Trong vài năm gần đây, số lượng doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài không ngừng tăng và gặt hái được nhiều thành công. Bên cạnh những thách thức, có rất nhiều cơ hội đang mở ra cho doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ trong thời điểm kinh tế còn khó khăn như hiện nay.

“Biết nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp Việt sẽ đạt được nhiều thành tựu rực rỡ khi đầu tư ra nước ngoài” là nhận định của ông Pádraig Johannes, một luật sư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và xử lí các vấn đề liên quan đến hợp đồng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại hội thảo “Cơ hội đầu tư tại nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam” do báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tại khách sạn Majestic hôm 22/3.

Luật sư Johannes cho biết: “Đầu tư ra nước ngoài giúp doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường và mở rộng khối tài sản đồng thời hòa nhập vào cuộc chơi lớn của thế giới”.

Mặc dù kinh tế thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng và chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt nhưng đầu tư ra nước ngoài vẫn là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang trong tình trạng phục hồi tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt “một mình một sân” với cơ hội thành công cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào Châu Á, mà cụ thể là Singapore, đang là cơ hội rất lớn.

Luật sư Johannes phân tích: “Châu Mỹ đang khủng hoảng, Châu Âu đang lún sâu trong suy thoái. Cơ hội chỉ ổn định hơn khi Singapore.” Hơn nữa, Singapore là cửa ngõ của Châu Á để doanh nghiệp Việt tấn công ra các nước khác trên thế giới.

Ngoài ra, Singapore có hệ thống hành lang pháp lý chặt chẽ, hỗ trợ từ phía chính phủ tốt, tỷ giá hối đối ổn định, việc chuyển ngoại tệ dễ dàng hơn và nền kinh tế “khỏe” hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực như: Hong Kong, Mã Lai.

Các diễn giả tại hội thảo (từ trái qua): ông Trần Văn Mười - Chủ tịch tập đoàn Năm Sao, luật sư Pádraig Johannes, TS Klaus Phillipp

Tuy vậy, việc đầu tư ra nước ngoài không chỉ là “màu hồng” mà còn nhiều “mặt trái” cần phải tìm hiểu kỹ nếu muốn tham gia.

Một trong những khó khăn lớn nhất cho doanh nghiệp Việt khi đầu tư ra nước ngoài là hành lang pháp lý. Nếu không chú ý tìm hiểu cẩn thận từ nhiều nguồn khác nhau rất dễ “nắm dao đằng lưỡi”.

Ngoài việc xem xét những quy định đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt cũng cần xác định sản phẩm đầu tư, cân nhắc rủi ro, xem xét kỹ công nợ và khả năng sinh lãi của công ty đối tác… “Tốt nhất, doanh nghiệp Việt nên tham khảo ý kiến của luật sư trước khi đầu tư và cần có một công ty quản lí tài sản để đảm bảo an toàn khi “đánh xứ người”, luật sư Johannes khuyên.

Bên cạnh đó, việc tìm hiểu kỹ hành lang pháp lý về nước muốn đầu tư, yếu tố văn hóa cũng góp phần quan trọng vào mức độ thành công của doanh nghiệp. “Văn hóa và pháp lý là hai yếu tố quyết định sự thành bại của đầu tư”, Tiến sĩ xã hội học Klaus Phillipp cho biết. “Văn hóa là lăng kính để hiểu người dân bản địa. Từ đó, có cách hành xử và làm ăn đúng cách với nước “chủ nhà”.

Doanh nhân đặt câu hỏi cho diễn giả

Tiến sĩ Phillipp cũng lưu ý thêm: “Singapore như nồi lẩu thập cẩm rất đa sắc tộc, đa văn hóa. Khi đầu tư và Singapore cần phải tìm hiểu kỹ làm ăn với ai, phân khúc thị trường như thế nào và phải nắm rõ cả khái niệm của nước sở tại để tránh tình trạng hiểu nhầm giữa các thuật ngữ”.

Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, người thành công với dự án phân bón 80 triệu đô ở Campuchia cũng khuyên: “Người điều hành nên tìm hiểu phong tục của nước đầu tư. Tham khảo và tham quan các công ty đầu tư thành công khác để học hỏi, rút kinh nghiệm. Phải nắm thật rõ văn hóa và tâm lí của đối tác”.

Như vậy, sẽ có không ít thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi “vươn ra biển lớn”. Tuy nhiên, đây là một cơ hội để các doanh nghiệp tầm cỡ khẳng định mình trên môi trường quốc tế.

Theo doanhnhanthanhdat.net/NĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.