào đó tốt, có ý tưởng hay thì tôi sẵn sàng đầu tư để họ phát triển. Vấn đề là làm sao để chọn được những con người tài năng đúng nghĩa mà mình đang tìm kiếm mà thôi.

- Không có nhiều thời gian ở Việt Nam, làm cách nào để anh chọn lựa được những tài năng đúng nghĩa như anh nói?

Một nhà đầu tư đúng nghĩa thì chuyện ở đâu và mất bao lâu để tìm ra người cần đầu tư không phải là vấn đề. Nhưng có một ranh giới mong manh là nhà đầu tư tham gia vào doanh nghiệp đến chừng nào là đủ thì lại rất khó để phân định rạch ròi. Lúc này cần dựa vào kinh nghiệm. Tôi đã từng là người phải đi kêu gọi đầu tư cho mình và giờ là người trực tiếp đi đầu tư cho những người bắt đầu khởi nghiệp. Vì lẽ đó, dẫu không ở Việt Nam nhiều, nhưng tôi nghĩ là mình có đủ kinh nghiệm từ cả hai phía của chiến tuyến.

- Đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài ban đầu đến Việt Nam đều rất quyết tâm đầu tư, nhưng sau khi không thu được lợi nhuận như kỳ vọng họ đã nhanh chóng rút lui. Liệu… anh có nằm trong số đó?

Sở dĩ những nhà đầu tư đó thất bại là vì họ không thực tế. Họ đã kỳ vọng quá cao vào một thị trường nhỏ. Thứ hai là họ hơi hoang tưởng về trình độ cũng như tiềm năng phát triển thị trường mà họ đầu tư. Có 90% các nhà đầu tư khi vào Việt Nam muốn "đánh nhanh thắng nhanh" mà không sẵn sàng đầu tư dài hạn. Quan điểm về mặt đầu tư của tôi là đầu tư vào con người để giúp đỡ họ thành công. Tôi muốn thay đổi cách đầu tư, đặc biệt là vào những nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ - thứ mà tôi có chuyên môn nhất. Điểm lợi nhất khi khởi nghiệp tại Việt Nam là chi phí thấp. Thứ 2 là nhân lực dồi dào và có tài năng. Tuy nhiên điều đáng buồn là hiện nay chúng ta rất khó tìm được những người có trên 5 năm kinh nghiệm làm công nghệ đích thực. Trên thế giới, 80% người khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thành công phải là người có ít nhất 10 năm kinh nghiệm. Việt Nam muốn phát triển được thì cũng cần phải có đội ngũ như thế.

Một điểm nữa là các nhóm khởi nghiệp tại Việt Nam thường đi rất nhanh, nhưng họ lại chỉ đi trên một mặt phẳng, trong khi đó quy luật của cuộc chơi là phải đi lên cao. Sau 4-5 năm nhìn lại, họ sẽ nhận thấy mình vẫn chỉ đi loanh quanh và chưa bứt phá được. Điều này sẽ dần giết chết nhiệt huyết mà họ đã theo đuổi bao năm qua.

- Với nhiều điểm yếu như vậy của thị trường Việt nam, anh giải quyết bài toán đó như thế nào?

Lời giải cho bài toán trên là cái mà ai cũng đang đi tìm và tôi cũng vậy. Hiện tại tôi đang phối hợp với Becamex Bình Dương xây dựng một trung tâm công nghệ tại Bình Dương, chính thức khởi động vào tháng 10 này. Tôi muốn tạo một bệ phóng, một đường băng để các công ty công nghệ khởi nghiệp tìm thấy cơ hội và phát triển. Những nhóm khởi nghiệp sau khi được chọn sẽ được cung cấp toàn bộ những điều kiện tốt nhất từ cơ sở vật chất, văn phòng, hạ tầng pháp luật và tài chính cho tới nhà ở, đồ ăn thức uống thậm chí cả tiền mặt để toàn tâm toàn ý nghiên cứu, phát triển dự án đạt đến bước tiếp theo. Chúng ta phải đi từng bước, các bạn ấy sẽ có 2 năm cho bước đầu tiên của mình.

- Dường như anh đang muốn xây dựng một "Thung lũng Silicon" tại Việt Nam?

Tôi không nghĩ có một thành phố nào của Việt Nam có thể trở thành Thung lũng Silicon thứ 2 được vì chúng ta còn thiếu rất nhiều yếu tố về con người, trình độ, công nghệ, tài chính… Cái mà tôi muốn làm là tạo ra một môi trường tốt nhất có thể để phát hiện và giúp đỡ những người thực sự có tài năng và tâm huyết với công nghệ. Tôi cũng đã mời được nhiều cá nhân tiêu biểu trong làng công nghệ Mỹ, những người đã và đang nắm những vị trí hàng đầu trong các công ty lớn có vai trò chi phối cả ngành công nghệ, họ sẽ trực tiếp dẫn dắt và tư vấn các công ty ở Việt Nam để đến được với thị trường thế giới. Trong vòng 1 năm tới tôi hi vọng sẽ chọn ra được 10 công ty để đầu tư và trong vòng 3 năm sẽ có được 2 trong số đó có thể bán hay phát triển lớn mạnh hơn nữa. Mục tiêu của tôi đặt ra với các công ty này cũng không cao, chỉ khoảng 20-30 triệu USD mà thôi.

Ở nước ngoài để nâng cao lá cờ Tổ quốc trên trường quốc tế

- Anh dành nhiều tâm huyết cho Việt Nam như vậy, đã khi nào anh nghĩ sẽ trở về sinh sống và làm việc hẳn tại quê nhà?

