Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những quyết định quan trọng: hoặc thay đổi để hòa mình vào xu thế toàn cầu hóa và những chuyển biến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoặc tụt lại phía sau trước thế "lấn sân" của doanh nghiệp, thương hiệu nước ngoài.

Có nhiều cách để doanh nghiệp trong nước bắt kịp những thay đổi của thời cuộc, nhưng theo ghi nhận của Doanh Nhân Sài Gòn từ lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn thì con người vẫn quyết định sự phát triển của một tổ chức, cùng với đó là lựa chọn mô hình quản trị, quy trình sản xuất và chiến lược phát triển phù hợp.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC): Xuất ngoại cũng là cách để bảo vệ thị trường nội địa

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

* Tại sao trong các phát biểu ông luôn tâm đắc với chiến lược đưa ngành xây dựng Việt Nam xuất ngoại?

- Trong những năm gần đây, ngành xây dựng của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Thay vì là "sân chơi" của các nhà thầu nước ngoài thì các doanh nghiệp xây dựng trong nước đã đủ sức đảm đương những công trình có độ phức tạp lớn.

Song, để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo sức lan tỏa rộng cho thương hiệu, theo tôi các nhà thầu xây dựng trong nước cần mở rộng ra thị trường nước ngoài. Hơn 10 năm trước, chúng tôi đã triển khai xây dựng nhà cao tầng bậc nhất Việt Nam và hiện trong quá trình triển khai một dự án lớn khác với bê tông khối lớn lên đến 23.000m3, sử dụng kết cấu thép hơn 30 tấn, dày 10 phân, thi công đảm bảo tiêu chuẩn Mỹ.

Để đáp ứng được yêu cầu từ những công trình phức tạp, Hòa Bình đã trải qua nhiều thử thách. Sau hơn 30 năm phát triển, từ một doanh nghiệp nhỏ, là nhà thầu phụ, chúng tôi đã dần khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành xây dựng. Hòa Bình đã hợp tác với hầu hết các công ty xây dựng hàng đầu trên thế giới nên có cơ hội tiếp nhận kỹ thuật của họ, học hỏi kinh nghiệm từ họ.

Trong chiến lược phát triển của Hòa Bình, chúng tôi vẫn duy trì thị trường trong nước bởi đó là cái nền, cái gốc của Công ty. Song song đó, chúng tôi luôn tìm cơ hội ở thị trường nước ngoài. Việc phát triển thị trường xây dựng ở nước ngoài không chỉ đem lại lợi ích cho nền kinh tế mà còn là phương cách hữu hiệu nhằm nâng cao trình độ, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam, đảm bảo luôn theo kịp trình độ thế giới, là cách tốt nhất để bảo vệ thị trường nội địa.

* Hòa Bình đã thực hiện chiến lược xuất ngoại như thế nào, thưa ông?

- Để thực hiện chiến lược xuất ngoại, năm 2011 Hòa Bình bắt đầu tham gia nhiều công trình tại Malaysia trong vai trò nhà thầu quản lý xây dựng, bao gồm chung cư cao cấp Le Yuan Residence và cao ốc thương mại - văn phòng Desa Commercial. Năm 2012, Hòa Bình đã tham gia xây dựng GEMS tại Myanmar cũng trong vai trò nhà thầu quản lý xây dựng.

Khi ấy, GEMS là một trong số ít khu nhà cao tầng ở Yangon. Tại đây, chúng tôi đã thành công trong việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc cho các nhà thầu phụ địa phương, rút ngắn tiến độ thi công bình quân từ 19 ngày/sàn xuống còn 6 ngày/sàn, với diện tích mỗi sàn 2.000m2. Hiện nay, trong nước, Hòa Bình có khả năng tổ chức thi công 3 ngày/sàn.

Sau những bước đi thăm dò thành công, Hòa Bình chuẩn bị nguồn lực cho việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng đến thị trường đang phát triển nóng là Kuwait, với gói thầu kết cấu bê tông cốt thép của công trình Criminal Evidence Headquarters trị giá khoảng 35 triệu USD.

