Việc Hạ viện Mỹ hủy bỏ cuộc bỏ phiếu để thông qua chương trình chăm sóc sức khỏe, chính sách đầu tiên của ông Trump kể từ khi nhậm chức do không nhận được sự đồng thuận từ các đảng viên Cộng hòa khiến giới đầu tư thất vọng.
Giới đầu tư đang chờ đợi cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ về chính sách đầu tiên của Tổng thống Trump
Đang có đà phục hồi tốt khi phần lớn thời gian trong phiên, phố Wall dao động trong sắc xanh, nhưng về cuối phiên, thông tin các nhà lập pháp hoãn bỏ phiếu để thông qua dự luật chăm sóc sức khỏe mới mà Tổng thống Donald Trump trình để thay thế Obamacare đã khiến giới đầu tư thất vọng, đẩy các chỉ số đảo chiều giảm trở lại.
Theo kế hoạch, dự luật này sẽ được Hạ viện Mỹ bỏ phiếu vào thứ Năm, nhưng đã bị hủy khi không tìm được sự ủng hộ lớn từ các đảng viên Công hòa để vượt qua. Theo thông tin mới nhất, Hạ viện sẽ tiếp tục bỏ phiếu vào thứ Sáu, nhằm loại bỏ hẳn chương trình Obamacare, nhưng không biết dự luật chăm sóc sức khỏe mới có được trình hay không.
Kết thúc phiên 23/3, chỉ số Dow Jones giảm 4,72 điểm (-0,02%), xuống 20.656,58 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,49 điểm (-0,11%), xuống 2.345,96 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,95 điểm (-0,07%), xuống 5.817,69 điểm.
Trong khi đó, thông tin về việc các ngân hàng đã cho vay tới 233,5 tỷ euro trong 4 năm đầu tiên thực hiện chương trình kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cao hơn nhiều so với con số dự đoán 125 tỷ euro, giúp chứng khoán khu vực khởi sắc trở lại.
Kết thúc phiên 23/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 15,99 điểm (+0,22%), lên 7.340,71 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 135,56 điểm (+1,14%), lên 12.039,68 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 38,06 điểm (+0,76%), lên 5.032,76 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường chính trong khu vực đã phục hồi trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản phục hồi nhờ đồng yên giảm trở lại, bù đắp cho mối lo về bê bối chính trị liên quan đến vợ Thủ tướng Abe. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm nhờ nhóm cổ phiếu bất động sản, nhưng đà tăng bị hãm lại rất nhiều do nhóm bluechip công bố kết quả kinh doanh thất vọng.
Kết thúc phiên 23/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 43,93 điểm (+0,23%), lên 19.085,31 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 7,29 điểm (+0,03%), lên 24.327,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,33 (+0,10%), lên 3.248,55 điểm.
Sau chuỗi tăng liên tiếp, lên mức cao nhất 3 tuần, giá vàng đã bị chốt lời nhẹ trong phiên thứ Năm nên đảo chiều giảm nhẹ. Tuy nhiên, giá vàng vẫn có những thông tin hỗ trợ để có thể bật tăng trở lại. Cụ thể, nếu Hạ viên Mỹ không thông qua chính sách chăm sóc sức khỏe mà Tổng thống Trump đệ trình, đồng USD có thể sẽ giảm mạnh khi giới đầu tư cho rằng, các chính sách kinh tế khác của ông Trump cũng không dễ dàng được thông qua. Khi đó, vàng sẽ là nơi trú ẩn đầu tiên được giới đầu tư tìm đến và sẽ có động lực lớn để bứt phá.
Kết thúc phiên 23/3, giá vàng giao ngay giảm 3,6 USD (-0,29%), xuống 1.244,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 giảm 2,5 USD (-0,2%), xuống 1.247,2 USD/ounce.
Lo ngại về nguồn cung tăng sau dữ liệu hàng tồn kho của Mỹ được công bố trước đó, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh và xuống mức thấp nhất 4 tháng trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, về cuối phiên, giá dầu đã phục hồi trở lại nhờ lực cầu bắt đáy, giúp đà giảm bị hãm lại rất nhiều.
Kết thúc phiên 23/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,34 USD/thùng (-0,71%), xuống 47,70 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,08 USD (-0,16%), xuống 50,56 USD/thùng.
ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.