Sau một thời gian “rào đón”, các nhà mạng Mobi, Viettel và Vina đã chính thức “đồng khởi” tăng giá cước 3G từ 50.000 đồng lên thành 70.000 đồng/ tháng. Như vậy, sau một thời gian vui mừng vì sự cạnh tranh của ngành viễn thông khiến người tiêu dùng được hưởng lợi về giá, thì nay, có lẽ “ngày vui ngắn chẳng tày gang”...
Với mức thị phần hiện hữu 65% trở lên trên thị trường liên quan, cả ba DN Mobi, Vina và Viettel đã đáp ứng các điều kiện để xác định đây là một nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường

Lí do được các nhà mạng “đánh tiếng” từ khoảng hơn tháng trước đó là giá cước 3G tại VN thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và một vài nước Châu Âu. Nhưng lý do này có thuyết phục?

Giá cũ có thật sự rẻ ?

Nhìn từ góc độ kinh tế học, tự hỏi giá cước 3G tại VN có liên quan như thế nào với cước 3G của các nước khác khi giá thành của hàng hóa, dịch vụ được quyết định từ chi phí sản xuất và tương quan cạnh tranh ?

Thực tế, giá của hàng hóa/ dịch vụ trong điều kiện bình thường của thị trường bao hàm trong đó chi phí sản xuất và một tỉ suất lợi nhuận nhất định. Trong trường hợp chịu sức ép của cạnh tranh, giá cả của sản phẩm phải thay đổi theo hướng giảm giá. Nguyên lí là như vậy. Nhưng cách định giá ở VN lại hơi khác một chút. Giá cả của hàng hóa/ dịch vụ phải bao hàm với tương quan các nước khác nữa, một tiêu chí mà có lẽ các giáo sư kinh tế của VN cần phải nghiên cứu thêm!

Vấn đề đáng bàn là mặc dù cước 3G (của ba nhà mạng Vina, Mobi và Viettel) được quảng cáo là không giới hạn với mức giá chỉ 50.000 đồng/tháng nhưng thật ra bản chất của vấn đề không phải như vậy. Các nhà mạng chỉ cung cấp tốc độ 3G cho một dung lượng data nhất định. Khi hết dung lượng data này, khách hàng phải chấp nhận một tốc độ đường truyền khác hoàn toàn. Vậy liệu rằng, mức giá 50.000 mà các nhà mạng cung cấp có thật sự rẻ?

Có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh

Có thể nói, với mức thị phần hiện hữu 65% trở lên trên thị trường liên quan, cả ba DN Mobi, Vina và Viettel đã đáp ứng các điều kiện để xác định đây là một nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường. Và việc cả 3 DN này cùng giá tăng từ 50.000 đồng/ tháng lên 70.000 đồng/ tháng đã có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh. Cụ thể, hành vi áp đặt giá bán dịch vụ bất hợp lí theo qui định tại điều 13 khoản 2 của luật cạnh tranh được hiểu là:

a) Giá bán lẻ trung bình tại cùng thị trường liên quan trong thời gian tối thiểu 60 ngày liên tiếp được đặt ra tăng một lần vượt quá 5%;

b) Không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất của hàng hóa, dịch vụ đó vượt quá 5% trong thời gian tối thiểu 60 ngày liên tiếp trước khi bắt đầu tăng giá. Khoản 2 điều 27 NĐ 116/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật cạnh tranh.

Như vậy, với mức tăng từ 50.000 đồng thành 70.000 đồng/ tháng, mức giá mà nhóm DN thống lĩnh viễn thông tăng là 40%, gấp 8 lần so với yêu cầu 5% mà luật cạnh tranh yêu cầu.

Cơ quan quản lý cạnh tranh làm ngơ ?

