Hàng nghìn người đang cố gắng xóa Google khỏi cuộc sống của mình nhưng bất thành vì dịch vụ của công ty này ở khắp mọi nơi.

Bắt đầu từ năm 2018, trên diễn đàn Reddit xuất hiện một cộng đồng người dùng được gọi là "r/deGoogle". Các thành viên tự gọi mình là deGoogler, tức là những người sẽ tránh sử dụng bất kỳ và tiến tới là tất cả các dịch vụ của Google trong cuộc sống hàng ngày. Từ một nhóm nhỏ, số lượng người tham gia cộng đồng này đã tăng lên hơn 6.000 người.

"Google trích xuất dữ liệu từ chúng tôi theo nhiều cách, không liên quan đến quảng cáo mục tiêu", một trong người điều hành nhóm có nickname là Firemex nói. "Chúng tôi nghĩ ảnh hưởng của Google đối với xã hội là nguy hiểm tới mức không thể đo đếm được.

Việc theo dõi mọi người ở mức độ này là không bình thường và không nên. Chúng ta nên kiểm soát công nghệ mình tương tác, không phải theo hướng ngược lại".

Tuy nhiên, vấn đề là những thành viên của nhóm này đang cố làm một việc gần như bất khả thi.

Biểu ngữ phản đối Google ở Berlin, Đức tháng 8/2018. Ảnh golem.de

Mỗi 7h30 sáng, nếu bị đánh thức bởi ứng dụng đồng hồ báo thức trên điện thoại chạy hệ điều hành Android của Google, bạn đã thất bại.

Nếu là người nghiện đọc tin tức, khả năng thất bại của người dùng cũng rất cao. Vì hầu hết các trang web tin tức đang chạy các công cụ phân tích hoặc quảng cáo do Google sở hữu.

Dù sử dụng iPhone, hầu hết mọi người vẫn kiểm tra tuyến đường đi hàng ngày của mình trên Google Maps, bởi nó được đánh giá là tốt hơn nhiều so với Apple Maps.

Khi mở trình duyệt Safari, công cụ tìm kiếm mặc định của nó là Google. Google trả cho Apple khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho đặc quyền này.

Còn nếu dùng Uber để di chuyển đến một nơi nào đó, đáng tiếc phải nói rằng ứng dụng Uber cũng phụ thuộc vào dữ liệu Google Maps.

Nói cách khác, rất khó để tránh xa Google từ lúc người dùng nhấc điện thoại lên mỗi sáng cho đến khi đặt nó xuống cạnh giường ngủ mỗi tối. Thậm chí người dùng có thể không biết mình đang sử dụng dịch vụ của Google, bởi chúng có mặt ở khắp mọi nơi.

Google, hay công ty mẹ của nó là Alphabet, đang sở hữu dịch vụ video trực tuyến YouTube, dịch vụ email Gmail, hệ điều hành di động cũng phổ biến nhất Android và bộ các công cụ được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây G Suite. Ít nhất tám sản phẩm của nó có một tỷ người dùng.

Ngoài ra, công ty này cũng thẩm thấu vào các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực truyền thông sợi quang và chăm sóc sức khỏe. Cùng với Facebook, Google chiếm 1/5 tổng chi tiêu về quảng cáo toàn cầu. Ngoài ra, công ty này cũng mới tham gia vào một lĩnh vực khá phổ biến khác là game.

Dù có thể tránh sử dụng các dịch vụ tiêu dùng, người dùng cũng khó có thể cách ly khỏi Google khi công ty này đang ngày càng gắn chặt vào các cơ sở hạ tầng cốt lõi của Internet.

Giống như Amazon, Google điều hành một dịch vụ điện toán đám mây, hỗ trợ cho một số ứng dụng và trang web phổ biến nhất thế giới.

Khi Google Cloud gặp sự cố năm 2018, một loạt các công ty lớn đều chịu chung ảnh hưởng như Snapchat, Discord, Spotify và game Pokemon Go.

