Để củng cố ảnh hưởng tại Trung Quốc, ngân hàng JPMorgan Chase của Mỹ đã bí mật thuê bà Ôn Như Xuân, con gái cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, tờ New York Times số ra ngày 13/11 đưa tin.

Theo báo trên, mặc dù với mục đích thúc đẩy danh tiếng của mình tại thị trường đông dân hàng đầu thế giới này, song "đại gia" ngân hàng Mỹ lại hợp tác cùng với một hãng tư vấn gần như không có tiếng tăm gì. Hãng tư vấn mang tên Fullmark Consultants này chỉ có mỗi 2 nhân viên, và do một phụ nữ 32 tuổi tên là Lily Chang (Thường Lệ Lệ) điều hành.

New York Times cho hay, nhìn bề ngoài, bà Thường là người không có đủ ảnh hưởng lẫn tên tuổi để giúp ngân hàng Mỹ làm ăn tại Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các giám đốc của JPMorgan tại Hồng Kông và một số lãnh đạo ở các công ty khác, Thường Lệ Lệ là biệt hiệu của Ôn Như Xuân, con gái duy nhất của cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.

Công ty của bà Thường, mà thực chất là bà Ôn Như Xuân, đã ký hợp đồng với JPMorgan. Theo đó, đơn vị tư vấn này nhận được 75.000 USD mỗi tháng trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2008, New York Times cho biết trên cơ sở các tài liệu tin cậy, hồ sơ công của Trung Quốc và nội dung phỏng vấn một vài người biết rõ về bản hợp đồng này.

Tổng cộng trong khoảng thời gian này, JPMorgan đã trả thù lao cho bà Ôn 1,8 triệu USD để đổi lấy nhiều hợp đồng quan trọng. Trong đó đáng chú ý là hợp đồng với Tổng công ty Đường Sắt Trung Quốc và JPMorgan là một trong những ngân hàng nước ngoài cố vấn cho công ty lên sàn năm 2007. Nhờ vậy mà công ty này đã huy động được hơn 5 tỷ USD.

Ngoài ra, theo báo New York Times, ông Ôn Gia Bảo nắm cương vị Thủ tướng Trung Quốc từ năm 2003 và mới kết thúc nhiệm kỳ đầu năm nay, nhường vị trí cho người kế nhiệm là ông Lý Khắc Cường. Tờ báo này cho rằng, quyết định thuê ái nữ của ông Ôn Gia Bảo dường như là của ban điều hành JPMorgan ở Hồng Kông, không phải từ New York.

Những tiết lộ trên của tờ New York Times được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang tiến hành điều tra về cáo buộc ngân hàng JPMorgan thuê con cháu các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc để giúp họ giành được những thương vụ làm ăn nhiều lợi nhuận với các tập đoàn nhà nước Trung Quốc. JPMorgan đã từ chối bình luận về thông tin trên.

Hồi giữa tháng 8 năm nay, cũng báo trên dẫn tài liệu mật của Chính phủ Mỹ cho biết, JPMorgan đã tuyển dụng con trai ông Đường Song Ninh, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Nhà nước Trung Quốc "China Everbright". Sau khi tuyển Đường Tiểu Ninh, "quý tử" của ông Đường Song Ninh, JP Morgan đã giành được một loạt hợp đồng với "China Everbright".

Một trường hợp khác là một chi nhánh của JPMorgan ở Hồng Kông đã tuyển dụng con gái của một quan chức cao cấp trong ngành đường sắt, một lĩnh vực có tiếng bê bối, tham ô trong bộ máy nhà nước Trung Quốc. Vị quan chức này sau đó đã bị bắt giữ với cáo buộc đã “bán” các hợp đồng của chính phủ, nhằm đổi lại những khoản hối lộ bằng tiền mặt.

Theo New York Times, các tài liệu mật của Chính phủ Mỹ chưa kết luận việc thuê người của JPMorgan có liên quan như thế nào đến việc giành hợp đồng của họ tại Trung Quốc, cũng không đưa ra nhận định về khả năng làm việc của những người được thuê trên. Bản điều tra chưa có hàm ý nào rằng những người này đã giúp JPMorgan giành hợp đồng.

Tuy nhiên, New York Times khi đó cho rằng những gì Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ vạch ra trong bản điều tra cho thấy quy trình thuê người của JPMorgan tại Trung Quốc có nhiều dấu hỏi. Các nhà chức trách nghi ngờ rằng, JPMorgan thường thuê thế hệ kế cận trẻ trong các gia đình quan chức tập đoàn Nhà nước có mối liên hệ làm ăn với họ.

Theo New York Times, các công ty đa quốc gia vẫn thường tuyển dụng con của các chính trị gia hàng đầu Trung Quốc để tăng cường ảnh hưởng ở thị trường này. Điều bất thường ở JPMorgan, đó là họ tuyển dụng cả con của lãnh đạo các công ty quốc doanh Trung Quốc. Ngoài ra, việc chính quyền Mỹ điều tra hoạt động tuyển dụng này còn hiếm thấy hơn.

Vụ điều tra JPMorgan của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ diễn ra giữa lúc ngân hàng đã là tiêu điểm điều tra của ít nhất tám cơ quan liên bang, một cơ quan tiểu bang ở Mỹ và hai nước ngoài. Số vụ việc đã buộc một số nhà làm luật phải đặt câu hỏi là với quy mô hoạt động trong hơn 60 quốc gia, có phải JPMorgan quá lớn nên không quản lý xuể.

Liên quan tới con gái cựu Thủ tướng Trung Quốc, đây không phải là lần đầu tiên báo New York Times đưa tin "đụng chạm" tới gia đình ông Ôn Gia Bảo. Tháng 10 năm ngoái, tờ báo này đã đăng tải một bài viết nói rằng, tổng số tài sản của gia đình quan chức này là 2,7 tỷ USD, với các khoản đầu tư trên nhiều lĩnh vực như ngân hàng, khu nghỉ dưỡng, hãng viễn thông...

Tờ báo cho biết, kết quả điều tra dựa trên hồ sơ doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong 10 năm (1992 - 2012) gồm các giao dịch bị nghi là của con trai, con gái, em trai, em rể, thân mẫu ông Ôn Gia Bảo.

Trong một tuyên bố đưa ra sau đó, các luật sư của gia đình ông Ôn Gia Bảo đã bác bỏ những nội dung được đăng tải trên báo New York Times. Họ khẳng định rằng, những người thân của ông Ôn Gia Bảo không hề lợi dụng cương vị của ông để trục lợi, cũng như không hề có ảnh hưởng gì về việc ông Ôn Gia Bảo “hoạch định và thực thi các chính sách”.

Nhóm luật sư khi đó cũng khẳng định, mẹ của cựu Thủ tướng Trung Quốc không bao giờ nhận bất kỳ khoản thu nhập nào khác ngoài tiền lương và lương hưu, cũng như không sở hữu bất kỳ bất động sản nào. Đồng thời, nhóm luật sư "sẽ có biện pháp cần thiết làm sáng tỏ những báo cáo dối trá khác" và khởi kiện tờ New York Times ra trước pháp luật.

Tháng 4 năm nay, bài báo nói trên của New York Times đã nhận được giải thưởng báo chí Pulitzer. Theo các giám khảo giải Pulitzer, phóng sự điều tra này của phóng viên David Barboza là một sự phanh phui đáng chú ý. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc trao giải thưởng cho bài báo.

Thanh Hải
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.