Gọi vốn thành công có thể giúp các start-up đi nhanh và xa hơn, nhưng cùng với đó là không ít rủi ro nếu người sáng lập thiếu cẩn trọng và sáng suốt trong quá trình đàm phán với nhà đầu tư.

Vốn là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng giúp các start-up thực hiện mơ ước và tham vọng của mình. Vì vậy, những dự án huy động được số tiền lớn từ các quỹ hoặc nhà đầu tư thiên thần thường được nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, ‘There's no such thing as a free lunch’ (Không có bữa ăn trưa nào là miễn phí cả), đằng sau những con số triệu USD là không ít ràng buộc từ phía nhà đầu tư – đòi hỏi start-up cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đặt bút ký.

Những khán giả thường xuyên theo dõi ‘Thương vụ bạc tỷ’, chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp tại Việt Nam chắc chắn không hề xa lạ với câu nói “Nếu thất bại, em làm thế nào để hoàn vốn lại cho anh?” của Shark Nguyễn Xuân Phú. Không chỉ là nhà đầu tư mạnh tay xuống tiền nhất, ông chủ Sunhouse còn là cá mập khá ‘chắc ăn’ khi luôn yêu cầu start-up phải đưa ra cam kết nếu kinh doanh thua lỗ.

Trong phần lớn trường hợp, các Founder (nhà sáng lập) đồng ý làm việc cho ông Phú nếu lợi nhuận không đảm bảo. Thậm chí có start-up còn chấp nhận điều kiện cầm cố nhà, bất chấp việc cả gia đình phải 'ra đường' để nhận được cái gật đầu của 'cá mập' khó tính này.

Lưu Hải Minh, chủ dự án Nano Curcumin là một ví dụ. Để nhận được 5 tỷ đồng từ Shark Phú, anh không chỉ đổi 15% cổ phần của công ty mà còn phải thế chấp nhà và đảm bảo lợi nhuận 30%/năm cho khoản đầu tư của Chủ tịch Sunhouse.

Lý giải về điều này, Shark Phú cho biết đó là cách để ông 'thử gan' các start-up và khuyến khích họ kiên trì theo đuổi hoài bão của mình. Ông cũng cho rằng, “Khi kinh doanh phải nghĩ đến những rủi ro. Nếu bạn đã có phương án dự phòng cho những trường hợp xấu nhất thì bạn sẽ không sợ gì cả”.

Đằng sau những con số triệu USD là không ít ràng buộc từ phía nhà đầu tư

Một rủi ro khác mà các start-up có thể gặp phải khi gọi vốn là quyền kiểm soát công ty hoặc thậm chỉ cả công ty sẽ rơi vào tay nhà đầu tư. Tại Shark Tank phiên bản Việt, khi cả 4 ‘cá mập’ còn lại đều từ chối rót vốn cho hệ thống đậu nành chuẩn hữu cơ Soya Garden, Shark Nguyễn Ngọc Thủy – Chủ tịch Egroup đã đồng ý đầu tư với 2 điều kiện.

Thứ nhất, ông Thủy được kiểm soát hoàn toàn về tài chính. Thứ hai, ban đầu ông sẽ đầu tư 4 tỷ đồng cho 45% cổ phần công ty và 11 tỷ đồng còn lại dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp. Như vậy thực chất con số 11 tỷ đồng kia là Soya Garden đang đi vay Shark Thủy. Điều đó đồng nghĩa, nếu không đảm bảo được KPI, Chủ tịch Egroup có thể trở thành chủ sở hữu gần như 100% của Soya Garden.

Cách đây hơn 2 năm, Đào Chi Anh là cái tên ‘nổi đình nổi đám’ trong cộng đồng khởi nghiệp khi chuỗi cửa hàng chuyên phục vụ đồ ăn Á-Âu KAfe Group của cô huy động thành công 5,5 triệu USD ngay trong vòng đầu tiên của quá trình gọi vốn từ các quỹ đầu tư tại London và Hong Kong.

Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau đó, Đào Chi Anh bất ngờ chia sẻ trên trang cá nhân rằng cô không còn đảm nhiệm vị trí CEO của start-up do chính mình sáng lập. Nguyên nhân sau này được tiết lộ là cô bất đồng quan điểm với Hội đồng quản trị.

