CafeLand – Đầu năm 2018, hàng loạt ngân hàng bước vào mùa đại hội cổ đông, đi với đó là những biến động ở mảng nhân sự cấp cao. Việc thay tướng hàng loạt cho thấy các ngân hàng đang có những hướng đi và chiến lược mới.

Nhiều lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng đã chọn rời vị trí

Thay đổi hàng loạt nhân sự cấp cao

Ngay từ những tháng đầu năm 2018, những người trong ngành đã chứng kiến sự ra đi của các chủ tịch HĐQT. Điển hình là ông Võ Quốc Thắng, người đã rời chức chủ tịch HĐQT Kienlongbank vào đầu tháng 4. Sau đó, ông Lê Khắc Gia Bảo, Trưởng ban kiểm soát ngân hàng Kienlongbank, được bầu làm chủ tịch ngân hàng thay cho ông Thắng.

Nguyên nhân khiến ông Thắng rút lui khỏi ngân hàng để về giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tâm là vì ông muốn dành trọn tâm huyết vào công ty này.

Còn trong buổi Đại hội cổ đông thường niên 2018 của Ngân hàng An Bình (ABBank), ông Đào Mạnh Kháng, lúc đó đang là Phó chủ tịch HĐQT, đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch thay ông Vũ Văn Tiền.

Bên cạnh đó, chức vụ tổng giám đốc cũng có sự thay đổi khi hàng loạt ngân hàng thay người mới, chẳng hạn như Kienlongbank bổ nhiệm bà Trần Tuấn Anh giữ chức vụ Quyền Tổng giám đốc ngân hàng, còn ABBank thì bổ nhiệm bà Dương Thị Mai Hoa (cựu tổng giám đốc tập đoàn Vingroup) làm Tổng giám đốc của ngân hàng này thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân.

Trước đó không lâu, thị trường tài chính cũng chứng kiến việc thay đổi nhân sự của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) khi bổ nhiệm ông Trần Ngọc Tâm làm Quyền Tổng giám đốc thay cho bà Lương Thị Cẩm Tú. Theo bà Tú, việc xin từ nhiệm chức tổng giám đốc là theo nguyện vọng cá nhân để thực hiện công việc mới.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc bà Tú xin từ nhiệm cũng có thể là vì bà được đề cử sang vị trí quan trọng khác tại Eximbank, nơi NamABank đang có hơn 20% cổ phần.

Những người chọn rời ghế “nóng” ngân hàng một phần là vì lý do đã đến tuổi về hưu hoặc mong muốn chuyển nơi công tác, nhưng phần lớn là vì luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 quy định, chủ tịch HĐQT ngân hàng không được làm thành viên HĐQT ở các doanh nghiệp khác.

Việc nhiều ngân hàng chọn thay vị trí nhân sự cấp cao cũng được xem là để chọn người phù hợp nhằm tạo sự thay đổi và giúp ngân hàng phát triển hơn.

Chuyển biến tích cực

Giới chuyên gia nhìn nhận, thực ra 'làn sóng' thay nhân sự cấp cao không phải quá mới và quá bất ngờ trong lĩnh vực ngân hàng. Bởi lẽ, việc chọn các Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT điều hành ngân hàng luôn phụ thuộc vào chiến lược và định hướng có sẵn trong từng giai đoạn của mỗi ngân hàng.

Có thể thấy rằng sức ép đến từ thị trường và môi trường kinh doanh đối với các ngân hàng là rất lớn. Áp lực về lợi nhuận, cổ tức là điều không thể tránh khỏi và nếu không đáp ứng được thì HĐQT sẽ phải chọn người phù hợp hơn để thay thế.

Song không thể phủ nhận sự biến động về nhân sự cấp cao ngân hàng một phần đến từ luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được áp dụng. Nhiều sếp ngân hàng đã rời bỏ “ghế nóng” ở ngân hàng để về chăm lo cho công ty do họ sáng lập hoặc để tìm cho mình hướng đi riêng.

Đây có thể được xem là một sự chuyển biến tích cực vì nó cũng vô tình giúp những gương mặt mới hơn, trẻ hơn có cơ hội được thử sức mình khi ngồi vào “ghế nóng” và tham gia điều hành ngân hàng. Những nhân tố mới này có thể tạo nên những điều mới mẻ khi mà ngành ngân hàng đang bước sang giai đoạn 2 của tái cơ cấu hệ thống, với những xu thế như hội nhập, phát triển công nghệ số, vốn đòi hỏi những lãnh đạo trẻ có nhiệt huyết.

Từng chia sẻ trên một trang báo, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận, việc ra đi của các nhân sự cấp cao ngân hàng xuất phát từ nhiều lý do. Nhưng phải nhìn nhận đây là điều tất yếu. Sự xáo trộn những chiếc “ghế nóng” trong ngành ngân hàng gắn liền với mục tiêu, chiến lược mới của các nhà băng và được dự báo sẽ còn rầm rộ hơn trong thời gian tới.

Vẫn còn quá sớm để có thể nhận định việc thay nhân sự cấp cao có giúp các nhà băng phát triển và tiến lên tầm cao mới hay không, nhưng việc nó giúp tạo ra một làn gió mới và thú vị trong thị trường ngân hàng là không thể phủ nhận.

Dương Huy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Điều gì khiến các ngân hàng thay tướng?

    Điều gì khiến các ngân hàng thay tướng?

    08/05/2018 10:03 AM

    CafeLand – Đầu năm 2018, hàng loạt ngân hàng bước vào mùa đại hội cổ đông, đi với đó là những biến động ở mảng nhân sự cấp cao. Việc thay tướng hàng loạt cho thấy các ngân hàng đang có những hướng đi và chiến lược mới.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.