Đà phá sản của doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng cao trong năm 2014 với hơn 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động, theo Tổng cục Thống kê. Song, Tổng cục Thống kê cho rằng tình hình không đáng lo.

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục khó khăn. Ảnh TL SGT.

Tình trạng đóng cửa vẫn tiếp diễn

Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) Phạm Đình Thúy nói tại buổi họp báo của Tổng cục Thống kê chiều 27-12: “Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang trong tình trạng đóng cửa giải thể.”

Theo Tổng cục Thống kê, có 9.501 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể. Trong đó có đến gần 94% doanh nghiệp có số vốn dưới 10 tỷ và 70% số doanh nghiệp giải thể thuộc lĩnh vực dịch vụ có hàm lượng công nghệ thấp như lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy; dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị.

Trong năm 2014, cả nước có 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 432,2 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% về số doanh nghiệp nhưng tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm trước.

Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm qua là 1,09 triệu người, tăng 2,8% so với năm trước.

Trong năm qua, cả nước có 15.419 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Ông Thúy nhận xét, có bốn nguyên nhân cơ bản làm doanh nghiệp Việt Nam đóng cửa.

Thứ nhất, kinh tế thế giới suy giảm, trong khi kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nên các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Thứ hai, 97,6% số doanh nghiệp Việt Nam là có quy mô nhỏ và vừa, có trình độ quản lý thấp, năng lực cạnh tranh yếu nên dễ bị phá sản.

Thứ ba, do các doanh nghiệp nhỏ và vừa về quy mô nên các chủ doanh nghiệp đóng cửa để chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác dễ dàng.

Thứ tư, các doanh nghiệp kém về nguồn nhân lực, về ứng dụng khoa học kỹ thuật, nên họ có hiệu quả hoạt động thấp, khó cạnh tranh.

Không đáng lo ngại

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận việc này là bình thường, và “không đáng lo ngại.”

Tại buổi họp báo, ông trích dẫn các số liệu thống kê cho thấy, năm 2012 tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 3 năm hoạt động ở Anh là 70%; tại Mỹ tỷ lệ tồn tại sau 5 năm hoạt động là 50%.

Bên cạnh đó, theo số liệu của Chính phủ New Zealand trong 4 năm liên tiếp (2010-2013) số doanh nghiệp rút khỏi nền kinh tế lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới.

Ông cũng trích dẫn số liệu thống kê của Ủy ban Châu Âu cho thấy tốc độ gia tăng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp giải thể là tương đương; tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 5 năm là 46%.

Ông Lâm nói: “Trong khi đó ở nước ta với khoảng 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong tổng số 830 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký thành lập thì tỷ lệ tồn tại là trên 60%,” ông nói.

“Ở góc độ nào đó, giải thể hay phá sản của doanh nghiệp giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, làm trong sạch môi trường kinh doanh và là cơ sở cho sự phát triển bền vững,” ông nhận định.

Tư Hoàng (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.