Khi được đề nghị chia sẻ lời khuyên với các bạn trẻ trong một chương trình về khởi nghiệp, nữ doanh nhân sinh năm 1984 nói, “Tôi nghĩ chúng ta phải xem lại mục đích gọi vốn là gì? Làm sao kết hợp được mục tiêu, tầm nhìn của mình với mục tiêu, tầm nhìn của nhà đầu tư? Đôi lúc, khó khăn là khi chúng ta có quá nhiều tiền…”.

Cô cũng cho biết, người Founder phải nhận thức rõ điều gì sẽ đến nếu gọi vốn thành công. Khi dòng tiền vào, các start-up phải đối diện với sức ép tăng trưởng rất lớn.

Đào Chi Anh là ví dụ điển hình cho câu chuyện gọi vốn 'khủng' không có nghĩa start-up sẽ thành công

Một sự việc không kém ồn ào liên quan đến mâu thuẫn giữa nhà đầu tư và start-up là trường hợp của Lingo.vn. Ra mắt vào tháng 8/2011, trang web này thuộc sở hữu của Tập đoàn VMG và hoạt động theo mô hình B2C. Đến năm 2014, từ trung tâm thuộc VMG, Lingo.vn được tách ra thành công ty cổ phần Thương mại Điện tử Lingo với mục tiêu trở thành website thương mại điện tử số 1 Việt Nam khi có sự đầu tư của Yellow Star Investment.

Tháng 8/2015, MAJ Invest Equity Vietnam I K/S (MIV - tên gọi cũ là LD Vietnam Invest K/S) – một trong 4 quỹ đầu tư quốc tế của MAJ Invest - đã đàm phán để mua lại 100% cổ phần của Lingo.

Sau gần 1 năm "kết duyên" cùng quỹ đầu tư lớn của Đan Mạch, dù doanh thu của Lingo.vn có tăng trưởng nhưng lợi nhuận ghi nhận vẫn ở mức âm hàng chục tỷ đồng. Tháng 8/2016, trang web bỗng dưng ngừng hoạt động do nhà đầu tư không tiếp tục rót vốn vì dự án kinh doanh kém hiệu quả.

Sự việc đi xa hơn khi xuất hiện bức tâm thư tố cáo MAJ Invest coi ‘người lao động Việt Nam như cọng rơm sợi rác’, bất ngờ giải thể công ty dù mới đầu tư 1/2 khoản tiền cam kết khiến gần 300 nhân viên rơi vào cảnh thất nghiệp.

Đáng buồn hơn là câu chuyện được ông Trần Vĩnh Bảo, phụ trách sản xuất kềm Tek Nails kể lại tại ‘Thương vụ bạc tỷ’. Ông Bảo từng là chủ của Kềm Viba, một trong 2 hãng kềm nổi tiếng tại Việt Nam trước năm 2006. Thế nhưng, khi Kềm Viba kêu gọi đầu tư vốn nước ngoài, thời điểm nhà đầu tư bước vào cũng là lúc ông chủ mất vợ và cả công ty.

"Nhà đầu tư đó là người Hoa nói tiếng Anh, tôi không biết tiếng nên nhờ bà xã tôi làm việc. Đâu ngờ hai người đó phát sinh tình cảm. Ông đầu tư muốn chiếm đoạt luôn công ty, nên tôi phải ra đi…", ông Bảo chia sẻ.

Ngoại trừ những chuyện liên quan đến vấn đề đạo đức, các nhà đầu tư suy cho cùng cũng là những người làm kinh doanh. Họ dám chấp nhận rủi ro khi xuống tiền cho các start-up và muốn nhận lại những gì họ cho là xứng đáng. Chọn nhà đầu tư đúng người và đúng thời điểm có thể giúp các công ty phát triển lên tầm cao mới. Ngược lại, việc gọi vốn theo phong trào và không có chiến lược phát triển cụ thể đôi khi lại là cách nhanh nhất 'giết chết' một start-up.

Linh Lam (NDH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.