Cùng với Lotte Group, cuộc đổ bộ của Tập đoàn CJ-CGV vào ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam cho thấy, thị phần rạp chiếu phim đang dồn vào các doanh nghiệp xứ Hàn.

CJ-CGV trở thành nhà điều hành rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam sau thương vụ mua lại hơn 90% cổ phần Rạp MegaStar. Ảnh: Đức Thanh

Sự vào cuộc của doanh nghiệp nước ngoài

Tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), ngành công nghiệp điện điện ảnh nước này đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội, với số lượng khán giả tới rạp trong nửa đầu năm 2012 lên tới 41,93 triệu, tăng 10 triệu so với cùng kỳ năm trước đó.

Tại đây, Tập đoàn CJ-CGV sở hữu 90 rạp trên cả nước, với khoảng 700 phòng chiếu; trong khi Lotte Cinema có 80 rạp, với 600 phòng chiếu. Tính bình quân, một người dân Hàn Quốc chi 135,4 USD/năm để xem phim, nên tạo cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp điện ảnh nước này phát triển.

Không chỉ đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, các doanh nghiệp này còn đang tận dụng tiềm lực tài chính mạnh mẽ, kinh nghiệm quản lý và khả năng am hiểu thị trường giải trí châu Á để chi phối các thị trường mới nổi khác, trong đó có Việt Nam - nơi làn sóng giải trí đang được đẩy lên cao.

Việc nhóm cổ đông của Envoy Media Partners bất ngờ sang tay 92% cổ phần Rạp chiếu phim MegaStar cho “ông lớn” trên thị trường truyền thông, giải trí của Hàn Quốc là Tập đoàn CJ-CGV, với trị giá 73,6 triệu USD, đã diễn ra cách đây hơn 1 năm, nhưng đến nay, người ta vẫn chưa ngừng bàn tán về nó. Lý do là, việc CJ-CGV gia nhập thị trường sẽ mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam và cho cả MegaStar.

Thương vụ đình đám này đã giúp CJ-CGV trở thành nhà điều hành rạp chiếu phim lớn nhất tại Việt Nam. Còn MegaStar được tiếp quản và điều hành bởi các ông chủ mới am hiểu lĩnh vực giải trí châu Á. Song điều quan trọng nhất là, MegaStar đã giải quyết món nợ 28 triệu USD, như lời thừa nhận của ông Brian Hall, Chủ tịch HĐQT Công ty truyền thông Megastar.

Cũng theo ông Brian Hall, CJ-CGV có một mục tiêu rất mạnh mẽ khi đầu tư vào ngành điện ảnh tại Việt Nam, nên chắc chắn khán giả Việt là người được hưởng lợi nhiều nhất. Thời gian tới, Megastar sẽ tăng số lượng cụm rạp tại Hà Nội, TP.HCM, tiếp đó là một số thành phố lớn khác.

Trước đó, đối thủ truyền kiếp trong lĩnh vực giải trí tại Hàn Quốc của CJ-CGV là Lotte Shopping/Lotte Entertainment (Trung tâm mua sắm và giải trí Lotte) thuộc Lotte Group cũng đã áp dụng chiêu thức này.

Năm 2008, Lotte Cinema đã mua lại cổ phần trong Công ty Diamond Cinema (DMC) - liên doanh giữa Công ty Fellas (Hàn Quốc) và Fafilm Việt Nam, để sở hữu một số rạp chiếu phim tại TP.HCM và Đà Nẵng.

Tuy thương vụ này chỉ giúp Lotte Cinema sở hữu được số lượng rạp chiếu phim ít ỏi, nhưng sau vài năm đầu tư mạnh mẽ, hiện tại, Lotte Cinema đứng thứ 2 về số lượng rạp, sau Megastar, với 7 cụm rạp ở TP.HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Nha Trang và Hà Nội, với tổng số 33 phòng chiếu phim.

Chiến lược lâu dài của Lotte Cinema là số lượng rạp phim sẽ tăng tương ứng với số lượng trung tâm thương mại (TTTM) và siêu thị Lotte Mart. Hiện Lotte mới có 4 TTTM, đó là: Lotte Mart Nam Sài Gòn (quận 7), Lotte Mart Phú Thọ (quận 11), Lotte Mart Đồng Nai (Biên Hòa), Lotte Mart Đà Nẵng.

Số lượng rạp chiếu phim của Lotte được dự báo sẽ nhanh chóng vượt CJ-CGV, khi tập đoàn này dự kiến đến năm 2020 sẽ có 60 TTTM và siêu thị tại thị trường Việt Nam, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM.

Ông Park Sung Hoon, Tổng giám đốc Lotte Cinema cho biết: “Trong năm nay, chúng tôi sẽ xây thêm 4 cụm rạp phức hợp hiện đại tại Việt Nam, trong đó có 3 rạp tại TP.HCM và 1 rạp ở một địa phương khác. Mục tiêu của Lotte Cinema trong 5 năm tới là trở thành chuỗi rạp chiếu phim hàng đầu Việt Nam, với 30 cụm rạp trên cả nước”.

