Thay vì chỉ bán sản phẩm tiêu dùng, giờ đây nhiều cửa hàng tiện lợi của nước ngoài sẵn sàng mở thêm quầy cà phê, chiên trứng tại chỗ, thậm chí phục vụ nước sôi cho khách ăn mì.

Theo thống kê, trên địa bàn TP HCM hiện có 475 cửa hàng tiện lợi, trong đó 350 cửa hàng thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Áp lực cạnh tranh buộc các cửa hàng ngày càng có thêm nhiều dịch vụ hút khách hơn so với doanh nghiệp nội.

Tại cửa hàng tiện lợi C Express của Big C trên đường Trần Não (quận 2), khi vào mua sắm, khách hàng có nhu cầu sẽ được phục vụ món mì ăn liền nấu tại chỗ, kèm với trái cây cùng chỗ ngồi thuận tiện. Thậm chí, để đáp ứng nhu cầu mùa nóng, ngoài kem cây và hộp, cửa hàng này còn bán thêm kem ly giá 12.000 đồng.

Thay vì trước đây mua về nhà mới được dùng thì nay khách hàng có thể ra quầy couter ngồi ăn hoặc uống nước, ăn kem thư giãn. Ảnh: Thi Hà.

Nhân viên tại đây cho hay, từ ngày có thêm một số tiện ích mới, lượng khách tăng khoảng 30%, đối tượng cũng đa dạng hơn. Nhiều học sinh, sinh viên khi tan trường thường ghé qua uống nước hoặc ăn kem. Đại diện Big C cho biết hiện đơn vị có 10 cửa hàng có dịch vụ kiểu này.

Không hề kém cạnh, cửa hàng B'smart trên đường D1 (quận Bình Thạnh) thiết kế thêm hẳn một quầy counter. Ngoài một số món ăn sẵn như mì gói, bánh mì sandwich, bánh bao, cửa hàng còn bán cả xúc xích, chả giò, cá viên… giá dao động 8.000-15.000 đồng. Đặc biệt hơn, nếu khách thích ăn trứng chiên, cửa hàng sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu. Giá một quả trứng gà chiên 3.000 đồng.

Theo nhân viên cửa hàng, từ khi thay đổi diện mạo và mở thêm dịch vụ, lượng khách cũng tăng lên khoảng 10%. Nhiều khách hàng quanh khu vực thậm chí ghé cửa hàng 2 lần một ngày.

Trong khi đó, cửa hàng tiện lợi Circle K trên đường Lý Tự Trọng (quận 1) lại không khác gì một cửa hàng chuyên về thức ăn nhanh. Không gian và chỗ ngồi cho khách hàng rộng hơn so với trước. Khách hàng được phục vụ khá nhiều món như: gà rán, mì trụng trộn trứng chiên, mì trộn cá viên, bò viên 11.000-20.000 đồng một phần… Ngoài ra, phía sâu bên trong cửa hàng còn có quầy cà phê, khách hàng có thể ngồi uống tại chỗ.

Bảo vệ ở đây cho hay, từ ngày mở rộng dịch vụ tiện ích đồ ăn nhanh, lượng khách đến quán tăng mạnh. Chỗ để xe tại cửa hàng chật kín, đôi lúc phải để sát lề đường.

Trong khi các cửa hàng tiện lợi của nước ngoài liên tục gia tăng tiện ích và thay đổi diện mạo, thì các cửa hàng trong nước vẫn giữ nguyên cách kinh doanh truyền thống.

Tại các cửa hàng của Satra Food hay Co.op Food, tính năng chủ yếu vẫn là bán thực phẩm, rau củ quả và đồ khô. Không gian tương đối nhỏ, không có thức ăn nhanh và tiện lợi.

Trao đổi với VnExpress.net về việc có nên thay đổi Co.op Food để cạnh tranh với đối thủ ngoại, lãnh đạo Saigon Co.op cho hay, khi mở ra các cửa hàng này họ mong muốn đẩy mạnh mảng thực phẩm tươi sống, nhằm thay thế chợ truyền thống nên chọn mô hình Food store chain (Chuỗi cửa hàng thực phẩm). Trong khi đó, các cửa hàng tiện lợi của nước ngoài kinh doanh theo mô hình chuẩn Convenience store chain (cửa hàng tiện lợi), chủ yếu cung cấp thực phẩm chế biến sẵn và phục vụ 24/24. Cho nên, dù cả 2 đều tiện lợi, nhưng 2 mô hình có nhiều điểm khác biệt.

Tuy nhiên, đại diện của Saigon Co.op cho biết mô hình cửa hàng tiện lợi phục vụ 24/24 cũng đã nằm trong chiến lược của Saigon Co.op. Trong tương lai, đơn vị này sẽ chọn thời điểm thích hợp tung ra chuỗi cửa hàng tiện lợi này.

Bên cạnh đua tranh về dịch vụ, các chủ đầu tư cửa hàng tiện lợi cũng đang ráo riết gia tăng số lượng.

Có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2005, đến nay Shop & Go (Singapore) đã có 103 cửa hàng, dẫn đầu thị trường. Theo kế hoạch, trong năm nay thương hiệu này sẽ có thêm 30 cửa hàng nữa.

Đứng thứ 2 là Circle K (Mỹ) với 73 cửa hàng. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm, Circle K đã mở thêm 10 cửa hàng tại TP HCM.

Ngay cả nhà đầu tư Nhật Bản sau khi bán lại toàn bộ phần vốn góp của Tập đoàn Phú Thái, đã tiếp tục phát triển tiếp thương hiệu FamilyMart với 34 cửa hàng. Nhà đầu tư này dự kiến sẽ nâng tổng số cửa hàng lên con số 50 vào cuối năm nay.

Tuy khá yếu thế về cạnh tranh dịch vụ tiện lợi, nhưng hai nhà đầu tư trong nước là Saigon Co.op và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn lại khá thành công về số lượng. Đến nay Saigon Co.op đã có hơn 70 cửa hàng thực phẩm tiện lợi và gần như phủ khắp các quận huyện, khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP HCM. Lãnh đạo Saigon Co.op cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng sang các tỉnh thành khác.

Còn Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) hiện có trên 30 cửa hàng tiện lợi. Tại mỗi cửa hàng có khoảng 2.000 mặt hàng, trong đó khoảng 80% là thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả và hải sản tươi sống, 20% còn lại là các mặt hàng hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng.

Khảo sát của VnExpress.net cho thấy, thay vì chỉ tập trung đặt vị trí gần khu dân cư đông, hoặc một số tòa nhà chung cư, cao ốc. Gần đây, các cửa hàng tiện lợi của nước ngoài xuất hiện dày đặc ở những vị trí gần trường học, bệnh viện, thậm chí đặt sát ngay các chợ truyền thống và đang lan rộng ra một số tỉnh.

Thi Hà (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Cửa hàng tiện lợi tung chiêu hút khách

    Cửa hàng tiện lợi tung chiêu hút khách

    14/05/2014 1:09 PM

    Thay vì chỉ bán sản phẩm tiêu dùng, giờ đây nhiều cửa hàng tiện lợi của nước ngoài sẵn sàng mở thêm quầy cà phê, chiên trứng tại chỗ, thậm chí phục vụ nước sôi cho khách ăn mì.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.