Đúng với lý do đến Việt Nam làm việc do hứng thú với trải nghiệm mới, ứng viên nước ngoài không thể hiện quá nhiều tham vọng được thăng tiến cao hơn khi làm việc tại đây.

Ảnh minh họa.

Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam, vừa công bố báo cáo về “Ứng viên nước ngoài: Kỳ vọng và thách thức khi làm việc tại Việt Nam”.

Báo cáo được công bố dựa trên việc phân tích kết quả của cuộc khảo sát các ứng viên đến từ nhiều châu lục khác nhau và đa dạng về ngành nghề.

Vẫn còn xuất hiện “cú sốc văn hóa” tại nơi làm việc

Báo cáo cho biết, khi được hỏi về các trải nghiệm “sốc văn hóa khi làm việc tại Việt Nam”, mặc dù tỷ lệ của hai quan điểm “có” và “không” tương đối ngang nhau. Nhưng điều này thể hiện, tỷ lệ 1/2 người đến Việt Nam làm việc vẫn trải qua cú sốc văn hóa.

60% người tham gia khảo sát cũng cho biết, họ không được tham gia khóa đào tạo dành riêng cho người nước ngoài, đây cũng có thể là lý do liên quan đến “tỷ lệ sốc văn hóa” nêu trên.

Theo khảo sát, các yếu tố dẫn đến sốc văn hóa đều liên quan đến sự khác biệt trong “hệ giá trị xã hội”.

Theo đó, top 3 các nguyên nhân chính dẫn đến sốc văn hóa được các ứng viên bình chọn lần lượt là: Rào cản ngôn ngữ (29%), Sự khác biệt giữa kỳ vọng và thực tế (môi trường, văn hóa bản địa, các mối quan hệ) chiếm 27%; Thiếu sự thấu hiểu (18%)

Khi được hỏi về định nghĩa của “sốc văn hóa”, top 3 các mô tả về vấn đề này hầu như đều liên quan đến “thiếu hụt” sự tương tác và kết nối.

Theo đó, top 3 các mô tả này lần lượt là: Khó khăn trong giao tiếp với những người khác (29%); Thiếu gắn kết với cộng đồng xã hội và sự hỗ trợ (16%); Khó khăn khi hòa nhập với môi trường mới và văn hóa bản địa (15%); Cảm thấy cô đơn và sự cô lập (cùng 15%).

Top 3 điều tốt nhất khi làm việc tại Việt Nam đều liên quan đến điều kiện sống

Khi hỏi về “điều tốt nhất khi làm việc tại Việt Nam”, top 3 các yếu tố đi đầu đều liên quan đến các điều kiện sống. Trong đó, 18% cho rằng Việt Nam cho họ có những “trải nghiệm mới trong công việc và cuộc sống”; 17% cho rằng họ có “thu nhập cao hơn (so với nước họ đang sống) và chi phí cho mức sống thấp hơn; 17% cho rằng “đất nước Việt Nam có tình trạng an toàn (về mặt địa lý và chính trị).

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, 1/2 ý kiến người nước ngoài cho biết “phong cách quản lý chỉ đạo từ trên xuống” là mô tả đúng nhất về cách Quản lý tại nơi làm việc ở Việt Nam.

Đáng lưu ý, nhóm lãnh đạo theo xu hướng mới của toàn cầu chỉ chiếm 18% ý kiến, trong đó có 10% cho rằng cũng tương tự như phong cách lãnh đạo trên toàn cầu, 8% cho rằng tại Việt Nam, người Quản lý có “phong cách lãnh đạo mang tính giao thoa văn hóa.”

Không có nhiều tham vọng thăng tiến

Khi được hỏi về lý do quyết định chuyển đến Việt Nam làm việc, 1/2 cho rằng họ chuyển sang Việt Nam do có sự hứng thú trong trải nghiệm văn hóa và môi trường làm việc tại đây, trong đó 25% cho biết họ hứng thú với văn hóa Việt Nam, 24% cho rằng họ muốn được trải nghiệm thị trường mới.

