Mặc dù TTCK có 105 CTCK, nhưng chỉ khoảng 10 - 15 CTCK “sống khỏe” và tạo được uy tín, sự tin tưởng trong mắt giới đầu tư.

Ông Trần Đắc Sinh

Riêng đối với các Sở GDCK, đây là lớp thành viên góp phần quan trọng trong sự phát triển TTCK lành mạnh và bền vững. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) về vai trò của các CTCK uy tín hàng đầu hiện nay.

Thưa ông, thời gian qua, thông tin tiêu cực về một số CTCK mất thanh khoản, lạm dụng tài khoản nhà đầu tư có phần lấn át những thông tin tích cực về những đóng góp của nhóm CTCK cho thị trường. Ông đánh giá thế nào về vai trò của các CTCK uy tín trên TTCK hiện nay?

Ngay từ buổi đầu thành lập TTCK, đã có những CTCK đầu tư nghiêm túc xây dựng chiến lược phát triển cùng với thị trường. Họ đầu tư bài bản về công nghệ, nhân lực để phục vụ nhà đầu tư về môi giới, tư vấn, phân tích; đồng thời, phục vụ các công ty đại chúng về dịch vụ tư vấn tài chính như tư vấn niêm yết, bảo lãnh phát hành…

Hiện nay, đã hình thành một nhóm CTCK có khả năng dẫn dắt thị trường, thực hiện được vai trò tạo lập thị trường, vai trò đầy ý nghĩa đối với sự thành bại và phát triển bền vững của TTCK. Khi nhà đầu tư tin tưởng vào CTCK, coi tư vấn của CTCK uy tín như một điểm tựa vững chắc, họ sẽ có động lực, vững tâm tham gia vào thị trường nhiều hơn. Nhóm CTCK này là những công ty tốt thực sự, xét trên nhiều phương diện hoạt động, chứ không phải chỉ là những công ty dẫn đầu thị phần môi giới.

Trải qua nhiều thăng trầm của TTCK, cá nhân tôi đánh giá rất cao nỗ lực của những CTCK đã khẳng định được uy tín trên thị trường, duy trì được vị thế của mình. Dù trên thị trường, hiện có quá nhiều CTCK, dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh thì bằng bản lĩnh, uy tín, các CTCK này vẫn vượt qua được khó khăn, vẫn sống được và sống khỏe. Qua mỗi lần thị trường trồi sụt, chỉ những CTCK lành mạnh, quản trị tốt, nhất là quản trị rủi ro tốt, thu hút được khách hàng bằng chất lượng dịch vụ và công nghệ mới trụ lại được.

Mặc dù nhiều CTCK đã chịu sự đào thải của thị trường bằng việc tự nguyện rút nghiệp vụ môi giới, đóng cửa công ty, nhưng số CTCK còn lại vẫn khá nhiều. Vậy theo ông, quá trình sàng lọc này sẽ diễn ra đến khi nào? TTCK Việt Nam cần bao nhiêu CTCK là vừa đủ?

Bây giờ cũng như sau này, khi TTCK Việt Nam dự báo sẽ phát triển hơn, chỉ cần tối đa 30 CTCK. Con số này là vừa đủ với nhu cầu thị trường cũng như khi so sánh với tương quan các nước. Tôi được biết, Thái Lan cũng chỉ có 30 CTCK, các thị trường khác trong khu vực ASEAN cũng chỉ vài chục CTCK, dù quy mô thị trường của các quốc gia này còn lớn hơn TTCK Việt Nam.

Trong số 105 CTCK trên thị trường, có tới 2/3 số này gần như đã ngừng hoạt động hoặc coi như đã chết, chỉ chờ thủ tục giải thể hay phá sản. Nhưng vấn đề hiện nay là một số CTCK không thể muốn giải thể là được. Họ còn phải thực hiện trách nhiệm với tiền, cổ phiếu của nhà đầu tư, giải quyết những khoản nợ. Phía cơ quan quản lý đã cơ bản xây dựng được lộ trình pháp lý tháo gỡ, xử lý dần cho những CTCK ở tình trạng mà thị trường gọi là “chết mà chưa được chôn”.

Cụ thể lộ trình này như thế nào, thưa ông?

Cơ quan quản lý sẽ đưa ra nhiều bước, như quy định về mức an toàn tài sản, định ra các quy định phải tuân thủ trên TTCK… Nếu CTCK vi phạm, họ sẽ bị xử lý, tiến tới chấm dứt hoạt động. Như vậy, đi cùng với sự phát triển của thị trường, cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức của nhà đầu tư, quá trình đào thải ở các CTCK tự diễn ra.

TTCK Việt Nam đã rất khó khăn suốt 3 năm qua và dự báo thời gian khó khăn còn có thể kéo dài tính bằng năm nữa. Theo ông, có cơ hội nào khởi sắc cho những CTCK còn lại?

Trước mắt, khó khăn đối với các CTCK sẽ còn nhiều. Nhưng về dài hạn, TTCK Việt Nam sẽ tốt hơn, vì quy mô thị trường vốn của Việt Nam hiện vẫn còn nhỏ bé và đơn giản. Thị trường này còn phải phát triển nữa để đáp ứng các nhu cầu về vốn. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu và dự kiến sẽ triển khai nhiều sản phẩm mới từ năm 2013 trở đi. Khi đó, các CTCK sẽ có thêm nhiều dịch vụ, thu hút được nhiều khách hàng và có thêm nguồn thu. Chưa kể, khi khó khăn qua đi, TTCK mở cửa ra với bên ngoài, sẽ xuất hiện nhiều cơ hội mới cho số ít CTCK còn trụ lại được.

Hội nhập, liên kết với các thị trường bên ngoài, trước tiên là với các nước trong khu vực có phải là một cơ hội có tính hiện thực cao không, thưa ông?

Hiện nay, việc hội nhập của TTCK Việt Nam mới chỉ dừng ở liên kết thông tin, qua việc giới thiệu 30 cổ phiếu hàng đầu ở Việt Nam lên website chung của khối ASEAN. Nhưng chủ trương từ Chính phủ đã cho phép chúng ta tính đến một liên kết giao dịch chứng khoán trong khu vực. Để làm được điều này, chúng ta cần phải có một quá trình chuẩn bị và quan trọng là muốn liên kết, phải đầu tư ít nhất 2 triệu USD cho công nghệ kết nối. Điều này buộc chúng tôi phải xem xét kỹ lưỡng.

Nếu sau khi cân nhắc đầy đủ và thấy rằng, liên kết giao dịch chứng khoán trong khu vực ASEAN đem lại lợi ích thực sự, TTCK Việt Nam sẽ thực hiện liên kết. Khi đó, các CTCK không chỉ cung cấp dịch vụ cho hàng hóa trên TTCK trong nước mà còn làm dịch vụ cho hàng hóa các nước trong khu vực.

TTCK Việt Nam vẫn là thị trường mới nổi nên không tránh khỏi những thăng trầm, vấp váp, nhưng nó cũng mang đầy đủ đặc tính là rủi ro cao thì lợi nhuận cao. Tôi tin là những CTCK có một chiến lược phát triển bền vững, quản trị rủi ro tốt sẽ vẫn tạo ra lợi nhuận hợp lý, thậm chí là bền vững ở thị trường này trong những năm tới.

Theo Ngọc Thủy (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.