Hiện việc giảm giá cước vận tải ở thời điểm hiện tại chưa tương xứng với mức giảm giá của xăng dầu. Vì sao?
Nhiều hành khách đi taxi than phiền giá xăng dầu giảm nhưng tiền cước không giảm. Trong ảnh: số lượng hành khách đi taxi về sân bay Tân Sơn Nhất rất đông - Ảnh: Hữu Khoa
Giá xăng dầu giảm sâu, bằng với mức từ 8 năm về trước nhưng giá cước vẫn chưa giảm hoặc giảm không đáng kể. Tại cuộc họp của Bộ GTVT với các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải về giá cước ngày 22-2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng việc giảm giá cước vận tải ở thời điểm hiện tại chưa tương xứng với mức giảm giá của xăng dầu.
Trong khi đó, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) đề nghị các doanh nghiệp (DN) vận tải đừng “nhìn nhau” mà phải chủ động giảm giá cước để khỏi bị mang tiếng chây ỳ.
Nại nhiều lý do
 không giảm giá
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết hiện nay cả nước có hơn 4.000 tuyến vận tải hành khách cố định nhưng có chưa đến 1.000 tuyến thực hiện giảm giá cước là quá ít. Còn taxi là một trong những loại hình có giá cả liên quan trực tiếp tới người dân nhưng mới có trên 300 hãng giảm giá, trong khi cả nước có cả ngàn hãng taxi. Ông phàn nàn: khi giá xăng lên là DN tăng giá cước ngay, nhưng khi giá xăng giảm thì lại đưa ra rất nhiều lý do để không giảm giá cước.
Ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - cho biết trước Tết Nguyên đán, các hãng taxi đã giảm giá từ 300 đồng/km, có DN giảm đến 500 đồng/km. Ông Hỷ cho rằng hầu hết hãng taxi khoán xăng cho tài xế nên khi giá xăng tăng thì hãng phải hỗ trợ, nhưng giá xăng giảm thì tài xế được lợi “chứ công ty không hưởng lợi”.
Mặt khác, ông Hỷ cho biết: mỗi lần lập trình tăng, giảm cước phí thì Nhà nước quy định phí 105.000 đồng/xe, 6.000 xe tốn 700 triệu đồng, chưa kể các khoản khác. Cho nên “tăng không ham, giảm cũng không ham”.
Về sự nhiêu khê của thủ tục kê khai cước, ông Bùi Danh Liên - chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội - cho biết rõ hơn: “Mấy ngày nay chúng tôi kê khai 99 trang giấy khi phải làm 4 bộ hồ sơ cho 23 tuyến vận tải. Vì cán bộ tài chính làm thủ tục không nắm được về vận tải nên khi đưa giá cước BOT từ bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) vào Vinh tăng từ 6 triệu đồng lên 18 triệu đồng/chuyến xe thì bảo “làm gì tăng nhiều thế, phải photo tất cả giấy tờ đưa lên” khiến việc này phải mất một tuần.
Thủ tục hành chính phải cải tiến. Cục Quản lý giá điều hành lâu nay chưa thành công. Chứ nếu tốt rồi thì không phải ngồi đây họp ngày hôm nay” - ông phản ảnh.
Ông Đỗ Quốc Bình - chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - cũng diễn giải nhiều và gút lại: xăng dầu có giảm giá nhưng tài xế và DN cũng chẳng lợi lộc bao nhiêu (?!).
Trong khi đó, theo ông Đào Minh Dương - chủ tịch Công ty vận tải Vinasun (vận tải hành khách và container), giá xăng dầu chiếm 20-30% cước vận tải. Nên mỗi khi giá xăng dầu tăng giảm 10% sẽ điều chỉnh 2% cước vận tải.
“Đề nghị cứ tự động mỗi lần như tăng giảm 10% thì các sở GTVT, tài chính cứ thông báo các đơn vị được tăng giảm 2%. Các đơn vị phải theo, nếu không tuân thủ thì rút phù hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải. Như vậy quản lý nhà nước đơn giản và người dân có thước đo để biết DN tăng hay giảm cước phù hợp hay không” - ông Dương nói.
Đừng vin vào những lý do này khác
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng cước vận tải là vấn đề bức xúc của xã hội dù đã tìm hiểu giải pháp quản lý nhưng chưa thật sự hiệu quả.