Điều lạ là, trong bối cảnh có nhiều tranh luận bởi người tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế, pháp lý và được các phương tiện truyền thông cập nhật với mật độ khá dày nhưng hầu như không thấy một động thái hoặc phát ngôn nào từ cơ quan quản lý cạnh tranh VN (trong trường hợp này là Cục quản lý cạnh tranh, Bộ công thương). Với tư cách là cơ quan quản lý về cạnh tranh của VN, trước một vấn đề có sức ảnh hưởng rộng như đang bàn ở đây, nhưng phản ứng của Cục quản lý cạnh tranh lại là sự im lặng một cách khó tin. Tác giả tự hỏi chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh được hiểu là thế nào? Phải chăng, quản lý cạnh tranh được hiểu là Cục nhìn các hoạt động cạnh tranh (bao gồm cả lành mạnh, không lành mạnh hoặc thậm chí là phản cạnh tranh) diễn ra và ghi nhận lại vào trong báo cáo thường niên như một dạng kí sự mà cơ quan này công bố đều đặn hàng năm trên trang chủ của mình?

Khuynh hướng lạm dụng nhằm bóc lột khách hàng bởi các DN thống lĩnh trên thị trường viễn thông sẽ còn tiếp tục khi việc quản lý nhà nước về cạnh tranh chống độc quyền chưa được thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để.

Với tính chất là một cơ quan quản lý về cạnh tranh, Cục quản lý cạnh tranh có quyền kiến nghị cơ quan có liên quan giải quyết theo thẩm quyền về những văn bản đã ban hành có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ( Điều 2, khoản 3 NĐ 06/2006/NĐ-CP qui định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức của Cục quản lý cạnh tranh). Với động thái mang tính “thăm dò” của nhóm DN thống lĩnh và các phản ứng tiếp theo của Bộ thông tin & Truyền thông, Cục quản lý cạnh tranh hoàn toàn có đủ thời gian để nghiên cứu và có những kiến nghị cần thiết.

Chưa kể, Cục quản lý cạnh tranh cũng được giao chức năng quản lý cạnh tranh trên phạm vi toàn quốc. Chức năng quản lý này bao hàm trong đó quyền phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, tiến hành điều tra, qua đó mở đường cho những bước tiếp theo trong qui trình tố tụng cạnh tranh. Nhưng đến thời điểm này cũng chỉ là sự im lặng...

Nhìn từ cấu trúc sở hữu của viễn thông VN hiện nay, khó mà có cái nhìn lạc quan về một thị trường cạnh tranh thực sự trong một vài năm tới. Với quyền lực thị trường của mình, khuynh hướng lạm dụng nhằm bóc lột khách hàng bởi các DN thống lĩnh trên thị trường viễn thông sẽ còn tiếp tục khi việc quản lý nhà nước về cạnh tranh chống độc quyền chưa được thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để.

Nhìn từ góc độ cơ cấu tổ chức, vị thế của Cục quản lý cạnh tranh là quá chênh vênh trong tương quan với những DN mà doanh thu hàng năm được tính bằng đơn vị trăm ngàn tỷ đồng đem về cho ngân sách nhà nước, càng nhỏ bé hơn trong tương quan giữa một Cục quản lý với một Bộ chuyên ngành. Có phải vì thế mà Cục quản lý cạnh tranh quyết định lựa chọn cho mình giải pháp là im lặng?


Ông Nguyễn Tiến Thỏa -Tổng thư ký Hội Thẩm định giá VN:
Dấu hiệu bất thường

Việc ba DN Vinaphone, MobiFone và Viettel đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G cho thấy dấu hiệu bất thường, bởi các DN này tăng giá cùng một mức giá và cùng thời điểm và mức tăng khá cao. Tôi đề nghị Bộ Thông tin - truyền thông phối hợp và có văn bản trình Thủ tướng đề nghị được kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với dịch vụ 3G. Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng phải phối hợp với Bộ Thông tin - truyền thông để làm rõ mức cước 3G vì đây cũng là thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý giá.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng Phó chủ tịch hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas): Cần minh bạch

Việc điều tra để tìm ra chứng cứ hành vi câu kết, không phải là không làm được nhưng cũng không dễ. Ngay cả không có sự câu kết, thì bản thân sự tăng giá đã hợp lý chưa? Việc cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ, theo luật là quyền của người tiêu dùng, cũng là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Người tiêu dùng có quyền được biết thông tin này và đây là một trong 8 quyền cơ bản của họ. Vậy những thông tin có liên quan đến việc hình thành giá đã được minh bạch chưa?

Phạm Hoài Huấn (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.