Trồng lúa “lãi 30% vẫn đói”, những nông dân ít đất ở Long An, Tiền Giang ồ ạt phá bỏ đất lúa để trồng thanh long. Giá thanh long, từng thời điểm có thể chênh lệch đến 1.000% (một ngàn phần trăm) nhưng nông dân vẫn cứ trồng liều, phó mặc hên xui. Hiện tại, có ai ngờ giá thanh long chỉ còn 10.000đ/5kg.

Thanh long 10.000 đồng/5kg bán trước Công ty giày da Mỹ Phong (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh).

Phá quy hoạch

Anh Nguyễn Hữu Kiệt, nhà ở ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, Long An dành dụm tiền lương công nhân của hai vợ chồng hơn 30 triệu đồng để trồng thanh long. Trồng giữa chừng, anh đọc báo thấy diện tích thanh long ở Long An trong 2 năm tăng gần 4 lần (từ 1.500ha năm 2012 lên 5.800ha năm 2014), vượt quy hoạch đến năm 2020 (5.000ha) nên đâm... hoảng. Bàn tới bàn lui, anh quyết định nhổ trụ, nhổ cây, quay về trồng lúa.

Anh Kiệt là trường hợp hiếm hoi không dám liều mạng với cây thanh long. “Hai vợ chồng tôi làm công nhân, cũng tạm đủ sống nên không dám liều, sợ mang nợ. Thôi cứ trồng lúa, kiếm gạo ăn, không mơ giàu”.

Ông Nguyễn Văn Hoàng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An - cho biết, diện tích thanh long trên toàn tỉnh đang là 5.800ha, và đang tăng dần dần. Trong số này, có 2.500ha đang cho trái, số còn lại là mới trồng. “Trái thanh long cứ mùa mưa là giá thấp, mùa nắng giá cao. Có nhiều lúc, giá thanh long xuống rất thấp nhưng thực tế, chưa có nông dân nào thua lỗ. So với trồng lúa, trồng thanh long cho lợi nhuận gấp nhiều lần” - ông Hoàng nói.

Theo số liệu của ngành nông nghiệp Long An, cuối năm 2013, UBND tỉnh Long An phê duyệt đề án sản xuất thanh long xuất khẩu của tỉnh đến giai đoạn 2020 là 5.000ha. Tuy nhiên, do việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng thanh long hiệu quả cao, nên diện tích không chỉ dừng lại ở huyện Châu Thành như quy hoạch mà còn lan nhanh tới các địa phương khác như huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, Tân An… Sang năm 2014, tỉnh này phải điều chỉnh quy hoạch diện tích thanh long tăng gấp đôi, đạt mức 10.000ha vào năm 2020.

Nhân công HTX thanh long Tầm Vu (Châu Thành, Long An) tuyển chọn thanh long xuất khẩu.

Tại Tiền Giang, quy hoạch đến năm 2015 tổng diện tích thanh long ở huyện Chợ Gạo mức 4.500ha thì đến tháng 6.2014 đã đạt mức 4.200ha. Nông dân cứ ồ ạt phá lúa để trồng, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Không chỉ Long An, Tiền Giang là những địa phương có truyền thống trồng thanh long từ nhiều năm nay, những tỉnh như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang… vốn không “họ hàng” gì với cây thanh long, nay diện tích vườn trồng cũng tăng vọt.

Theo khảo sát của chúng tôi, đa số các hộ dân trồng thanh long ở ĐBSCL, diện tích đất chỉ 0,3 - 0,5ha/hộ. Nếu trồng lúa, “lãi 30%” thì với diện tích này, mỗi gia đình chưa kiếm được 20 triệu đồng/năm. Còn trồng cây khác, không có cây nào bảo đảm sẽ có lãi.

Giá rớt vẫn hơn lúa

Ông Trương Quang An - Chủ nhiệm HTX thanh long Tầm Vu (Châu Thành, Long An) - nói: “Cách đây 2 tháng, thanh long xuất khẩu loại 1 giá tại vườn là 30.000 đồng/kg, giờ còn 12.000 đồng/kg. Loại 2 giá 8.000 đồng/kg. Còn loại 3, xuất khẩu không được, giá 500 đồng/kg. Có chủ vườn còn... cho không, vì sợ thanh long rụng thối đất. Nhưng với cái giá này, nông dân vẫn lãi gấp 3 lần trồng lúa. Tụi tôi tính rồi, giá lỡ có rớt xuống 6.000 đồng/kg, vẫn hơn trồng lúa. Còn lúc giá cao, thanh long lãi gấp 10 - 15 lần trồng lúa là chuyện bình thường”.

Lý giải vì sao thanh long giá thấp, ông An nói: “HTX của tôi năm nào cũng xuất khẩu khoảng 4.000 tấn, chủ yếu qua Trung Quốc. Mùa này bên họ lạnh, ít ăn thanh long nên ế, giá thấp. Chúng tôi cũng xuất sang các nước khác. Nhưng thương nhân bây giờ “khôn” lắm, họ cứ lấy cái giá vào thị trường Trung Quốc rồi cộng thêm 3.000 đồng/kg. Đi Mỹ cũng vậy. Nhưng có lời thì nông dân bán, ép giá cũng kệ”.

Anh Út Mén - nhà vườn trồng thanh long ruột đỏ ở Tầm Vu - cho biết: “Thanh long ruột đỏ giá đang 70.000 đồng/kg, cao gấp 5- 6 lần ruột trắng. Trồng chừng một năm rưỡi là có trái, 2 năm là gỡ vốn, 3 năm là có lời. Chưa có ai thua lỗ, nên chúng tôi cứ trồng”.

Ông Lê Minh Đức - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An - cho biết: Do lợi nhuận cao nên dân ùn ùn trồng thanh long, thậm chí có nơi không nằm trong vùng quy hoạch cũng trồng thanh long, nên tỉnh gặp khó trong vấn đề tưới tiêu và giải quyết nguồn điện để xông đèn. “Hiện thanh long vẫn còn lệ thuộc vào thị trường dễ tính như Trung Quốc nên chất lượng cũng không quá khắt khe. Hiện ngành nông nghiệp Long An và Tiền Giang đã cùng nhau bàn tính, thực hiện việc hỗ trợ người dân về mặt khoa học kỹ thuật, để họ sản xuất thanh long theo hướng sạch nhằm vừa đảm bảo giảm giá thành, vừa tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, để có thể xâm nhập vào các thị trường mới, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Nếu không vào được những thị trường này bằng chất lượng, thì với diện tích đang tăng như hiện nay, chúng ta sẽ bị động về thị trường và khả năng cung vượt cầu là rất lớn” - ông Đức nói.

Mấy ngày qua, tại Trà Vinh, nhiều người đem thanh long ra cổng các công ty, xí nghiệp và bán với giá 10.000 đồng/5kg. Tại Long An, Tiền Giang, thanh long cũng “xuống đường” với giá cao hơn một chút, từ 2.500 - 3.000 đồng/kg. Dù giá rẻ, nhưng cũng ít người mua. Trong khi đó, người trồng thanh long khi được hỏi thì luôn lạc quan: “Trồng cây gì cũng lỗ. Thanh long chưa lỗ, cứ trồng rồi tới đâu hay tới đó”.

Hữu Danh (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.