“Đã họp rất nhiều, mỗi lần giá xăng dầu giảm các cơ quan quản lý chỉ có ra văn bản, thành lập các đoàn kiểm tra xem kê khai, niêm yết thế nào. Tôi đã đi kiểm tra, thấy một số DN thực hiện kê khai, niêm yết rất đàng hoàng khi giá xăng giảm thì giảm giá. Nhưng vẫn có những DN chưa chịu giảm, làm người dân bức xúc. Một số DN làm ăn chân chính thì bị cạnh tranh khốc liệt với DN làm ăn dối trá nên tạo ra bức xúc lớn” - ông Thọ nói.
Theo ông Thọ, xăng dầu chiếm đến 25-35% chi phí vận tải thì dứt khoát xăng dầu giảm giá thì cước vận tải phải giảm, tùy theo mức độ, “DN đừng vin vào những lý do chi phí này, chi phí khác”.
Ông nói: người dân không quan tâm các yếu tố khác mà chỉ cần biết nhiên liệu giảm thì cước phải giảm. Còn biên độ tăng giảm thế nào phải tính toán cụ thể trong thông tư sửa đổi. Ông Thọ cho rằng ý kiến các hiệp hội cũng đã được tiếp thu để sửa đổi giá cước.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường vẫn đánh giá DN đã kê khai giảm giá cước nhưng chưa đạt được như kỳ vọng của người dân.
Ông Trường yêu cầu từ chiều 22-2 các DN phải tính toán giảm giá cước taxi và vận tải khách tuyến cố định. Trong tháng 2 phải công khai việc giảm giá cước vận tải ở tất cả các nơi.
Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy trình để triển khai việc kê khai giảm giá cước vận tải một cách đơn giản như có thể gửi email thông báo trước và gửi hồ sơ sau.
Taxi phải giảm 
ít nhất 600 - 800 đồng/km
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Thỏa, tổng thư ký Hội thẩm định giá, cho rằng các sở tài chính và giao thông vận tải cần yêu cầu các DN kê khai lại giá cước vận tải. Trường hợp DN không kê khai lại thì phải xử phạt thật nghiêm.
“Với chi phí nhiên liệu giảm mạnh từ đầu năm đến nay mà các chi phí khác không thay đổi thì cước taxi chí ít phải giảm 600 - 800 đồng/km. Còn nếu tính từ cuối năm ngoái thì mức giảm giá cước phải cao hơn” - ông Thỏa nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cho biết dự kiến trong tháng 3, thông tư sửa đổi một số quy định về cước vận tải ôtô sẽ được ban hành.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, khi giá nhiên liệu đầu vào giảm 20% so với giá nhiên liệu tại thời điểm kê khai liền kề trước đó thì tối đa sau 5 ngày kể từ ngày giá nhiên liệu giảm, đơn vị kinh doanh vận tải phải kê khai lại giá cước, giảm giá cước phù hợp với mức giảm của chi phí nhiên liệu.
LÊ THANH
Nhiều doanh nghiệp chưa chịu giảm giá cước
Theo bà Nguyễn Mậu Phương Quỳnh - phó ban vật giá Sở Tài chính TP.HCM, đã có 30/49 DN thực hiện kê khai giá, mức giá cước giảm phổ biến từ 3-5%, cao nhất là 7,14%. Riêng 2 đơn vị là Công ty Thành Bưởi và HTX dịch vụ, du lịch Miền Tây đề nghị giữ nguyên giá, sở đang yêu cầu 2 đơn vị này thực hiện giải trình.
Đối với taxi, do giá xăng giảm 3 đợt kể từ đầu năm nên DN taxi giảm giá cao nhất qua 3 đợt khoảng 4%. Còn lại mức giá giảm bình quân chỉ từ 1,16 tới 2,4% so với giá trước khi giá xăng giảm.
Theo bà Quỳnh, giá xăng chiếm khoảng 25-30% cơ cấu giá cước taxi, vì vậy tính luôn cả 3 đợt giảm giá xăng từ đầu năm thì mức giảm cho đợt gần nhất ở mức 1,16 đến 2,4% là hợp lý chứ không phải là thấp.
Trong khi đó tại Hà Nội, báo cáo từ Sở Tài chính cho biết từ đầu tháng 2 đến nay, đã có 22 DN taxi kê khai giảm giá cước. Tuy nhiên, mức giảm vẫn rất thấp, chỉ từ 200-500 đồng/km. Sở này cho biết trong tuần này sẽ có đoàn liên ngành đi kiểm tra giá cước của một số DN.
DŨNG TUẤN - TUẤN PHÙNG
Tuấn Phùng (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.