Mỹ đã trở thành tâm điểm chú ý trong tuần qua với những cuộc bàn thảo căng thẳng đến phút chót. Tuy đã thoát vách đá tài khóa, nước này vẫn bị đánh giá sẽ tăng trưởng yếu trong năm 2013 vì kế hoạch ngân sách mới.

Những ngày cuối năm 2012, nước Mỹ khiến cả thế giới sôi sục vì vấn đề vách đá tài khóa (Fiscal Cliff). Theo đó, những chính sách cắt giảm thuế được áp dụng từ thời cựu Tổng thống Bush sẽ hết hạn vào cuối năm 2012. Vì vậy, nếu Quốc hội Mỹ không có động thái giải quyết, nước này sẽ phải đối mặt với chương trình tự động tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá hơn 600 tỷ USD, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

Cả hai kế hoạch ngân sách được đưa ra giữa tháng 11 của Tổng thống Obama và Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner đều không được đôi bên chấp thuận. Chính phủ nhấn mạnh vào tăng thuế người giàu, còn Hạ viện lại yêu cầu cắt giảm mạnh chi tiêu công. Dù sau đó, Tổng thống Obama đã nhượng bộ khi nâng mức khởi điểm chịu tăng thuế với người có thu nhập trên 400.000 USD, từ 250.000 USD ban đầu, các cuộc đàm phán ngân sách vẫn rất bế tắc.
Tổng thống Barrack Obama và Phó tổng thống Joe Biden sau cuộc đàm phán ngày 1/1. Ảnh: AP
Trong tuần cuối cùng của năm 2012, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục tụt dốc. Chỉ số S&P 500 thậm chí còn chạm đáy 1,5 tháng ngày 28/12 trước thông tin các nhà làm luật vẫn bất đồng về kế hoạch ngân sách.
31/12/2012, ngày cuối cùng trước khi vách đá tài khóa có hiệu lực, Thượng viện Mỹ họp bàn về kế hoạch ngân sách của Tổng thống Obama. Cuộc tranh luận kéo dài đến 3h sáng ngày 1/1 (giờ Washington) mới chấm dứt khi lần lượt phe thiểu số Đảng Cộng hòa tại Thượng viện và phe đa số Đảng Dân chủ thông qua dự luật. Theo đó, các cá nhân có thu nhập dưới 400.000 USD mỗi năm sẽ không bị tăng thuế, và người thất nghiệp sẽ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp. Cả thuế lương, thuế thặng dư vốn và cổ tức cũng được nâng lên.
Ngay sau đó, dự luật này được chuyển sang Hạ viện. Ban đầu, các nghị sĩ đảng Cộng hòa của Hạ viện tỏ ý phản đối và tuyên bố muốn giảm thêm chi tiêu công. Tuy nhiên, sau đó, họ đã từ bỏ nỗ lực này và bỏ phiếu thông qua kế hoạch ngân sách vào đêm ngày 1/1.
Ngay khi thông tin Mỹ thoát vách đá tài khóa được công bố, thị trường thế giới đã phản ứng rất tích cực. Cả ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ là S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đều tăng mạnh. Trong đó, S&P 500 còn lên mức đỉnh hơn 1 năm. Các thị trường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Hong Kong (Trung Quốc) đều tăng mạnh. Chứng khoán châu Âu cũng được hưởng lợi, bên cạnh việc lãi suất trái phiếu Tây Ban Nha và Italy giảm đáng kể.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, phản ứng tích cực này sẽ không thể kéo dài lâu. Vào tháng 2 tới, Mỹ sẽ lại tiếp tục bước vào cuộc chiến nâng trần nợ công, đã chạm mốc 16.400 tỷ USD ngày 31/12/2012. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã tuyên bố sẽ dùng việc này để buộc Tổng thống Obama cắt giảm thêm chi tiêu công. Bên cạnh đó, vấn đề cải tổ thuế và chính sách phúc lợi, chìa khóa để giảm nợ và thâm hụt trong dài hạn, cũng không hề được đề cập trong kế hoạch ngân sách lần này.
Các nhà kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase và Bank of America cũng cho rằng kế hoạch ngân sách mới sẽ làm giảm 1% GDP của Mỹ quý I/2013 và nước này chỉ có thể phục hồi vào cuối năm. Peter Morici, giáo sư Trường Kinh doanh Smith - Đại học Maryland (Mỹ) nhận định kế hoạch này sẽ càng khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng mạnh. Ông lý giải nhu cầu nội địa yếu, số liệu việc làm tăng chậm là do thâm hụt lớn với Trung Quốc và nhiều nước châu Á. Chính vì vậy, tăng thuế lương, thắt chặt quản lý doanh nghiệp sẽ càng khiến họ giảm đầu tư, sản xuất và nhân công.
Tuyên bố sẽ từ chức vào cuối tháng của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy F. Geithner sẽ càng đẩy Tổng thống Obama vào thế khó khi vừa phải tìm ra người kế nhiệm, đồng thời thuyết phục Thượng viện chấp nhận sự lựa chọn của mình, giữa lúc các nhà làm luật nước này tham gia cuộc chiến nâng trần nợ.
Theo Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.