Nhiều đại gia là lãnh đạo các DN lớn, nắm giữ nhiều cổ phần nên cũng không hưởng lợi nhuận trực tiếp từ cổ phiếu. Tuy nhiên, vợ con, người thân các đại gia này lại sở hữu cả núi cổ phiếu và có thể kiếm được hàng chục tỷ đồng qua mỗi lần biến động trên thị trường.

Cổ nhiều như núi, kiếm triệu đô quá dễ

Ngày 22/7, TTCK với đa số các cổ phiếu giảm giá nhưng chỉ số VN-Index tăng nhẹ 2,4 điểm lên 506,16 điểm nhờ một số cổ phiếu chủ chốt tăng giá.

Trong các cổ phiếu tăng giá có MSN của Masan tăng 4.000 đồng (+4,3%) khiến tổng giá trị khoảng 22 triệu cổ phiếu của bà Nguyễn Hoàng Yến, vợ ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan tăng thêm lên hơn 87 tỷ đồng (hơn 4 triệu USD). Mẹ của ông Quang là bà Nguyễn Quí Định với hơn 1,3 triệu cổ phiếu MSN cũng có thêm hơn 5,3 tỷ đồng.

Trước đó, kiều nữ Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh (SN 1991), con gái của Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh bà Nguyễn Thị Mai Thanh trở thành cô gái 9x kiếm hàng tỷ đồng mỗi tháng nhờ vào các khoản đầu tư vào cổ phiếu REE.

Trong tuần cuối tháng 5/2013, cổ phiếu REE tăng vọt lên mức cao nhất trong 5 năm đã khiến 3,16 triệu phiếu của Nhất Hạnh tăng thêm khoảng 18 tỷ đồng trong vòng chỉ khoảng 2 tuần, từ mức 64 tỷ đồng lên 82 tỷ đồng. Trước đó, kiều nữ này cũng đã thu về một khoản cổ tức 16%, trị giá khoảng 5 tỷ đồng.

Đại gia Johnathan Hạnh Nguyễn, với nhiều khối tài sản kinh doanh hàng hiệu trị giá hàng nghìn tỷ đồng rải ở những địa điểm đắc địa nhất Việt Nam. Tuy nhiên, vợ ông Hạnh Nguyễn là bà Lê Hồng Thủy Tiên, 42 tuổi cũng là người nắm giữ nhiều quyền lực trong đế chế hàng hiệu nửa tỷ đô này.

Thủy Tiên hiện là Chủ tịch Imex Pan Pacific (IPP) - Tập đoàn có vốn góp tại khoảng 25 công chuyên phân phối các thương hiệu cao cấp và đầu tư vào các trung tâm thương mại và đang chiếm khoảng 70% thị phần hàng hiệu tại Việt Nam nên khả năng kiếm tiền của bà chủ này có lẽ ít ai địch được.

Trên TTCK, giới đầu tư còn chứng kiến rất nhiều vợ con người thân của các đại gia đang nắm giữ và sở hữu những khối tài sản khổng lồ và có khả năng sinh lời rất lớn. Cụ thể, vợ và em vợ người giàu nhất trên sàn chứng khoán - ông Phạm Nhật Vượng - bà Phạm Thu Hương và Phạm Thúy Hằng với gần 52 triệu cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup, tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng.

Bà Vũ Thị Hiền (người phụ nữ giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán, với 31 triệu cổ phiếu HPG), vợ ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Trước đó là bà Đặng Ngọc Lan, vợ "bầu Kiên" với nhiều vai trò tại VietBank, ACB.

Bên cạnh đó, khá nhiều người thân của các đại gia khác cũng đang được giao trọng trách, hay nắm giữ cổ phần, hoặc cả một vài DN lớn khác như: Con gái ông Phạm Trung Cang là Phạm Đỗ Diễm Hương vừa được bầu làm chủ tịch Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) thay bố; vợ con ông Đặng Văn Thành nắm giữ cổ phần chi phối tại hàng loạt công ty mía đường; Nguyễn Phương Anh - con gái bà Đặng Thị Hoàng Yến với nhiều hoạt động tại Tân Tạo…

Quyền lực dấu kín và âm thầm kiếm tiền

Trở lại trường hợp MSN, việc cổ phiếu này tăng giảm giá tính theo ngày không có mấy tác động tới các cổ đông lớn, nhất là các nhà lãnh đạo vốn thường nắm giữ dài hạn và hưởng lợi từ cổ tức DN. Tuy nhiên, với nhiều người, việc đem ra mổ xẻ những cái được mất của các đại gia có lẽ cũng khá thú vị, bởi đó là các con số rất lớn.

Nói đến Masan giới đầu nghĩ ngay tới ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT của tập đoàn. Với các NĐT, giá cổ phiếu MSN tăng chắc chắn ông Quang được hưởng lợi. Nhưng không hẳn như vậy, hiện tại chủ tịch HĐQT Masan chỉ nắm 10 cổ phiếu của công ty nên sự tăng giá cũng không khiến tài sản của ông tăng lên được là mấy. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng đằng sau ông Quang là bà Yến với 22 triệu cổ phiếu và cả những người thân quen khác nữa.

Điều mà nhiều NĐT cũng quan tâm là gần 18 triệu cổ phiếu ESOP phát hành chương trình lựa chọn cho người lao động của Masan được đưa vào giao dịch hồi tháng 7 chắc chắn sẽ mang lại một món lợi lớn cho những người nắm giữ.

Những thông tin công bố ra bên ngoài cho thấy, chỉ có 28 người lao động tại MSN được mua cổ phiếu ESOP đợt này. Vì danh sách chi tiết không được công bố nên các NĐT đồn đoán có lẽ phần lớn số cổ phiếu trị giá khoảng 1.700 tỷ đồng nói trên (mang lại lợi nhuận trên 1.500 tỷ đồng) có thể chỉ rơi vào một số cổ đông lớn và có vị trí trong ban lãnh đạo, HĐQT.

Trong trường hợp bà Hiền vợ ông Trần Đình Long, chủ tịch HPG, cho dù không giữ trọng trách tại DN nhưng với gần 31 triệu cổ phiếu HPG đứng tên, tài sản của bà đã tăng gấp hơn hai lần trong khoảng một năm qua nhờ biến động giá và nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Trường hợp Nhất Hạnh, con gái bà Mai Thanh cũng vậy, giá cổ phiếu REE hiện tại còn cao hơn cả cuối tháng 5 vừa rồi, đồng nghĩa với tài sản của kiều nữ đang tiếp tục gia tăng.

Có thể thấy, hiện tượng vợ con người thân của các đại gia trên sàn chứng khoán hay ở các doanh nghiệp tư nhân nắm cổ phần, cổ phiếu, nắm quyền hành ở DN khá phổ biến ở Việt Nam và ở một số nước châu Á. Hiện tượng này cũng là bình thường khi mà các doanh nhân cần sự giúp đỡ của người nhà, của những người tin cậy để lèo lái DN. Có lẽ vì thế, trong cách tính tài sản để bình chọn tỷ phú USD mới đây của Forbes các tài sản, cổ phiếu do vợ con hay người thân nắm giữ ở mức độ nào đó cũng được tính vào tài sản để làm nên những tỷ phú USD.

Mạnh Hà (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.