Chuyển giao kế nghiệp tại các doanh nghiệp gia đình đang là vấn đề khiến thế hệ tạo lập doanh nghiệp (F1) đau đầu. Làm sao để chuyển giao thành công cho các thế hệ F2, F3...? Làm cách nào để thổi bùng ngọn lửa kinh doanh của các thế hệ sau mới là điều quan trọng, khi ấy doanh nghiệp mới phát triển bền vững và ngày một lớn mạnh.

Ảnh minh họa

Con số đưa ra tại "Diễn đàn doanh nghiệp gia đình Việt Nam 2019: Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công" ngày 25/6 cho thấy, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm mã bluechips trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Vietjet, Thành Thành Công, Kido...

Chỉ 30% doanh nghiệp chuyển giao thành công

Song theo ông David Tay, Giám đốc Phát triển kinh doanh, PwC Malaysia & Việt Nam, doanh nghiệp điều hành ở thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai thường là giai đoạn doanh nghiệp có doanh thu cao nhất. Tuy nhiên, xu hướng giảm dần từ thế hệ thứ ba, thứ tư trở đi. Một nghiên cứu khác của PwC cũng cho thấy điểm tương tự, chỉ 30% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ hai, chỉ 12% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ ba và chỉ 3% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ tư.

Tiến hành khảo sát về kế hoạch của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam trong thời gian tới của tổ chức này cũng chỉ rõ, chỉ 57% doanh nghiệp sẽ có kế hoạch bàn giao trong 10 năm tới.

Bà Vũ Thị Mai, Tổng giám đốc Công ty đồ gỗ kỹ nghệ Hướng Mai chia sẻ, bản thân bà tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao quyền lực cho con trai nhưng điều bà nhận thấy, thế hệ bà có những nhiệt huyết, tình yêu nghề và cố gắng đưa được những sản phẩm mang tính văn hoá truyền thống vào sản phẩm của doanh nghiệp , nhưng nhiệt huyết này chưa được truyền sang thế hệ F2.

Tương tự, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Hà chia sẻ, Hoàng Hà đang gặp phải khó khăn trong việc chuyển giao kế nghiệp. "Trước đó, tôi đã dự định chỉ điều hành tập đoàn đến 60 tuổi sau đó sẽ nghỉ hưu. Tuy nhiên, năm nay 60 tuổi nhưng việc chuyển giao vẫn khó khăn, tiến trình chuyển giao dường như đang bị chậm lại", ông Thể cho biết.

Cả con trai và con gái ông Thể đều đi du học tại nước ngoài trong các ngành tài chính và marketing. Khi tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp, con trai phụ trách hoạt động tài chính rất tốt, song khi tham gia vào hoạt động quản trị thì lại khó khăn. Bởi vì những kinh nghiệm học được ở nước ngoài nếu áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc vào người lao động Việt Nam thì họ sẵn sàng bỏ và không hiệu quả.

Doanh nghiệp như gia đình mở rộng

Để thành công trong doanh nghiệp gia đình, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, quản trị doanh nghiệp là yếu tố quyết định. Phải xây dựng được quản trị chuyên nghiệp, không thể gia đình trị và tình trị mà phải kỹ trị, phải có quản lý chuyên môn chuyên nghiệp. Khi tuyển dụng các thành viên gia đình vào các vị trí quản trị phải nghiêm ngặt như tuyển dụng các nhân sự bên ngoài.

"Thậm chí, nếu thành viên gia đình không đảm bảo năng lực quản trị hoàn toàn có thể tuyển dụng nhân sự quản trị từ bên ngoài", ông Lộc nói.

Hơn nữa, theo ông Lộc, kế nghiệp vốn là sự kế thừa và tiếp tục, nhưng kế nghiệp hiện nay không còn đơn giản như vậy, kế nghiệp phải là sự kế nghiệp sáng tạo. Trong quản trị doanh nghiệp các doanh nghiệp gia đình hãy quan niệm doanh nghiệp như gia đình mở rộng, những người làm thuê cũng như người trong gia đình, gia đình hoá công ty tức là xây dựng văn hoá công ty như xây dựng văn hoá gia đình. Phải xây dựng được mô hình quản trị đối xử với các thành viên và khách hàng như gia đình, phải quan tâm tới người lao động, khách hàng như anh em trong gia đình. Đây là công thức thành công.

Ông David Tay cho rằng, yếu tố dẫn đến thành công khi xây dựng kế hoạch chuyển giao, trước hết thế hệ thứ nhất phải xác định được họ muốn để lại gì, chuyển giao như thế nào cho thế hệ thứ hai? Phải xác định được một kế hoạch chuyển đổi lãnh đạo. Đồng thời, có đội ngũ cố vấn phù hợp để việc chuyển giao được dễ dàng hơn.

Ngược lại, thế hệ kế cận cần xác định được điều gì chờ mình ở phía trước, ai là người được kế nghiệp. Thế hệ kế nghiệp thứ hai cần được trao đổi với thế hệ thứ nhất để nhận thấy rằng quan điểm và suy nghĩ của mình được lắng nghe. Thế hệ kế nghiệp thứ hai cần hệ thống tư vấn pháp lý và thuế tốt để tiết kiệm thời gian.

Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn May Hồ Gươm chia sẻ, thế hệ F2 đã bị áp lực quá lớn nhưng nhiều khi thế hệ F1 không hiểu. "Tôi cho rằng việc F2 phải nhận chuyển giao và quản lý một khối tài sản hàng trăm, hàng tỷ đồng và thậm chí lớn hơn nữa sẽ là áp lực hơn rất nhiều so với thế hệ F1 - khi đó mới chỉ quản lý vài chục triệu. Do đó, thế hệ F1 đi trước phải tin tưởng kề vai sát cánh và luôn lắng nghe".

Vũ Khuê (TBKTVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.