Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên trong phiên giao dịch ngày 31/12, khép lại năm tệ hại nhất ở Phố Wall kể từ 2008 - giai đoạn cao điểm của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Những mối lo mà giới đầu tư chứng khoán Mỹ phải đối mặt trong năm nay rất đa dạng, từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, lãi suất tăng, tín hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế, bấp bênh chính trị ở Washington, và khả năng suy giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.

"Thời điểm đầu năm, nhà đầu tư cảm thấy chẳng có gì phải lo. Thị trường lúc đó biến động yếu. Nhưng mọi chuyện nhanh chóng thay đổi vì chiến tranh thương mại và lãi suất tăng. Mọi người bắt đầu điều chỉnh trạng thái và sóng gió bắt đầu xuất hiện", nhà quản lý danh mục cấp cao Thomas Martin thuộc Global Investments nhận xét về chứng khoán Mỹ 2018 trong cuộc trao đổi với hãng tin Reuters.

Tháng 12 vừa qua là một tháng đặc biệt khó khăn đối với chứng khoán Mỹ. Chỉ số S&P 500 đã có tháng 12 tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái 1931, trong khi chỉ số Nasdaq rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) - giảm 20% từ mức đỉnh gần nhất. Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm khoảng 9% trong tháng, Reuters cho hay.

Bước sang năm 2019, nhà đầu tư ở Phố Wall hy vọng sẽ có được câu trả lời cho những câu hỏi lớn bủa vây thị trường trong năm nay, như đàm phán thương mại Mỹ-Trung, đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, ảnh hưởng kinh tế của việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit…

Năm nay, "nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều đến lợi nhuận doanh nghiệp, điều gì sẽ tới trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, và những tín hiệu từ FED", ông Martin nhấn mạnh.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018, những hy vọng mới về giải pháp cho chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giúp các nhà đầu tư ở Phố Wall có chút lạc quan. Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Donald Trump nói rằng cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra suôn sẻ.

Khối lượng giao dịch của phiên này giảm xuống mức thấp do nhiều nhà đầu tư đã đóng trạng thái để đi nghỉ đón năm mới. Ngoài ra, giới đầu tư cũng thận trọng khi tình trạng đóng cửa một phần của Chính phủ Mỹ đã bước sang ngày thứ 10.

Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 1,15%, đạt 23.327,46 điểm. S&P tăng 0,85%, đạt 2.506,85 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,77%, đạt 6.635,28 điểm.

Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 đều chốt phiên cuối năm trong trạng thái tăng. Mặc dù vậy, tính cả năm, chỉ có hai nhóm cổ phiếu là y tế và dịch vụ tiện ích tăng điểm.

Giảm mạnh nhất trong năm là các nhóm năng lượng, nguyên vật liệu cơ bản, dịch vụ truyền thông, công nghiệp, và tài chính, với mức giảm dao động từ 14,7-20,5%.

Cú giảm 20,5% của cổ phiếu năng lượng trong năm nay chủ yếu do giá dầu sụt 38% kể từ đầu tháng 10 đến nay.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá phiên này nhiều gấp 2,42 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,81 lần.

Có tổng cộng 7,46 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 9,22 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Tính chung cả năm, S&P giảm 6,2%, Dow Jones giảm 5,6%, và Nasdaq giảm 3,9%. Đây là mức giảm mạnh nhất của ba chỉ số kể từ năm 2008, năm mà mức giảm tương ứng của ba chỉ số là 38,5%; 33,8%; và 40%.

Năm nay là năm giảm đầu tiên trong 3 năm của S&P 500 và Dow Jones, đồng thời khép lại chuỗi 6 năm tăng liên tiếp của Nasdaq.

Trong quý 4, S&P và Nasdaq giảm tương ứng 13,97% và 17,5%, đánh dấu quý tệ nhất kể từ quý 4/2008. Dow Jones giảm gần 12%, chốt quý tệ nhất kể từ quý 1/2009.

Bình Minh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.