Tuy giấy phép cho Huawei mua bán công nghệ Mỹ đã được gia hạn thêm 3 tháng, đây không phải giải pháp cuối cùng cho công ty Trung Quốc.

Với giấy phép mua bán công nghệ mới từ Mỹ, Huawei Technologies, công ty viễn thông lớn nhất thế giới sẽ có thêm cơ hội để xây dựng các kế hoạch đối phó với rào cản trong tương lai.

Ngày 19/8, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross xác nhận giấy phép tạm thời của Huawei, vốn có thời hạn đến 19/8 sẽ được gia hạn đến 19/11. Ông Ross cũng cho biết có thêm 46 chi nhánh của Huawei được bổ sung vào "danh sách đen".

Huawei vẫn là điểm nóng với Mỹ

Bộ Thương mại Mỹ nói rõ giấy phép tạm thời cấp cho Huawei là để các công ty viễn thông, di động của Mỹ, trong số đó có nhiều nhà mạng hoạt động tại vùng nông thôn, có thể chuyển đổi công nghệ mà không bị gián đoạn.

"Trong khi chúng tôi vẫn khuyến khích khách hàng của Huawei chuyển đổi sang công ty khác, chúng tôi cũng nhận ra rằng họ cần thời gian để tránh làm gián đoạn công việc.

Đồng thời, chúng tôi cũng liên tục làm việc để đảm bảo mọi đơn hàng xuất khẩu cho Huawei và các chi nhánh của họ không vi phạm danh sách cấm hoặc giấy phép tạm thời", ông Ross cho biết.

Với giấy phép mới, Huawei sẽ tiếp tục được giao dịch với các công ty Mỹ thêm 3 tháng. Ảnh: AP.

Các nhà phân tích cho rằng Huawei vẫn phải chịu sức ép khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra, và họ vẫn còn nằm trong danh sách cấm của Mỹ.

"Chúng tôi tin rằng Huawei sẽ không thể trở lại hoạt động bình thường như trước đây, cho đến khi đạt được một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc", ông Jean Baptiste Su, nhà phân tích tại Atherton Research cho biết.

"Huawei sẽ phải cân nhắc ra mắt các smartphone mới và thiết bị viễn thông với hệ điều hành của riêng họ, cũng như tìm nhà cung cấp dài hạn thay thế cho các công ty Mỹ như Microsoft, Intel, Nvidia hay Broadcom nếu chiến tranh thương mại hay việc cho vào danh sách cấm chưa được khắc phục", ông Su nhận xét.

Tất cả các công ty nằm trong danh sách cấm của Bộ Thương mại Mỹ đều phải được cấp giấy phép nếu muốn xuất khẩu, nhập khẩu hoặc trao đổi các hàng hóa nằm trong danh sách giới hạn, bao gồm phần mềm và các công nghệ từ Mỹ.

Khi một công ty muốn xin giấy phép, họ sẽ phải trải qua quá trình thẩm định "mặc định là từ chối", tức là phần lớn trường hợp sẽ bị từ chối.

Sau khi có thông tin mới từ Mỹ, Huawei đã phản đối việc thêm hàng chục chi nhánh bị đưa vào danh sách.

"Quyết định này, ở thời điểm này, có chủ đích chính trị và không liên quan gì đến an ninh quốc gia. Các hành động này vi phạm những nguyên tắc cơ bản về cạnh tranh trong thị trường tự do. Chúng không giúp ích cho bất kỳ ai, kể cả các công ty Mỹ. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Mỹ chấm dứt việc cư xử thiếu công bằng này và đưa Huawei ra khỏi danh sách cấm", thông báo chính thức từ phía Huawei cho biết.

Huawei có 3 tháng để xây dựng kế hoạch mới

Ngay khi Huawei bị đưa vào danh sách cấm ngày 16/5, công ty này cho biết công ty con hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn HiSilicon đã dự trữ đủ các sản phẩm cần thiết để đảm bảo tập đoàn này hoạt động bình thường.

Báo cáo kinh doanh mới nhất cho thấy Huawei chưa chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm. Họ vẫn tăng trưởng 23,2% doanh thu trong nửa đầu năm 2019, bán được nhiều smartphone hơn và có nhiều đơn hàng cung cấp thiết bị 5G hơn so với năm ngoái.

Với giấy phép từ Mỹ, Huawei sẽ có thêm 3 tháng để chuẩn bị kế hoạch dài hạn khi tiếp tục bị Mỹ cấm vận. Ảnh: AP.

Theo SCMP, 90 ngày tiếp theo sẽ là khoảng thời gian quan trọng cho thấy kế hoạch dài hạn trong tương lai của Huawei sẽ là gì.

"Việc gia hạn giấy phép giúp giảm bớt nhiều rủi ro trong kinh doanh của Huawei", ông Charlie Dai, nhà phân tích tại Forrester Research nhận xét.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích lại cho rằng việc gia hạn không nên được coi là hành vi nương tay từ phía Mỹ.

"Đây nên được xem là hành động về mặt kỹ thuật, chứ không phải là tín hiệu cho thấy Mỹ sẽ cho phép Huawei hoạt động nhiều hơn tại Mỹ, hay thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã gần đạt được. Việc gia hạn là để các công ty Mỹ tránh phụ thuộc vào linh kiện từ Huawei, phản ánh mục tiêu lớn hơn của ông Trump là làm cho hệ sinh thái công nghệ và chuỗi cung ứng của Mỹ không còn liên quan đến Trung Quốc", ông Stephen Ezell, Phó chủ tịch về chính sách quốc tế tại Information Technology and Innovation Foundation cho biết.

Hình ảnh rò rỉ của Huawei Mate 30 Pro. Với giấy phép mới, bộ đôi Mate 30 và Mate 30 Pro chắc chắn sẽ sử dụng Android khi ra mắt vào tháng 9. Ảnh: GSM Arena.

Vào tháng 8, Huawei đã công bố hệ điều hành Harmony OS, được sử dụng đầu tiên trên TV thông minh của thương hiệu con Honor. Họ cũng nhắm đến khai thác mạnh hơn thị trường nội địa để giảm bớt các thiệt hại do lệnh cấm từ Mỹ.

Tháng trước, Chủ tịch Huawei Liang Hua cho rằng Huawei có thể gặp một số thách thức ở nửa sau năm 2019. Ông Liang cho biết họ đang tập trung "vá những lỗ hổng" trong mảng thiết bị tiêu dùng. Huawei tự ví mình như một chiếc máy bay chiến đấu, tuy đã chịu nhiều vết đạn nhưng vẫn tiếp tục bay.

Ông Liang cũng cho biết lệnh cấm từ Mỹ đã buộc Huawei phải bỏ đi nhiều sản phẩm không quan trọng, nhưng không làm ảnh hưởng tới các hợp đồng triển khai mạng 5G của họ.

Huawei cho biết họ đã có 50 hợp đồng cung cấp thiết bị 5G, trong đó 28 hợp đồng là tại châu Âu. Các đối thủ như Nokia hay Ericsson mới chỉ có lần lượt 43 và 22 hợp đồng 5G. Một công ty Trung Quốc khác là ZTE công bố đã có 25 hợp đồng cung cấp thiết bị 5G.

Nhật Minh (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.