Dám đương đầu với thất bại, biến nỗi đau thành động lực là điều kiện đủ của một CEO thành đạt.

Steve Jobs, CEO của Apple

Giám đốc điều hành (CEO) là một công việc nặng nề và bạn phải có nhiều tố chất như thông minh, khả năng lãnh đạo, tài dẫn dắt tập thể, sự chín chắn, tinh thần chịu trách nhiệm, giàu ý tưởng… Tuy nhiên, đó là những yếu tố cần, song chưa đủ đối với một CEO. Yếu tố đủ là khả năng vượt qua nỗi đau để vươn lên, không nản lòng trước thất bại.

Vị trí CEO không dành cho những người yếu tim

Thành lập một công ty cũng giống như việc sinh một đứa trẻ. Phải coi đó là một phần cuộc sống của bạn và bạn phải lao tâm khổ tứ vì nó. Khi có điều gì tồi tệ xảy ra với công ty, bạn có thể bị tổn thương về tình cảm. Nó sẽ làm bạn đau. Việc xử lý nỗi đau này quyết định đến sự thành bại của công ty.

CEO thành đạt là người luôn trong tâm thế sẵn sàng cho những thời điểm khó khăn đó, để có thể đưa ra biện pháp hợp lý, thay vì chỉ phản ứng với nỗi đau. Dưới đây là một số thời điểm đau buồn chung mà các CEO thường phải đối mặt:

- Doanh thu giảm mạnh;

- Lao động tay nghề cao bỏ đi;

- Phải làm việc hơn 100 giờ/tuần;

- Có người nói bạn đang điều hành sai;

- Có người nói rằng bạn không có khả năng làm việc nào đó;

- Bị bạn hàng hoặc các tổ chức khác chỉ trích;

- Đối mặt vấn đề pháp lý;

- Một bộ phận trong công ty không tuân thủ chỉ đạo của bạn;

- Một bộ phận trong công ty có biểu hiện thay đổi theo cách mà bạn không thích;

- Nhận được thư nói xấu của nhân viên cũ;

- Thiếu tiền mặt.

Chỉ một trong những tình huống trên cũng đủ làm CEO phát ốm. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả các CEO thành đạt đều ít nhất phải đối mặt với một trong những tình huống nêu trên.

Elon Musk, CEO của SpaceX, đã từng gần như bị phá sản vào năm 2010, nhưng ông đã vượt qua được thời khắc khó khăn đó để dẫn dắt công ty phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Ông Steve Jobs cũng từng bị mất việc tại Apple vào năm 1985. Còn gì đau hơn, khi ông đã bị loại khỏi công ty của chính mình. Chỉ một sự việc như vậy là đủ để làm hầu hết mọi người không dám tiếp tục sự nghiệp đã chọn. Nhưng Steve Jobs không nản. Ông chuyển sang tham gia xây dựng Pixar và sau đó tìm cơ hội trở lại với Apple, làm cho Apple phát triển hơn bao giờ hết.

Biến nỗi đau thành động lực

Có khả năng chịu đòn cao có nghĩa là bạn không bị sa lầy vào những khía cạnh tình cảm của vấn đề đó. Nếu bạn có thể nhìn nhận vấn đề một cách logic, hợp lý, bạn có thể biến nỗi đau đó thành động lực để hành động.

Với các trường hợp của Elon Musk và Steve Jobs nêu trên, họ đã biết sử dụng tình huống thất bại như là động lực để hoàn thiện. Thậm chí, có người lập luận rằng, những thời điểm đau đớn đó là cần thiết để họ trở nên thành đạt.

Có nhiều cách để bạn xử lý tình huống. Nếu như bị mất những lao động có giá trị, bạn hãy ngẫm xem, điều gì làm họ có giá trị, từ đó đào tạo những lao động khác để thay thế; hoặc tìm người thay thế với khả năng tương tự hoặc tốt hơn.

Nếu có người nói, bạn không có khả năng hoặc làm sai việc gì đó, hãy hỏi những người có cách làm không giống bạn. Nhờ vậy, bạn sẽ có được những lời khuyên bổ ích và sẽ biết vì sao có sự khác biệt.

Liên quan vấn đề pháp lý, hãy học hỏi và đảm bảo để không tái diễn việc tương tự.

Với việc nhân viên cũ nói xấu, bạn phải lưu ý để tránh tình huống tương tự đối với những lao động mới tiềm năng. Khi có tuần làm việc hơn 100 giờ, bạn cần điều chỉnh ngay và tránh lặp lại…

Ngọc Lan Chi (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.