Sau khi bị Mỹ, Canada và Australia nghi ngờ dùng thiết bị làm gián điệp mạng, Huawei và ZTE tiếp tục bị châu Âu cáo buộc bán phá giá nhờ sự hỗ trợ trái phép từ chính phủ Trung Quốc.

Theo Cao ủy thương mại Liên minh châu Âu (EU) - Karel De Gucht, trong vài tuần tới, cơ quan này sẽ quyết định liệu có nên mở một cuộc điều tra về các hoạt động thương mại của hai công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc là Huawei Technologies và ZTE hay không. Cuộc điều tra có thể khiến sản phẩm của hai công ty trên bị áp thuế nhập khẩu rất cao.

Trong 5 năm qua, thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE đã trở nên phổ biển tại 27 quốc gia EU. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC) lại cho biết hai công ty này đang bán phá giá sản phẩm vào EU, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc. Việc này là trái với các quy tắc thương mại quốc tế.
Huawei bị nghi đã bán phá giá để giành giật thị phần châu Âu. Ảnh: Telegraph
Ủy ban đang tiếp tục thu thập thông tin để chuẩn bị điều tra. Bên cạnh đó, họ cũng thảo luận các vấn đề trên với chính phủ Trung Quốc. Ông De Gucht cho biết: "Chúng tôi đang theo rất sát sự việc và sẽ quyết định có mở cuộc điều tra hay không trong vài tuần tới. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này với giới chức Trung Quốc, nhưng không trực tiếp đề cập đến các công ty đó, mà là về cấu trúc tài chính khiến EU nghi ngờ về mức độ 'chơi đẹp' ở lĩnh vực này".
Các quan chức châu Âu tin rằng hai công ty trên đã hưởng lợi rất nhiều từ chính sách trợ giá của chính phủ Trung Quốc, trong đó có những khoản vay giá rẻ của các ngân hàng quốc doanh. Đây sẽ là cuộc điều tra thương mại đầu tiên của ủy ban này mà không cần nhận đơn chính thức từ một công ty châu Âu. Việc này có thể khiến Bắc Kinh cho rằng EU đang trực tiếp chống lại họ, chứ không chỉ đơn giản là mâu thuẫn giữa hai công ty.
Hồi tháng 10, một báo cáo của Hạ viện Mỹ cũng cho rằng hai đại gia viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE đang chịu sự điều khiển của chính phủ. Theo họ, hai hãng này có thể sử dụng các thiết bị viễn thông làm gián điệp mạng, đe dọa đến an ninh Mỹ. Trước đó, Australia đã cấm Huawei tham gia hợp đồng xây dựng mạng băng thông rộng quốc gia trị giá 38 tỷ USD. Canada cũng ám chỉ sẽ rút tên công ty này ra khỏi dự án xây dựng mạng chính phủ, cũng vì lý do an ninh.
Phản ứng về thông tin của EU, Huawei cho biết công ty này không hề giành thị phần bằng cách bán phá giá. Trung Quốc cũng bác bỏ cáo buộc rằng các công ty nước này nhận trợ giá trái phép từ chính phủ.
Cũng theo báo cáo trên, ba công ty viễn thông lớn nhất châu Âu là Ericsson, Alcatel-Lucent SA và Nokia Siemens Networks đã phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng Trung Quốc. Nokia Siemens và Alcatel-Lucent phải sa thải hàng nghìn nhân viên trong năm nay để duy trì lợi nhuận. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục hạ giá sản phẩm.
Theo ông De Gucht, rủi ro khác từ việc này là một số công ty có thể đột ngột bị đẩy khỏi thị trường nếu tình hình tài chính bất ổn. Ông cho biết: "Chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ lưỡng vị trí chiến lược của ngành công nghiệp này với nền kinh tế châu Âu nói chung. Vì nếu bỏ lỡ cả một thế hệ, chúng ta sẽ rất khó bắt kịp".
Trước đó, EU đã ký thỏa thuận thương mại sơ bộ với chính phủ Singapore. Việc này sẽ mở đường cho các thỏa thuận tiếp theo của họ với các nước Đông Nam Á như Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Myanmar.
Theo Hà Thu (Vnxpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.