Đây được xem là thành công bước đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu chiến lược hợp chuẩn quốc tế - xác định thương hiệu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong giai đoạn mới. Ở giai đoạn mới này, ngoài xây dựng đội ngũ nhân sự đủ năng lực triển khai các công trình theo tiêu chuẩn quốc tế thì mỗi năm chúng tôi đều đổi mới quy trình, hệ thống quản lý, tái đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị để một mặt tối ưu hóa chi phí cho các gói thầu, mặt khác để tham gia những công trình với độ khó ngày càng tăng.

Ông Hàng Vay Chi - Chủ tịch Tập đoàn Việt Hương: Muốn thay đổi cần phải có những con người đủ trình độ

Ông Hàng Vay Chi - Chủ tịch Tập đoàn Việt Hương

* Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được đề cập khá phổ biến, gắn liền với sản xuất, quản trị doanh nghiệp. Tại nhiều quốc gia, như Thái Lan chẳng hạn, sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997, các nhà làm chính sách và doanh nghiệp lớn, trong đó có phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN) đã cùng nhau tìm ra giải pháp nâng cao năng lực thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài trên cơ sở xây dựng mạng lưới "thành phố thông minh" thu nhỏ trong các KCN. Theo ông, vấn đề này liệu có được các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN của Việt Nam quan tâm trong giai đoạn hiện nay?

- Việc các doanh nghiệp chuyển mình và phát triển theo hướng công nghiệp 4.0 là điều tất yếu phải làm, bởi vì khi vận hành theo hướng phát triển mới sẽ giúp doanh nghiệp vừa tiết kiệm được chi phí, hiệu quả đạt được lại cao. Là một trong những nhà phát triển KCN tại Việt Nam, tôi nhận thấy việc phát triển KCN trong thời gian tới muốn bền vững thì nhà đầu tư cần chú trọng đến các tiêu chí về hệ sinh thái, KCN thông minh và tất nhiên các yếu tố này phải tương thích và đồng hành cùng yếu tố công nghiệp 4.0. Dĩ nhiên, để làm được điều này, các nhà phát triển KCN cần phải có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng.

Hơn thế nữa, điều này càng khuyến khích các nhà đầu tư chủ động trong việc tự động hóa, chọn lựa nguồn nhân lực có tay nghề cao. Ở Việt Hương, chúng tôi đang ấp ủ một dự án KCN theo xu hướng công nghiệp 4.0, vì tôi tin rằng với xu thế phát triển KCN theo hướng mới thì các nhà phát triển KCN Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để chọn lựa nhà đầu tư tham gia hoạt động trong KCN mà mình phát triển.

* Với Việt Hương, Ban lãnh đạo Công ty có những chiến lược gì để duy trì vị thế cạnh tranh trong giai đoạn mới?

- Trong thời đại công nghiệp 4.0, không thể tốn quá nhiều thời gian, bút mực, giấy tờ cho việc họp hành, mà trái lại cần tự động hóa. Đơn cử như các chính sách, thông tư, thông báo chỉ cần doanh nghiệp đầu tư bài bản hệ thống dữ liệu, tất cả chỉ cần một cái click chuột thì thông tin được chia sẻ đến đối tượng cần được tiếp nhận. Hơn thế nữa, với cách làm này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động và ngày càng tiết kiệm được thời gian họp hành để tập trung vào kinh doanh.

Với Tập đoàn Việt Hương (hoạt động trong các lĩnh vực KCN, may mặc, mì ăn liền), chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho giai đoạn mới. Hơn chục năm trước, chúng tôi đã số hóa hệ thống quản lý, từ nhân sự, tiền lương đến sản xuất, kinh doanh. Cán bộ quản lý chỉ cần bấm nút là biết được quy trình vận hành đang ở khâu nào, vướng mắc ở đâu để kịp thời giải quyết.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, dù khoa học, kỹ thuật, công nghệ có phát triển đến đâu thì con người vẫn là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Nếu không đào tạo, không có được đội ngũ giỏi tay nghề, có trình độ cao thì sẽ khó để thích ứng với sự phát triển của khoa học - công nghệ trong thời đại cách mạng 4.0. Đó là lý do mà tại Việt Hương, chúng tôi chú trọng đến khâu tuyển chọn và đào tạo nhân sự.

Ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc Công ty Bánh kẹo Á châu (ABC Bakery): Sự lấn lướt của các thương hiệu ngoại là cơ hội để doanh nghiệp nội tự cải thiện mình

Ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc Công ty Bánh kẹo Á châu (ABC Bakery)

* Trong ngành thực phẩm hiện nay, nhiều thương hiệu ngoại đang lấn lướt, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Nhiều doanh nghiệp tỏ ra bi quan khi thương hiệu ngoại đang tràn ngập thị trường Việt Nam, nhưng đó là quy luật hội nhập, phải chấp nhận và thậm chí phải lạc quan vì kinh tế Việt Nam hiện phát triển rất nhanh, doanh nghiệp cần biết tự cải thiện mình để tăng khả năng cạnh tranh. Do đó phải mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, thay đổi công nghệ, chuyên môn hóa cao hơn.

Song, dù thay đổi ra sao, theo tôi người đứng đầu doanh nghiệp vẫn quyết định trong mọi chiến lược của doanh nghiệp. Như ngành thực phẩm chẳng hạn, lập trường kinh doanh của chủ doanh nghiệp phải ổn định, không nên vì thấy khách hàng đông, ăn nên làm ra mà tính đến chuyện tăng giá hay thay đổi nguyên phụ liệu để có giá thành sản xuất rẻ. Với tôi, chất lượng sản phẩm mới là yếu tố giúp doanh nghiệp đi đường dài. Kế tiếp là dịch vụ.

Đây là phần giúp doanh nghiệp giữ chân khách hàng và có thêm khách hàng mới. Một nguyên tắc khác của tôi là sạch sẽ. Khách hàng đến tham quan dây chuyền, quy trình sản xuất của ABC Bakery, tôi rất vui, bởi họ thấy quy trình, nhà máy của doanh nghiệp gọn gàng, sạch sẽ thì yên tâm với sản phẩm mà mình sẽ kinh doanh. Với tôi, nguyên tắc bất di bất dịch khác là thời gian. Việc sản xuất hiện nay của ABC Bakery là tự động hóa, bất kỳ sự chậm trễ nào của nhân viên cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyền, từ sản xuất, giao hàng đến việc kinh doanh của khách hàng.

Tôi cho rằng, trong công việc phải ràng buộc lẫn nhau về thời gian, đó cũng là cách tôn trọng phần việc được giao, cấp trên, đồng nghiệp và cả khách hàng, đối tác. Thêm nữa, tôi cũng xem nguyên tắc giá cả là điều đáng để suy ngẫm vì cạnh tranh về giá hiện nay rất lớn.

Doanh nghiệp phải tính toán sao đó để cả mình lẫn đối tác, người tiêu dùng đều có lợi. Cứ tính toán giá thành sản phẩm và đưa hẳn phần lời cho khách hàng xem, sự minh bạch đó khiến họ thấy "mát lòng". Trong kinh doanh, người Hoa có câu "Bảng hiệu vàng", thương hiệu càng lâu đời càng có giá trị, có những gia đình 4 - 5 thế hệ bảo tồn một thương hiệu, họ chấp nhập lời ít, chất lượng cao để đi đường dài. Xây dựng thương hiệu rất khó, giữ được nó càng khó, còn tiêu diệt nó chỉ trong một ngày. Khó khăn lắm mới tạo dựng được thương hiệu thì phải giữ.

* Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, theo ông đâu là những yếu tố cần thiết?

- Như tôi đã nói ở trên, ngoài sự thay đổi xuất phát từ mỗi doanh nghiệp thì cần sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp, không phải một hay hai doanh nghiệp mà là cả hiệp hội, từ chia sẻ kinh nghiệm đến việc tổ chức các chuyến ra nước ngoài để học hỏi. Phải có tổ chức dẫn đầu khi đến thăm các nhà máy nước ngoài thì họ mới hoan nghênh, tiếp đón và chia sẻ kinh nghiệm.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng nên xác định cụ thể đâu là ngành nghề, lĩnh vực có thể quảng bá, ghi dấu ấn cho Việt Nam trên trường quốc tế. Trên cơ sở ấy tạo điều kiện cả về chính sách lẫn điều kiện tiếp cận tài chính đối với doanh nghiệp. Các trường đại học cũng nên gắn với thực tiễn để đào tạo đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

DNSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.