Cà chua của nông dân Lâm Đồng ế ẩm đến mức đổ ra đỏ cả đường - một thảm trạng như đã từng xảy ra với dưa hấu, vải, ngô và nhiều thứ khác.

Ảnh minh họa

Khoảng 4.000 ha cà chua với sản lượng khoảng 160.000 tấn/vụ tại Lâm Đồng đã tới mùa thu hoạch hiện giá rớt chỉ còn 500- 1.500 đồng/kg.

Tại huyện Đơn Dương, vùng trồng cà chua lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với khoảng 3.000 ha, người dân đang phải đem cà chua đổ bỏ cho bò, heo ăn thay bữa vì thương lái trả giá rẻ không đủ tiền thuê nhân công. Nhiều nông dân không đủ kiên nhẫn đợi thương lái mua đã phải phá bỏ cho kịp vụ nông sản mới.

Trước tình trạng này, một nhóm tình nguyện viên ở TP HCM đã lập kế hoạch mang cà chua từ Lâm Đồng về TP HCM tiêu thụ nhằm hỗ trợ bà con nông dân. Trong khi thương lái mua với giá từ 500-1.000 đồng/kg, các tình nguyện viên đã mua giúp bà con nông dân với giá 8.000 đồng/kg, mang xuống TP bán. Và trong vài ngày qua, số lượng cà chua được tiêu thụ trong dự án phi lợi nhuận vì cộng đồng này đã lên tới con số gần 800 kg.

Sự hưởng ứng của những người mua cà chua là một nghĩa cử đẹp của cộng đồng, làm ấm áp lòng người, rất đáng được khuyến khích. Nhưng nghĩa cử dù có cao đẹp mấy cũng không phải là cách để cứu nông dân ra khỏi những khó khăn khi sản phẩm không tiêu thụ được. Với 4.000 ha cà chua, sản lượng 160.000 tấn thì nông dân Lâm Đồng không thể cậy vào lòng tốt. Số lượng cà chua tiêu thụ qua các nhóm tình nguyện quá nhỏ bé so với sản lượng hiện có. Và cho dù người mua giúp có tham gia đông đảo hơn, cũng không thể xem đó là “chiến lược” mà chỉ là giải pháp tình thế.

Chiến lược sản xuất và tiêu thụ nông sản không phải từ cá nhân từng người nông dân hay hộ nông dân, mà thuộc về bàn tay thiết kế vĩ mô. Tính toán, hoạch định và hướng dẫn nông dân nuôi trồng các sản phẩm phù hợp với thị trường, hạn chế tối đa tình trạng đổ cho bò ăn là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, công thương... Tuy nhiên, dường như, người nông dân VN chưa có được sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả từ trí tuệ của nhà quản lý. Một đất nước có tới 70% dân số làm nông nghiệp mà hầu như toàn tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu định hướng, thiếu sự đỡ đầu từ các cơ quan chuyên môn. Tái cơ cấu nông nghiệp xem ra vẫn là khái niệm trên giấy, chưa đến được những cánh đồng... Thực tế, chuyện cà chua không phải sự lạ, trước đó nông dân ở Đồng Tháp đổ bỏ bắp cải, nông dân Bình Thuận đổ bỏ thanh long, nông dân Vĩnh Phúc, Hà Nội đổ bỏ sữa bò tươi... tất cả chỉ vì nguyên nhân giá rẻ mạt, không có nơi tiêu thụ. Mà một trong nguyên nhân của nguyên nhân này là cà chua, thanh long... hay nói chung là nông sản từ Trung Quốc tràn vào thị trường VN. Nông sản Trung Quốc giá rẻ nên tiêu thụ tốt. Cũng không thể trách được người tiêu dùng, bởi vì thật khó để phân biệt đâu là cà chua, thanh long... của ta, đâu là cà chua, thanh long... Trung Quốc.

Những người có trách nhiệm của ngành Nông nghiệp, Công thương đang đứng ngoài cuộc để nhìn cà chua đổ ra đường không biết có chua xót trong lòng và nhìn ngắm trách nhiệm của mình, hay là cho rằng đó là quy luật của thị trường.

Đúng là thị trường có quy luật của nó, cho nên mới cần các ngành quản lý tìm ra quy luật, dự báo quy luật để giúp nông dân nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm. Nhưng dường như quy luật ấy đang ngày càng... chống chếnh...

Quang Minh (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Vườn cà chua được trồng từ sữa và trứng gà

    Vườn cà chua được trồng từ sữa và trứng gà

    19/08/2016 11:15 AM

    Bán ra thị trường với giá khá cao nhưng sản phẩm cà chua được trồng bằng sữa, trứng gà và mật mía của chị Thủy (Lâm Đồng) luôn cháy hàng.

  • Bà chủ vườn cà chua khổng lồ chuyển sang trồng rau thủy canh

    Bà chủ vườn cà chua khổng lồ chuyển sang trồng rau thủy canh

    27/06/2015 9:29 AM

    Nổi tiếng với những cây cà chua 1kg mỗi trái ở Đà Lạt, bà Phạm Thị Cúc đang thành công cùng vườn rau xà lách 18 giống khác nhau canh tác bằng phương pháp thủy canh hồi lưu theo tiêu chuẩn châu Âu.

  • Chua xót... cà chua

    Chua xót... cà chua

    25/10/2014 6:50 PM

    Cà chua của nông dân Lâm Đồng ế ẩm đến mức đổ ra đỏ cả đường - một thảm trạng như đã từng xảy ra với dưa hấu, vải, ngô và nhiều thứ khác.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.