Cam kết mức giá rẻ không phải là điều kiện để những thương hiệu trong nước có thể cạnh tranh với Uber và Grab trên thị trường xe ôm công nghệ.

Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh vừa chính thức vận hành dịch vụ xe ôm công nghệ Mai Linh Bike tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng sau hơn một tháng thử nghiệm. Theo số liệu từ công ty, hiện có khoảng 5.500 đối tác tham gia dịch vụ này, trong đó thị trường Đà Nẵng tuy số lượng ít nhất nhưng được doanh nghiệp kỳ vọng dẫn đầu tăng trưởng nhờ lượng khách du lịch đông đúc và lòng tin vào thương hiệu taxi Mai Linh.

Không riêng Mai Linh, đại diện Công ty cổ phần Ánh dương Việt Nam (Vinasun, mã CK: VNS) cũng cho biết ý định sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang xe ôm công nghệ tại phiên họp thường niên năm 2017, một phần trong chiến lược thay đổi hoạt động để vượt qua khó khăn hiện tại.

Cả Mai Linh và Vinasun đều là những thương hiệu taxi truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề sau sự xuất hiện của Uber và Grab. Việc tham gia vào lĩnh vực xe ôm công nghệ - vốn là thị trường cũng bị Uber và Grab "thâu tóm" - được xem là bước đi tiếp theo trong nỗ lực giành lại thị phần vận chuyển hành khách.

Tuy nhiên, tham vọng của 2 "ông lớn" taxi truyền thống được dự báo sẽ không dễ dàng, đặc biệt khi đây không phải lần đầu Mai Linh và Vinasun ứng dụng công nghệ vào hoạt động.

Những tài xế đến đăng ký Mai Linh Bike phần lớn là những tài xế đang chạy cho Uber và Grab. Ảnh: Anh Tú

Là đơn vị "nổ phát súng" đầu tiên trên thị trường xe ôm công nghệ, Mai Linh quyết định đặt trọng tâm chiến lược vào giá.

"Điều chỉnh giá không phải là mục tiêu của chúng tôi, mà vấn đề lớn nhất là làm sao phục vụ khách hàng tốt hơn", ông Hồ Huy - Chủ tịch Mai Linh chia sẻ và khẳng định, dù cao điểm hay điều kiện thời tiết bất lợi, vẫn không điều chỉnh cước phí.

Tuy nhiên, đặt trọng tâm yếu tố giá - như nhận định của ông Hồ Huy - có thể không phải là nhân tố chính quyết định thị phần giữa những đơn vị cung cấp dịch vụ trên thị trường xe ôm công nghệ hiện nay.

So với dịch vụ vận chuyển hành khách là taxi, xe ôm có mức giá rẻ hơn và mang tính tiện dụng cao hơn. Với sự xuất hiện của 2 dịch vụ xe ôm công nghệ là Uber và Grab, hai yếu tố này đã nhanh chóng tạo sự khác biệt đối với các phương thức vận chuyển khác, và ngay cả với những người chạy xe ôm theo cung cách truyền thống.

Hành động thỏa thuận giá được thay thế bằng mức giá cước niêm yết và chi phí vận chuyển công khai, trong khi việc sử dụng dịch vụ được thực hiện thông qua những chiếc điện thoại thông minh (smartphone) thay vì như trước đây là "vẫy khách".

Với mức giá niêm yết của các đơn vị trên thị trường xe ôm công nghệ khá thấp, chỉ từ 3.800 đến 5.500 đồng mỗi km di chuyển, khách hàng sẽ không quá bận tâm vào mức chênh từ vài nghìn cho tới chục nghìn đồng giữa các đơn vị cung cấp. Thay vào đó, tương tác giữa người dùng và tài xế, cùng sự tiện lợi của ứng dụng đang có xu hướng trở thành yếu tố quan trọng. Đặc biệt, đội ngũ tài xế phải đủ lớn để tạo ra độ phủ rộng.

Tuy nhiên theo ghi nhận của VnExpress trong sáng 20/11, đa phần các tài xế đến đăng ký dịch vụ xe ôm mới của Mai Linh tại Hà Nội lại là các đối tác của Uber và Grab.

Điều này phản ánh một thực tế là với rào cản tham gia và rút lui thấp, nhân lực trong lĩnh vực này không ổn định và có xu hướng chuyển dịch trong thời gian ngắn. Một bộ phận lớn đối tác cho Uber, Grab hay Mai Linh hiện cũng làm việc song song với nhiều bên khác nhau, dưới dạng bán thời gian và không chịu sự ràng buộc. Những tài xế này có xu hướng lựa chọn những đơn vị cung cấp dịch vụ khác nhau tùy thuộc vào thời điểm và các chương trình khuyến mãi, để tối đa hóa lợi ích.

Chính điều này đã đặt thị trường xe ôm công nghệ vào một hoàn cảnh mà không có doanh nghiệp nào muốn là cuộc chạy đua khuyến mại để giữ chân tài xế.

Grab và Uber trước đây khi mới xuất hiện cũng chứng kiến cuộc đua này để thu hút nhân lực, không chỉ đến từ nhóm xe ôm truyền thống mà thu nhập hấp dẫn còn thu hút một bộ phận người lao động khác trong xã hội chuyển hướng sang hoạt động này. Phải đến khi Grab tỏ ra vượt trội về thị phần hơn Uber, đơn vị này mới quyết định tăng mức chiết khấu và thu hẹp bớt các chương trình khuyến mại.

Hiện tại khi Mai Linh Bike chính thức xuất hiện, nhân lực phần lớn vẫn là đối tác của Uber và Grab, được thu hút bởi những cam kết ưu đãi lớn ban đầu.

“Tôi đăng ký dịch vụ xe ôm của Mai Linh chủ yếu để nghe ngóng chính sách đãi ngộ tài xế của hãng mới thế nào. Tôi vẫn đang dùng song song cả hai ứng dụng Uber và Grab. Tùy thời điểm, bên nào có nhiều thưởng cho tài xế hơn thì tôi chạy nhiều cho hãng đó”, một tài xế GrabBike hơn 40 tuổi chia sẻ.

Điều này dẫn đến bài toán cho Mai Linh là nguồn lực để duy trì các đãi ngộ này. Bởi nếu dừng lại, không có gì chắc chắn đội ngũ tài xế này sẽ "ở lại", chưa kể các đối thủ của Mai Linh có thể quay lại cuộc chiến chiết khấu và khuyến mại để giữ thị phần.

Bên cạnh đó, một khó khăn khác được các chuyên gia nhận định khi Mai Linh và Vinasun bước chân vào lĩnh vực xe ôm công nghệ là chất lượng của ứng dụng.

Ngay trên thị trường truyền thống là taxi, bản thân Mai Linh và Vinasun đã từng đưa ra những ứng dụng cho smartphone để cạnh tranh với Uber và Grab ngay từ những ngày đầu hai đơn vị này xuất hiện. Tuy nhiên, những ứng dụng này đến nay vẫn ít người biết đến. Theo thống kê trên kho ứng dụng của Google tại thị trường Việt Nam, ứng dụng Taxi Mai Linh và Mcar chỉ có vài nghìn lượt tải, trong khi Vinasun Taxi cao hơn cũng chỉ hơn 100.000 lượt tải về.

Minh Sơn (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.