Việc phát triển ngành công nghệ vi mạch bán dẫn có giúp Việt Nam tiếp cận được với một thị trường triển vọng của khu vực và thế giới?
Việt Nam tham gia thị trường sản xuất vi mạch lúc này phù hợp mở ra cơ hội phát triển công nghệ cao

Công nghiệp vi mạch là ngành công nghệ cao sẽ tạo nên cuộc cách mạng trong phát triển ngành công nghệ thông tin, giúp một quốc gia chuyển từ gia công sang nghiên cứu chế tạo, từ lắp ráp sang sản xuất. Chiến lược phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn mà Việt Nam đang thực hiện được giới chuyên gia đánh giá cao.

Cơ hội chuyển đổi

Ông Don Tran, Giám đốc điều hành Công ty Global Equipment Services (GES), nhìn nhận, nhu cầu sử dụng mạnh các mặt hàng điện tử của thị trường Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, do tỉ lệ người dân sử dụng internet cao và thu nhập ngày càng tăng. Các doanh nghiệp cũng ứng dụng ngày càng nhiều công nghệ thông tin và công nghệ cao vào hoạt động sản xuất kinh doanh… Đây chính là những cơ sở cho việc phát triển một nhà máy vi mạch bán dẫn mà Việt Nam đang đặt mục tiêu hướng đến.

Theo ông Don Tran sự đầu tư mạnh mẽ cho ngành công nghiệp vi mạch sẽ góp phần giảm nhập khẩu, trong khi đó lại nâng cao giá trị sản phẩm điện tử trong nước, tăng sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế nhờ tránh lệ thuộc vào hàng nước ngoài, cũng như tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam còn giúp nâng cao trình độ cho các chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật thiết kế, ứng dụng và chế tạo vi mạch điện tử; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế và chế tạo vi mạch điện tử. “Tôi nhìn thấy việc đặt nhà máy vi mạch tại TP.HCM là bước đi đúng đắn vì hội tụ đủ các điều kiện về nhân lực, kỹ thuật, vận chuyển và có định hướng chính sách phát triển tốt”, ông Don Tran nói.

Theo bà Bettina Weiss, Phó chủ tịch SEMI, hiện nay khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang nổi lên như địa chỉ cung cấp vi mạch bán dẫn hàng đầu thế giới. Chẳng hạn, Đài Loan đang chiếm 13%-16% thị phần, Trung Quốc cũng gia tăng đáng kể sản lượng sản xuất vi mạch ở mức 9%, Indonesia đang có những nhà máy đóng gói vi mạch khá uy tín… “Giờ đây, một người sở hữu nhiều hơn một thiết bị kỹ thuật số, đồng nghĩa nhu cầu về tiêu thụ vi mạch cũng gia tăng. Việt Nam tham gia thị trường sản xuất vi mạch lúc này là phù hợp. Ngoài việc sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, nên nỗ lực gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu để gia tăng lợi nhuận và tạo niềm tin cho thế giới thấy rằng, Việt Nam đang chuyển mình thành nước có khả năng sản xuất công nghệ cao”, bà Bettina Weiss nhấn mạnh.

Liệu sức chọn hướng đi…

Nhấn mạnh ngành công nghiệp thiết kế vi mạch là lĩnh vực quan trọng trong công nghiệp điện tử Việt Nam, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Chính phủ Việt Nam cũng xác định đây là ngành được ưu tiên phát triển, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng công nghiệp điện tử, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; dần thay thế thiết bị nhập khẩu; đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vi mạch, làm chủ thiết kế một số sản phẩm phần cứng mang thương hiệu Việt Nam và đáp ứng chung nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Dự báo nhu cầu tiêu thụ vi mạch bán dẫn của Việt Nam sẽ có thị trường trên 2 tỷ USD/năm.

Theo bà Hương, về chiến lược phát triển lâu dài, Việt Nam cần có chính sách phát triển hỗ trợ theo các giai đoạn hình thành nền công nghiệp vi mạch, như giai đoạn thiết lập hạ tầng, thiết kế các nhà máy sản xuất vi mạch, xây dựng đội ngũ nhân lực thiết kế chipset, logic… Đây là giai đoạn nền tảng ban đầu. Tiếp theo đó là giai đoạn tôn tạo và phát triển. Đó là tạo chính sách phát triển hỗ trợ cho các doanh nghiệp thông qua chính sách thuế, hay tạo thị trường cho sản phẩm trong nước có chỗ đứng. “Để thực hiện được điều này cần nghiên cứu xây dựng danh mục sản phẩm chiến lược. Việt Nam hiện chưa thể sản xuất những sản phẩm công nghệ cao, chip nhỏ có công nghệ 90 nm -45 nm nên có thể lựa chọn sản xuất những sản phẩm vi mạch bán dẫn vừa sức để tạo thị trường bước đầu. Song song đó, các doanh nghiệp và trường đại học cần đào tạo, nâng cao trình độ của nguồn nhân lực phát triển công nghệ; phát triển các nhà máy vi mạch; tăng cường tính liên kết giữa ngành vi mạch bán dẫn với các chương trình phát triển quốc gia, tạo thị trường cụ thể cho ngành này”, bà Hương nói.

Đứng dưới góc độ phân tích dự án nhà máy sản xuất vi mạch mà Việt Nam sắp triển khai, ông Phạm Bá Tuân, chuyên gia cao cấp Dự án nhà máy vi mạch CNS Việt Nam, nhấn mạnh: “Việt Nam nên chọn công nghệ 180nm là phù hợp với khả năng tài chính (nếu chọn công nghệ 90 nm giá sẽ cao gấp ba lần), sản xuất được nhiều ứng dụng, đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước. Đa số các nhà máy trên thế giới vẫn tìm kiếm lợi nhuận tốt từ công nghệ này và quan trọng là công nghệ 180nm được dự đoán còn tiếp tục được sử dụng trong 20 năm nữa”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Bá Tuân, có nhà máy sản xuất vi mạch là chưa đủ mà cần triển khai trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm thiết kế mẫu để kiểm nghiệm xem những sản phẩm có phù hợp thị trường hay không trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt. Trong khi đó ông Nelson Wong, một chuyên gia đến từ Kulicke & Soffa, khuyến nghị Việt Nam cần phải xem xét đến chi phí bao bì, đóng gói sản phẩm vi mạch bán dẫn, bởi điều này có khả năng ảnh hưởng đến sự thành công của sản phẩm.

Một chiến lược phát triển đúng sẽ giúp Việt Nam định danh là nước có thể sản xuất công nghệ cao. Khởi đầu là nhà máy ở TP.HCM, bước tiếp theo sẽ là những gì đòi hỏi sự tỉnh táo của nhà hoạch định chính sách và sự sáng suốt nhập cuộc của doanh nghiệp.

Trần Phương (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Cơ hội lớn từ vi mạch bán dẫn

    Cơ hội lớn từ vi mạch bán dẫn

    22/09/2013 9:27 PM

    Việc phát triển ngành công nghệ vi mạch bán dẫn có giúp Việt Nam tiếp cận được với một thị trường triển vọng của khu vực và thế giới?

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.