Cuộc cạnh tranh giữa các đối thủ đến từ xứ Hàn

Cuộc đổ bộ của các “ông lớn” ngành truyền thông và giải trí Hàn Quốc vào ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam cho thấy, thị phần rạp chiếu phim sẽ sớm nằm gọn trong tay các nhà đầu tư đến từ xứ Hàn.

Là nhà phát hành phim lớn nhất tại thị trường Việt Nam, MegaStar đã chính thức tấn công vào thị trường điện ảnh này từ năm 2005. Đến nay, MegaStar đã mở rộng quy mô tới 10 cụm rạp và 54 phòng chiếu tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Đồng Nai.

Theo thống kê, hiện MegaStar nắm tới hơn 60% doanh thu phòng vé ở Việt Nam, với mức doanh thu bình quân 20 - 23 triệu USD/năm.

Không chỉ là "cá mập" trong kinh doanh rạp chiếu, MegaStar còn là nhà nhập khẩu và phát hành phim Mỹ lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Tham gia thị trường muộn hơn so với tất cả các nhà nhập phim Galaxy, BHD..., nhưng MegaStar gần như thâu tóm các đầu mối nhập phim lớn và giành quyền phát hành hầu hết những bộ phim lớn trong năm của Hollywood.

Tương tự, ngoài việc chạy đua hơn nhau về số lượng rạp với CJ-CGV để trở thành chuỗi rạp chiếu phim hàng đầu Việt Nam, Lotte Cinema sẽ giới thiệu những bộ phim hấp dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... Đặc biệt, Lotte Cinema sẽ triển khai những dự án làm phim riêng của mình tại Việt Nam. Đây là sự khác biệt của Lotte Cinema để lấy lòng khán giả Việt Nam yêu phim Hàn.

Những lợi thế đó cộng với việc các tập đoàn này luôn áp dụng chiến lược kinh doanh theo kiểu chân rết. Không chỉ đánh mạnh vào thị trường phim ảnh, Lotte Group, CJ-CGV còn phát triển lĩnh vực phân phối, bán lẻ kèm giải trí… Đây là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt Nam bị bật sới khỏi cuộc chơi.

Trong lĩnh vực này, có nhiều tên tuổi trong nước ra đời sớm và tham gia chủ yếu ở phân khúc trung cấp và bình dân, như Galaxy Cinema, August Cinema, Dân chủ Cinema, FaFilm Cinema, Thăng Long Cinema, Tân Sơn Nhất Cinema, BHD Cinema…

Tuy nhiên, do không đủ kinh phí để nâng cấp và cải tạo, nên miếng bánh thị phần đã dần rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại. Hiện tại, các rạp chiếu phim của doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm dưới 40% thị phần.

Trong đó, Galaxy Cinema được xem là cụm rạp có tốc độ tăng trưởng khá sau Megastar, với 3 rạp và tổng 11 phòng chiếu, trong đó có 8 phòng chiếu phim 3D. Do phải cạnh tranh với đối thủ chính là Megastar, nên định hướng của Galaxy vẫn là duy trì mức giá rẻ.

Số khán giả đến với Galaxy Cinema đạt 450.000 lượt/năm, cao gấp 1,5 lần mức bình quân của các rạp do doanh nghiệp trong nước quản lý; con số này của MegaStar là 600.000 lượt/năm, cao gấp đôi mức trung bình.

Đứng sau Galaxy Cinema là Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD). Công ty này đang nổi lên như một đối thủ nặng ký, khi ra mắt hai cụm rạp chiếu phim tại TP.HCM, đó là BHD Star Cineplex 3/2 (tại Siêu thị Maximark trên đường 3/2) và BHD Star Cineplex Icon 68 tại Bitexco Financial Tower (số 2, Hải Triều, TP/HCM).

Trao đổi với báo chí, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc BHD cho biết, BHD quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng rạp chiếu, thêm phim hay cho người Việt.

“Càng có nhiều rạp chiếu, thì sẽ càng có nhiều phim hay cho khán giả, nhất là những tác phẩm điện ảnh Việt Nam”, bà Hạnh nói.

BHD hiện cũng được biết đến trong mảng sản xuất phim, với một số phim có doanh số khá cao trong thời gian qua, như Đẹp từng centimet, Hotboy nổi loạn, Cô dâu đại chiến…

Anh Hoa (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Chân dung nữ đại gia của Lotte Group vừa bị bắt

    Chân dung nữ đại gia của Lotte Group vừa bị bắt

    08/07/2016 1:41 PM

    Bà Shin Young-ja con gái cả của người sáng lập Lotte Group vừa bị bắt để điều tra về nghi án tham nhũng. Bà Shin là giám đốc của nhiều chi nhánh của tập đoàn đa ngành này, bao gồm Hotel Lotte và Lotte Shopping.

  • Cuộc so găng của các “ông hoàng” Hàn Quốc

    Cuộc so găng của các “ông hoàng” Hàn Quốc

    28/05/2013 1:31 PM

    Cùng với Lotte Group, cuộc đổ bộ của Tập đoàn CJ-CGV vào ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam cho thấy, thị phần rạp chiếu phim đang dồn vào các doanh nghiệp xứ Hàn.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.