Đúng với lý do đến Việt Nam làm việc do hứng thú với trải nghiệm mới, ứng viên nước ngoài cũng không thể hiện quá nhiều tham vọng được thăng tiến cao hơn khi làm việc tại đây.

Theo đó, chỉ 1/4 cho biết họ muốn được thăng tiến cao hơn tại Việt Nam. 65% không có mong đợi thăng tiến bởi nhiều lý do khác nhau như: Hài lòng với vị trí chuyên gia như hiện tại (27%); Chỉ muốn làm việc tự do trong đa dạng lĩnh vực (15%); Không nghiêm túc với chuyện thăng tiến, vì sẽ sớm quay lại đất nước của họ (9%); Kinh nghiệm tại Việt Nam là điều kiện để thăng tiến khi quay về nước (6%).

Khi được hỏi về những thách thức cho việc thăng tiến tại Việt Nam, top 3 các lý do được ứng viên tham gia khảo sát lựa chọn nhiều nhất lần lượt là: Rào cản ngôn ngữ (34%); Chính sách ưu tiên người bản địa cho vị trí Quản lý cấp cao (24%); Thiếu sự thấu hiểu trong phong cách Quản lý tại Việt Nam (21%).

Về chế độ lương thưởng và phúc lợi, khảo sát cho thấy xuất hiện sự khác biệt giữa các “phúc lợi đặc biệt ứng viên nước ngoài đang được nhận”, và “Các phúc lợi họ nghĩ rằng quan trọng nhất”.

Theo đó, top 3 những phúc lợi đặc biệt mà họ đang nhận được nhiều nhất lần lượt là: Kinh phí cho việc dịch chuyển sang Việt Nam; Chi phí cho nhà ở; Hỗ trợ chi phí khi về nước.

Tuy nhiên, khi được hỏi đâu mới là phúc lợi quan trọng nhất, thì top 3 lần lượt là: Phúc lợi về sức khỏe (khám bệnh định kỳ, chi phí tham gia dịch vụ thể thao,…); Nghỉ phép có lương (Nghỉ phép hàng năm, việc cá nhân, làm việc tại nhà,…) và Chi phí nhà ở.

Thang điểm đánh giá về mức độ hài lòng chung của ứng viên nước ngoài đạt ở mức 3,5/5. Trong đó, chiếm 56% cho rằng họ hài lòng ở các mức độ khác nhau. Có 17% cho rằng họ cảm thấy thất vọng ở mức độ khác nhau. Các chế độ phúc lợi chi tiết đều được đánh giá ở mức hài lòng hoặc trên hài lòng.

Mặc dù đạt được sự hài lòng đối với các chính sách đãi ngộ và phúc lợi, khi so sánh với chế độ tại quê nhà thì có đến 53% cho rằng đất nước của họ vẫn có chính sách tốt hơn. Có 26% cho rằng các chính sách tại Việt Nam tốt hơn, 19% cho rằng không có sự khác biệt.

Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám Đốc của Navigos Group Việt Nam chia sẻ: “Trong cuộc cách mạng 4.0, nếu như chúng ta luôn hướng đến tạo ra “môi trường làm việc đa dạng hóa” và xây dựng một “nền văn hóa doanh nghiệp giao thoa”, thì việc có một đội ngũ ứng viên cấp cao người nước ngoài là điều nên cân nhắc cho doanh nghiệp.

Tôi tin rằng đây cũng là bước đệm đưa Việt Nam lĩnh hội tốt hơn “phong cách lãnh đạo toàn cầu”, đồng thời giúp các doanh nghiệp FDI nhanh chóng hòa nhập và phát triển bền vững khi đầu tư tại Việt Nam, bởi sẽ không còn bất cứ rào cản nào về văn hóa hay phong cách làm việc trong thời kỳ chuyển đổi số”.

Linh Linh (BL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.