Trả đúng phí quy định 150.000 đồng, thời gian chờ thủ tục đăng ký sản phẩm của DN Nhật ở TP HCM là 3 tuần đến 1 tháng. Nếu trả 180-250 USD, thời gian rút ngắn còn 1-2 tuần.
Thông quan chậm gây khó cho doanh nghiệp bảo quản thực phẩm. Ảnh minh họa: VD.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản kêu than về thủ tục hành chính, trong buổi đối thoại với cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam về vấn đề nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm diễn ra tại TP HCM hôm nay.
Trả 180-250 USD mất 1-2 tuần, trả 150.000 đồng mất 1 tháng
Theo các doanh nghiệp Nhật, thông tư, nghị định theo từng lĩnh vực cụ thể đều được ban hành. Tuy vậy, việc thực thi vẫn còn thiếu minh bạch và nhiều nơi chưa thục hiện đúng. Không ít doanh nghiệp thấy vô lý nhưng cũng ngại kiến nghị vì dễ bị gây cản trở cho những lần giao dịch sau.
Thủ tục đăng ký công bố sản phẩm cũng bị doanh nghiệp phàn nàn. Cụ thể, nếu nộp khoản lệ phí từ 180 đến 250 USD thì được cấp giấy xác nhận trong vòng 1 đến 2 tuần. Trong khi đó, nếu nộp đúng phí quy định (150.000 đồng), thời gian chờ sẽ kéo dài 3 tuần đến 1 tháng. Trong khi đó, luật quy định, với mức phí 150.000 đồng, thời gian quy định là 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
Giới doanh nghiệp đến từ xứ sở hoa anh đào cũng phản ánh, những trường hợp phải tự hủy bỏ giao dịch nhập khẩu do không nắm rõ về thời gian và lệ phí cần thiết khi xin cấp xác nhận công bố hợp quy. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần thực thi tuân theo quy định của pháp luật đối với tiền lệ phí và thời gian cấp xác nhận.
Thời gian từ lúc thực phẩm được đồng ý vào Việt Nam đến khi đến tay nhà nhập khẩu cũng bị than phiền là quá dài, so với thủ tục của Nhật và các nước khác. Cụ thể, từ khi xin phép đến khi được cấp phép nhập thực phẩm nguồn gốc động vật kéo dài ít nhất 5 ngày. Mất khoảng chừng đó thời gian, hoặc 10 ngày, để các nhà nhập khẩu nhận được hàng. Như vậy, tổng thời gian sẽ là khoảng 2 tuần, kể từ khi hàng vào Việt Nam.
“2 tuần này là một trong những nguyên nhân làm giá bán thực phẩm có nguồn gốc động vật tăng cao do cần thêm chi phí bảo quản, và quan trọng hơn, chúng tôi rất lo lắng về việc thời gian bảo quản lâu sẽ gây ra các vấn đề như chất lượng thực phẩm xuống cấp và các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khác”, đại diện Hội doanh nghiệp Nhật Bản chia sẻ.
Đại diện này đề xuất, sắp tới, thời gian cần thiết phải được tuân thủ theo luật. Làm vậy mới xóa bỏ được những hành vi vi phạm, minh bạch, cũng như giúp việc thực hiện thủ tục đăng ký sản phẩm được thuận lợi hơn.
Một điều bất cập nữa, theo các đơn vị này, là doanh nghiệp không hay biết thông tin về xin phép kê khai hồ sơ nhập khẩu đã được triển khai trực tuyến. Như vậy, việc thông báo chính sách vẫn còn bị ách tắc dẫn đến doanh nghiệp thiếu thông tin.
"Thủ tục đã được tối giản hết mức"
Trả lời thắc mắc, ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng phòng quản lý chính sách XNK, Tổng cục Hải quan cho rằng, các thủ tục đã được tối giản hết mức, sau khi nhận phản ánh từ đơn vị nhập khẩu. Liên quan đến thủ tục xin phép nhập khẩu chỉ còn ba bước cơ bản là tờ khai hải quan, đơn xin phép và hóa đơn hàng hóa, ông Sơn cho rằng, mọi chính sách thông tư hướng dẫn đều đã được ban hành. "Đó là một nỗ lực lớn của cơ quan quản lý để hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông bày tỏ.
Không ít doanh nghiệp ngại kiến nghị vì sợ bị gây khó dễ. Tuy nhiên, hầu hết đề xuất mọi thủ tục cần tuân thủ theo luật. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.
Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, hiện nay, 254 văn bản pháp lý điều chỉnh chuyên ngành còn tồn tại. Trong đó, 21 luật định và nhiều quy chế khác cho lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa.
Theo ông, tốc độ thay đổi các quy định này quá nhanh và liên tục nên các cán bộ thực hiện chưa thể nắm rõ hết. "Có nhiều quy định liên quan đến các Bộ ngành khác nhau cũng khiến cán bộ thực hiện lúng túng. Hy vọng thời gian tới sẽ cải thiện được tình trạng trên", vị này cho biết.
Đại diện JETRO cho hay, trong cuộc họp về lĩnh vực thực phẩm vào năm 2015 đã đề xuất về vấn đề này. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra gần đây đơn vị này thực hiện với các doanh nghiệp Nhật Bản, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Việc vận hành vẫn như cũ không tuân theo quy định của pháp luật về mức phí và thời gian thẩm tra.
Ngại kiến nghị vì sợ bị gây khó dễ
Ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện JETRO tại TP HCM nêu quan điểm, phía doanh nghiệp Nhật Bản đều tìm hiểu, nắm được phần nào quy định, thông tư, văn bản ban hành. Tuy vậy, điều họ lo ngại nhất chính là việc thực thi các chính sách này ở cấp cơ sở có thực sự tròn trịa hay không.
"Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng có phần ngại khi đề xuất kiến nghị vì sợ sẽ bị gây khó khăn cho những lần giao dịch sau”, ông nói.
Bình Nguyên (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.