Khi chúng tôi đi du học, tất cả các sinh viên Trung Quốc đều được khuyến khích ở lại nước ngoài để học tập và làm việc thêm ít nhất là 10 năm. Trong khi đó, Việt Nam lại muốn sinh viên của mình sau khi kết thúc chương trình đại học phải trở về quê hương ngay vì sợ chảy máu chất xám. Tại sao lại có một sự khác biệt lớn đến như vậy? Tôi nghĩ việc ở đâu không quan trọng, nhất là trong ngành công nghệ. Chúng ta cũng cần phải có người ở nước ngoài để nâng cao lá cờ Tổ quốc trên trường quốc tế, làm cầu nối đưa tri thức của thế giới về với Việt Nam. Tôi đã từng tham gia một số hội thảo công nghệ lớn của thế giới và cảm thấy cay cay nơi sống mũi khi không hề có một người Việt Nam nào có mặt ở đó, trong khi Trung Quốc thì có.

Tôi rất buồn khi nhiều bạn trẻ 9x của Việt Nam hiện nay coi nghèo là một cái tội. Có lần bước vào một quán café tại Việt Nam, tôi bắt gặp một bạn sinh viên làm phục vụ ở đó. Nhưng khi thấy bạn bè bước vào quán, cô bé ấy đã phải chạy đi chỗ khác vì xấu hổ, sợ bạn bè biết về công việc đang làm. Tại sao chúng ta lại phải xấu hổ khi chúng ta đang lao động chân chính cơ chứ? Khi đi du học, phải khó khăn lắm chúng tôi mới kiếm được công việc phục vụ bưng bê cho một nhà hàng. Khi đó, chúng tôi thường gọi tất cả các bạn bè của mình đến nhà hàng mình đang phục vụ và rất tự hào về công việc đó. Các bạn tới ủng hộ cũng phải trầm trồ vì phải là một người biết ngoại ngữ, có khả năng làm việc thì họ mới nhận vào làm. Khi mình chưa đủ kiến thức thì bắt đầu bằng một vị trí thấp để có cơ hội học tập vươn lên. Điều đó đâu có gì là sai trái và đáng xấu hổ!

- Con đường anh đi cũng bắt đầu từ vị trí thấp như thế?

Tôi là một người may mắn, nhưng cũng như bao lớp sinh viên du học khác, tôi cũng phải trải qua những ngày bươn chải để kiếm sống. Nhưng khi thành quả lao động của mình được cả xã hội ghi nhận thì đấy chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất cuộc đời của mình. Tôi vẫn nhớ khi thành lập SASme, mấy anh em chỉ có một chiếc xe Toyota cổ đời 82 nếu gặp mưa là có thể bị ướt hết, vì xe thủng khắp nơi. Nhưng chúng tôi vẫn rất vui khi leo lên chiếc xe đó để đi gặp khách hàng. Khi chiếc xe bị mất, hàng ngày chúng tôi phải di chuyển bằng tàu điện. Có vất vả nhưng khi đi tàu điện thấy tất cả mọi người đều thi nhau sử dụng tin nhắn mà mình đã góp phần tạo ra thì lúc đó cảm giác thực sự hạnh phúc. Sau này, mua và ngồi trong những chiếc xe sang trọng, tôi cũng không bao giờ có được cảm giác hạnh phúc như những ngày ấy. Tôi vẫn thường nói với các bạn trẻ rằng, không nên lập ra một doanh nghiệp chỉ vì mục đích kiếm tiền, hãy làm nó vì bạn tin rằng mình đang mang lại cho xã hội rất nhiều giá trị, nếu thực sự như thế thì xã hội sẽ đáp trả lại bạn hậu hĩnh hơn bạn có thể tưởng tượng ra được. Nếu đó là thứ mình đam mê và có ích thì hãy cố gắng thực hiện nó bằng bất cứ giá nào và sớm muộn rồi cũng sẽ thành công. Người thành công sớm không có nghĩa là giỏi hơn người thành công muộn. Điều quan trọng là sản phẩm họ sẽ phát triển như thế nào và mang lại gì được cho xã hội. Không bao giờ có việc "không làm được", chỉ có "chưa làm được" mà thôi.

- Đỗ Hoài Nam thực sự mong muốn sẽ ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam vươn ra thế giới và mang những kiến thức, kinh nghiệm mà mình học hỏi được về phục vụ nước nhà. Còn với riêng anh, Việt Nam không chỉ là quê hương mà còn là một thị trường mới để thử sức phát triển. Ở đây, anh cũng là một người bắt đầu "khởi nghiệp". Mong rằng anh sẽ thực hiện được giấc mơ mình đang theo đuổi trên mảnh đất quê nhà.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Doanh nhân đem Backstreet Boys tới Việt Nam: Không bao giờ có việc "không làm được"

    Doanh nhân đem Backstreet Boys tới Việt Nam: Không bao giờ có việc "không làm được"

    16/07/2012 2:13 PM

    Tháng 3/2011, ban nhạc đình đám Backstreet Boys đã tới Việt Nam biểu diễn. Ít ai biết rằng, người đưa ban nhạc ấy đến Việt Nam lại là một doanh nhân trẻ thành đạt trong làng công nghệ thế giới, anh Đỗ Hoài Nam.

  • Đỗ Hoài Nam và ứng dụng bộ đọc não người

    Đỗ Hoài Nam và ứng dụng bộ đọc não người

    13/02/2012 1:36 AM

    Bạn có biết bộ phim Avatar nổi tiếng sử dụng thiết bị đọc não người của Emotiv Systems để đo cảm xúc của người xem trước khi được công chiếu trên toàn thế giới? Điều có thể khiến bạn bất ngờ hơn là sự ra đời của sản phẩm này có đóng góp rất lớn của một người Việt trẻ tuổi ở Úc: Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Emotiv Systems.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.