Về bản chất, người dùng ngày nay gần như không thể thực sự hoạt động trên Internet mà không dựa vào Google hay các dịch vụ của nó theo một cách nào đó. Điều này khiến cho mục tiêu của các deGoogler trở nên ngày càng khó khăn hơn.

"Cần rất nhiều sự hy sinh", Firemex nói. "Điều này không phải lúc nào cũng thực tế, nhưng về lâu dài nó có giá trị. Minh chứng rõ ràng nhất là một loạt các vụ hack đình đám, rò rỉ dữ liệu hay những cuộc tấn công xâm phạm quyền riêng tư liên quan tới Google và các công ty khác".

Lá thư kêu cứu của một người gặp rắc rối vì từ bỏ dịch vụ của Google.

Theo những thông tin được chia sẻ, thử thách những deGoogler phải đối mặt giống như trong một series phim kinh dị hay gameshow thực tế, nơi mọi người cố gắng trốn chạy khỏi một tổ chức quyền năng, cụ thể là Google.

Chỉ cần tải xuống sai ứng dụng hoặc truy cập trang web mà không có trình chặn quảng cáo, nạn nhân đã rơi vào mạng lưới của Google.

Mỗi deGoogler có một lý do riêng để tham gia vào "gameshow" này. Một số người nghĩ Google đã chặn các dịch vụ miễn phí bằng cách ưu tiên những kết quả tìm kiếm nhất định, trong khi có người bối rối trước những câu chuyện về rò rì dữ liệu cá nhân.

Dù với lý do nào, mục tiêu cuối cùng của họ vẫn là tách biệt bản thân khỏi ảnh hưởng của công ty khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến này.

Một sinh viên đại học cho biết đã thay thế Gmail bằng Yahoo Mail dù nó "không ấn tượng và đầy đủ" như sản phẩm của Google; thay thế Chrome bằng trình duyệt mã nguồn mở Pale Moon; công cụ tìm kiếm Google bằng DuckDuckGo, một dịch vụ tìm kiếm đề cao quyền riêng tư.

Tuy nhiên, anh cho biết vẫn không thể trốn thoát hoàn toàn. "YouTube là lĩnh vực tôi thực sự không thể tách rời. Tuy nhiên tôi đã cố gắng sử dụng song song với VidLii, đăng video trên cả hai nền tảng này", anh viết.

VidLii được thành lập năm 2015 như một giải pháp thay thế cho YouTube, nhưng dường như không gây được nhiều sự chú ý. Tài khoản Twitter của dịch vụ này chỉ có 846 người theo dõi.

Một người dùng khác tuyệt vọng giải thích công ty của anh hoạt động dựa trên các dịch vụ kinh doanh của Google. Ông đã cố gắng không sử dụng Google Calendar nhưng rắc rối đã xảy ra.

Trong bài viết có tiêu đề "DeGooglers - tôi đang ở trong một thời điểm yếu đuối. Hãy giúp đỡ!", người này viết mình đã bị trễ một cuộc họp quan trọng vì không đồng bộ hóa nó với Google Calendar.

"Google đã thiết kế một hệ thống tệ hại với bất kỳ ai không chấp nhận sự chi phối hoàn toàn của nó. Một việc hết sức nhảm nhí", người này nổi giận. "Tôi rất không muốn, nhưng cũng không thể để cuộc sống của mình trở nên khó khăn một cách lố bịch nếu áp dụng các nguyên tắc này".

Với Firemex, anh rất kiên quyết trong việc tồn tại mà không cần Google. Công việc của anh không yêu cầu sử dụng dịch vụ của Google và thành viên điều hành nhóm deGoogle này khẳng định sẵn sàng tìm việc khác nếu nó vi phạm nguyên tắc của mình.

Đối với một số deGoogler dễ tính hơn, họ dễ dàng thừa nhận thất bại của mình. "Đôi khi chúng tôi chỉ cần làm hết sức mình", một thành viên cho biết. "Hãy nhớ rằng bất kỳ bước đi nào cũng có tác dụng. Đây không phải là chuyện chấp nhận tất cả hoặc không có gì".

