Nặn cho ra hình tượng một chủ doanh nghiệp ở xứ này xem vậy mà rất khó.

Ở những chỗ khác, lãnh đạo công ty dù được gọi theo cách nào đi nữa cũng đều có dáng dấp của một nhà quản trị. Ở xứ tôi, người ta gọi bằng nhiều danh từ lắm: nào là “ông chủ”, “sếp”..., cũng đôi khi được gọi là “nhà quản trị” nhưng chỉ trong mấy trang sách giáo khoa và trên vài tờ báo chuyên ngành.

Đúng thế thật! Ở nơi khác, để làm sếp hay chủ doanh nghiệp, điều kiện tiên quyết là ông ấy phải biết tổ chức, là người lường và ra quyết định cho cấp dưới thực hiện theo một kế hoạch phát triển kinh doanh chung, ai có việc của người nấy theo quy trình định sẵn để làm sao cả sếp lẫn lính kiếm tiền trả lương cho chính mình.

Còn hình dong ông chủ ở xứ tôi thì như món gỏi trộn hay như một mảnh vườn tạp, thứ gì cũng có, nhập nhằng, đố ai tìm ra một món chính để định hình cho được.
Không ít ông chủ hay sếp của những doanh nghiệp do bản thân mình gầy dựng nên hay đi làm thuê đều ít có thiên hướng trở thành nhà tổ chức công việc mà chủ yếu thích sai khiến, ít tin tưởng cấp dưới, đối phó với hoàn cảnh...

Các sếp ở doanh nghiệp nhà nước thì sau một thời gian dài phấn đấu để thành cây đa cây đề hay nhờ có chỗ dựa lưng, không ít người càng ngày càng gia trưởng, làm theo ý riêng vì cái ghế của mình hơn vì bất cứ cái gì khác. Không thấy mỗi khi sếp vừa bước chân vào cửa thì từ anh bảo vệ đến nhân viên các phòng ban đều gọi bằng chú, bác hay cô, dì cả đó sao!

Có nhiều vị khi trèo lên được ghế giám đốc rồi, tự nhiên thấy mình thành quan trọng, và rồi hết thảy mọi chuyện quanh ông ta đều trở nên quan trọng. Dưới mắt “ngài” cái gì cũng được cho là bí mật và ngài cố giữ lấy cho mình. Máu giấu nghề, giấu việc truyền kiếp trỗi lên như mấy thầy lang xưa giữ mấy công thức thuốc Nam thường thức, hay chị bán bánh bèo Huế rịt chặt cách đổ bột gạo vào khuôn vậy..., và từ đó, mối giao tiếp với nhân viên ngưng bặt.

Khó kiếm một người sếp cho ra sếp ở xứ này là thế! Không mấy ai chịu theo một quy trình làm việc rõ ràng dù rất mạnh miệng bảo ban cấp dưới phải làm cái này cái kia sao cho có tổ chức, có kỷ luật...

Cũng khó trách vì môi trường kinh doanh tù mù, khung pháp lý nhập nhằng, thủ tục hành chính rườm rà, có thể bị nhũng nhiễu bất kỳ lúc nào nên ý định của các nhà quản trị khó đi đến kết quả mong muốn. Không phải sao khi các doanh nghiệp, và cả xã hội, thường đặt chuyện công đức thiện nguyện, của một doanh nghiệp vinh dự hơn cả nghĩa vụ đóng thuế. Có ai tìm ra được chỗ nào lạ như thế chăng?

Quả thật, có khi ông chủ này khá trong khâu tổ chức và ra quyết định nhưng không được đánh giá cao. Nhiều người vẫn thích gọi ông chủ kia tốt vì có lòng từ tâm, bà sếp nọ xấu vì ngạo mạn, keo kiệt...

Trong một môi trường kinh doanh mà thể chế thiếu rõ ràng, quy trình lại phập phù chín phương mười hướng, các kiến thức quản trị, các hiểu biết về tài chính, tiếp thị, quản lý nhân sự, công việc... thường không được quan tâm đúng mức. Đó là chưa nói đến khả năng nối kết, giao tiếp, trao đổi thông tin giữa lãnh đạo và nhân viên để khả dĩ đi đến quyết định đúng đắn; khả năng đàm phán hợp đồng, vốn liếng ngoại ngữ để thực hiện giấc mơ ra biển lớn, toàn cầu hóa..., những thứ mà các sếp tưởng đã đủ khi lấy xong bằng đại học hay khi đã yên vị trên ghế giám đốc. Đấy như là các loại lương thực thực phẩm mà vị lãnh đạo doanh nghiệp phải gắp đũa hàng ngày.

Thật ra, đôi khi một chủ doanh nghiệp được học hành bài bản nhưng ít may mắn và không mấy thành công trong kinh doanh. Giá như có được những vị sếp vừa biết thuật quản trị kinh doanh vừa chinh phục được người khác!

Vì sao? Người thời nay có thói quen đánh giá một vị sếp “ngon lành” phải là người xuất chúng. Họ quên rằng chèo chống một con thuyền không chỉ có công của người cầm lái mà còn cả một đội ngũ tay khoát tay bươn.

Nguyễn Quang Bình (Thời Báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.