Khác biệt là một yếu tố giúp người mới gia nhập thị trường có thể sống tồn. Ngoài ra, họ còn phải biết cách làm thông minh mới có thể lớn nhanh được.
Mấy ngày nay, các phương tiện truyền thông và cộng đồng mạng đồng loạt chia sẻ bức ảnh ông chủ một cửa hàng xăng dầu mới mở đội mưa chào khách. Sở dĩ bức ảnh này được lan tỏa nhanh chóng là bởi vì đây là điều người ta ít thấy ở thị trường xăng dầu Việt Nam.
Chuyện ông chủ Idemitsu đội mưa nhiều giờ cúi gập người chào khách
Trạm xăng được nhiều người nhắc đến hôm nay nằm bên trong Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội, là nơi có nhiều cơ sở của các công ty Nhật Bản đầu tư. Đây là trạm xăng đầu tiên của Idemitsu tại Hà Nội.
Theo quan sát, đánh giá của nhiều người, trạm xăng đã giải quyết được khá nhiều “điểm trừ” của các cây xăng khác khi thiết kế hiện đại, tránh xung đột giao thông giờ cao điểm và trang thiết bị lắp đặt được nhập khẩu từ Nhật Bản. Trạm cũng có hệ thống thanh toán thẻ thẻ POS, cho phép người mua không cần trả tiền mặt mà có thể thanh toán bằng thẻ ATM.
Điểm đặc biệt của IQ8 là quản lý khối lượng nhiên liệu với độ chính xác lên đến 0,01 lít, giúp người tiêu dùng yên tâm trước tình trạng gian lận xăng dầu ở các trạm xăng dầu đã xảy ra tại nhiều nơi.
Ghi điểm nhất của trạm xăng trong lòng người tiêu dùng là việc cung cấp dịch vụ "chuẩn Nhật" qua đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản. Trong chiều ngày 10/10, ông Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8 đã đội mưa hàng tiếng đồng hồ, cúi chào khách vào đổ xăng. Khách đến đổ xăng sẽ được nhân viên lau gương, kính xe miễn phí.
Thái độ phục vụ tận tình của đội ngũ nhân viên không chỉ khiến khách hàng của công ty hài lòng mà cả những người chưa có cơ hội mua xăng tại đây cũng trầm trồ khen ngợi.
“Kẻ yếu thế” khi gia nhập thị trường
Kể cả sau khi được cộng đồng mạng và truyền thông báo chí lan tỏa thì cái tên Idemitsu của cửa hiệu xăng dầu có ông chủ đội mưa chào khách đó vẫn chưa ấn tượng lắm với người dân Việt khi mà người tiêu dùng Việt Nam ít ai được mục sở thị cây xăng được nhiều người khen nức nở này.
Đến thời điểm Công ty TNHH dầu khí Idemitsu Q8 (Idemitsu) tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam, cả nước có 31 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu và 120 thương nhân phân phối xăng dầu với hơn 14.000 cửa hàng xăng dầu.
14.000 xăng dầu so với số lượng cửa hàng chỉ mới đếm được trên đầu bàn tay của Idemitsu thì thật giống như hạt cát giữa biển cả mênh mông vậy. Có cố cách gì, Idemitsu cũng chỉ mới là một phần quá bé nhỏ giữa thị trường xăng dầu và trong mắt các doanh nghiệp với số lượng điểm bán lên con số nghìn thì họ thậm chí còn chưa liệt kê Idemitsu vào danh sách đối thủ.
Và chuyện những doanh nghiệp ngành xăng khác nhìn thấy hành động vì người tiêu dùng mà thay đổi bản thân để cạnh tranh có vẻ vẫn còn là điều mộng tưởng khi Idemitsu với họ vẫn chưa có gì đe dọa cả.
Người tiêu dùng không thể đi mấy chục cây số chỉ để đổ xăng ở cây xăng được cho là “phục vụ tốt hơn các cây xăng hiện tại” được nên họ vẫn phải lựa chọn những cây xăng gần họ hoặc tiện đường họ dịch chuyển nhất bất chấp các cây xăng đó dịch vụ có tốt hay không.
Chỉ có điều, việc một cây xăng có thể đứng vững được giữa thị trường đã cho ta những nghĩ suy về cách những doanh nghiệp nhỏ cần làm khi tiếp cận một lĩnh vực kinh doanh lâu đời đã có quá nhiều cạnh tranh.
Bài học cạnh tranh dành cho kẻ yếu
Khác biệt. Khác với các trạm xăng ở Việt Nam, trạm xăng Nhật Bản Idemitsu Q8 (IQ8) cam kết chính xác 0,01 lít, đội ngũ nhân viên được đào tạo “chuẩn Nhật”.
Vì đến thị trường muộn hơn các doanh nghiệp bán xăng khác nên điều Idemitsu làm là nhấn mạnh vào sự khác biệt của mình và vì sự khác biệt này đang đánh vào trúng những vấn đề người tiêu dùng khó chịu về số nhiều các cây xăng khác nên lấy được thiện cảm của người dùng.
Tránh voi chẳng hổ mặt nào. Nếu đặt mình giữa biển cả, bạn sẽ gặp rủi ro bão tố quật ngã hay cá mập đang chực chờ. Nếu đặt mình trong bể bơi, rủi ro của bạn sẽ đơn giản chỉ xoay quanh mình. Là người đến với thị trường xăng dầu khi số điểm bán đã lên đến con số mười mấy nghìn điểm thì Idemitsu có vẻ đã có lựa chọn khôn ngoan khi lựa chọn khu vực ít bị cạnh tranh nhất đó là khu công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp Nhật Bản.
Thực ra, nghe cạnh tranh ngành xăng thì to tát nhưng bản chất mỗi cây xăng của “kẻ yếu thế đến sau” chỉ phải cạnh tranh với những cây xăng trong khu vực gần mình mà thôi. Người tiêu dùng mua xăng có 2 đặc điểm là: tiện đường hoặc dịch vụ tốt hơn nếu khu vực tiện đường có nhiều lựa chọn.
Với việc chọn khu vực địa lý là khu công nghiệp nhiều doanh nghiệp Nhật, Idemitsu đã bớt được áp lực cạnh tranh với các cây xăng khác.
Cạnh tranh sẽ trở nên khó hơn cho Idemitsu nếu mở cửa hàng ở trên một con đường nào đó.
Chọn nơi đông người để cung cấp dịch vụ khi mới gia nhập thị trường. Khi sản phẩm không có nhiều khác biệt hoặc rất khó để người tiêu dùng nhận biết được thì dịch vụ khác biệt và được nhiều người biết đến thì sẽ là điểm cộng tốt.
Như Idemitsu, một khi cây xăng này được đám đông người tại khu công nghiệp tin dùng thì cùng danh tiếng tạo lập được sẽ rất dễ thành công khi tiếp cận khu vực mới.
Điều mà Idemitsu phải làm là đừng đánh mất nhanh chóng sự khác biệt của mình và đừng để đám đông mất thiện cảm.
Phương Chi (Trí thức trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.