Ứng dụng Google Dịch không hoạt động nếu không được truy cập vào danh bạ người dùng.

Còn theo các chuyên gia về quyền riêng tư, có hàng tỷ người dùng sử dụng các dịch vụ của Google mỗi ngày và thấy cuộc sống của họ dễ dàng hơn, nhưng không vì thế vấn đề không tồn tại. Câu chuyện của Google là sự tích lũy quyền lực.

Bởi không có dịch vụ nào của Google là miễn phí, mặc dù bề ngoài chúng trông giống như vậy. Google quét Gmail để lấy các từ khóa được sử dụng cho quảng cáo nhắm mục tiêu. Google theo dõi những gì người dùng xem trên YouTube, sau đó hiển thị quảng cáo liên quan ở đầu mỗi video.

Với tất cả các dịch vụ "miễn phí" của Google, người dùng đều bị tiếp cận bởi quảng cáo. Người dùng có thể tìm các lựa chọn thay thế, nhưng nếu vẫn còn sử dụng một dịch vụ nào đó như YouTube, họ vẫn bị khóa chân trong hệ sinh thái cũng như các điều khoản của Google.

Thời gian gần đây, việc lạm dụng sự thống trị của Google đã bị trừng phạt. Tuần trước, công ty đã bị Liên minh châu Âu phạt lần thứ ba sau nhiều năm thực hiện các biện pháp độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh, với tổng số tiền lên tới hơn 9,3 tỷ USD.

Tomaso Falchetta, người phụ trách chính sách của Privacy International, một tổ chức từ thiện tại Anh chuyên bảo vệ và thúc đẩy quyền riêng tư trên toàn thế giới, cho biết: "Các công ty lớn như Google, Facebook đang tiếp tục áp đặt các điều khoản lên người dùng cho phép họ thu thập, phân tích và chia sẻ dữ liệu cá nhân theo nhiều cách thiếu minh bạch.

Các mô hình kinh doanh của họ ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu của người dùng và có thể áp đặt việc thu thập dữ liệu quá mức. Người dùng bị giam cầm bởi chính các nhà cung cấp dịch vụ và không có sự lựa chọn".

Sự "không minh bạch" này đã bị một số deGoogler phát hiện. Một người dùng phàn nàn ứng dụng Google Dịch trên thiết bị Android của mình sẽ không hoạt động chính xác nếu không cho phép truy cập danh bạ. "Không rõ tại sao một ứng dụng dịch cần biết bạn bè của tôi là ai", người này viết. "Thậm chí giờ tôi không thể sử dụng nó nếu không cấp quyền truy cập vào danh bạ cá nhân".

Theo giới thiệu trên Google Play Store, ứng dụng Google Dịch có 20 yêu cầu cấp phép khác nhau dành cho thiết bị Android, yêu cầu quyền truy cập vào micrô, camera, tin nhắn SMS và thậm chí cả thiết bị Bluetooth.

Không có lời giải thích nào về lý do tại sao nó cần truy cập vào tất cả các chức năng khác nhau này. Ngược lại, ứng dụng này trên thiết bị iOS của Apple chỉ yêu cầu quyền truy cập vào tính năng trợ lý giọng nói Siri.

Các deGoogler cũng như nhiều chuyên gia công nghệ đã đưa ra một số cách để loại bỏ Google khỏi cuộc sống. Bước đầu tiên là chuyển sang dùng iPhone, vì Apple "hứa hẹn" không kiếm tiền từ dữ liệu của người dùng và cho phép họ kiểm soát quyền riêng tư một cách chi tiết.

Tiếp theo là sử dụng các dịch vụ ưu tiên quyền riêng tư như DuckDuckGo hoặc Startpage làm công cụ tìm kiếm mặc định. Bên cạnh đó, người dùng có thể thay thế Gmail bằng ProtonMail, một dịch vụ email được mã hóa cũng như sử dụng Apple Maps.

Tuy nhiên, hiện chưa có lựa chọn phù hợp để cạnh tranh và thay thế YouTube.

Bảo Nam (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.