Đang có những nhà đầu tư ngần ngại ra quyết định do nhìn thấy sự phức tạp của thị trường startup cũng như rào cản từ các chính sách trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Theo Topica Founder Institute, năm 2017, có 92 startup Việt Nam gọi được vốn đầu tư, với hơn 290 triệu đô la Mỹ, tăng tới 85% về số thương vụ và 42% về giá trị so với năm 2016.

Số lượng các startup tại Việt Nam đã tăng gần 8 lần trong 6 năm qua, từ khoảng dưới 400 doanh nghiệp trong năm 2012 lên tới 3.000 doanh nghiệp năm 2017.

Dưới đây là những quan điểm của ông Jouko Ahvenaine - Chủ tịch GrowVC Group (công ty nổi tiếng thế giới về các sáng kiến Fintech) về vấn đề đầu tư cho startup tại Việt Nam

- Theo kinh nghiệm của ông, Chính phủ đóng vai trò gì trong hỗ trợ tài chính cho các startup?

Tôi nghĩ, quan trọng nhất, Chính phủ cần đưa ra những cơ chế hỗ trợ tài chính cho startup, tạo dựng hệ sinh thái để khơi thông nguồn vốn tư nhân.

Kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái và cơ chế tài chính cho khởi nghiệp, chương trình IPP2 (Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2, IPP2 - Innovation Partnership Program) cho thấy, Chính phủ Việt Nam không nên can thiệp sâu vào việc chọn startup để đổ vốn.

- Nhưng tiền của Nhà nước vẫn quan trọng?

Dùng tiền thế nào mới là quan trọng nhất. Tại nhiều quốc gia, tiền từ ngân sách, theo nhiều cách khác nhau, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển hệ sinh thái, hỗ trợ tài chính cho startup. Sẽ rất phức tạp nếu tiền được cho không và đây không phải là cách để tạo động lực cho thị trường.

Tôi cho rằng, kết hợp giữa nguồn ngân sách và vốn tư nhân để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ giúp phát triển kinh tế và nhiều việc làm hơn.

Ông Jouko Ahvenaine - Chủ tịch GrowVC Group

- Theo ông, bất cập lớn nhất trong gọi vốn cho startup tại Việt Nam là gì?

Không có nhiều người có kinh nghiệm đầu tư vào startup đang là một vấn đề của Việt Nam. Trong khi đó, việc đánh giá doanh nghiệp để hiểu họ và đưa ra hỗ trợ đúng mức lại gần như một bí quyết. Việt Nam đang xem xét cơ chế tài chính cho doanh nghiệp, không chỉ cho startup mà còn là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thế nhưng, khi nói về startup, người ta chỉ đề cập đến Silicon Valley, những công ty nhận được hỗ trợ hàng trăm triệu đô la Mỹ. Trên thực tế, không phải tất cả đều như vậy, có nhiều mô hình khác, nhiều cách tiếp cận tài chính khác, không bao giờ có duy nhất một mô hình hỗ trợ tài chính.

- Như ông nói, Chính phủ cần tạo dựng hệ sinh thái, nhưng Việt Nam đang ở cấp độ nào của một hệ sinh thái hoàn chỉnh?

Có rất ít hệ sinh thái hoàn chỉnh trên thế giới. Việt Nam đang đi đúng hướng, có nhiều startup hấp dẫn, yếu tố quan trọng trong một hệ sinh thái. Nhưng hệ sinh thái của Việt Nam mới phát triển ở mức sơ khai, còn nhiều việc phải làm để có được hệ sinh thái hoàn chỉnh.

- Theo kinh nghiệm của ông, Chính phủ Việt Nam phải làm gì để có được một hệ sinh thái đủ sức khơi thông các dòng vốn?

Không chính phủ hay doanh nghiệp nào có thể buộc hệ sinh thái phát triển. Nhưng chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh, tạo ra cơ chế chính sách cởi mở, hệ thống dữ liệu minh bạch, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Một điểm cần lưu ý, nhiều nhà đầu tư trên thế giới nhận định thị trường khởi nghiệp Việt Nam là hấp dẫn, nhưng lại ngần ngại ra quyết định đầu tư.

Họ đã nhìn ra sự phức tạp của thị trường với quá nhiều rào cản từ các quy định pháp lý. Do đó, những yếu tố tiềm năng của thị trường là quan trọng nhưng chưa đủ để các nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư, cho vay.

Việt Nam phải có môi trường đầu tư minh bạch và hệ sinh thái mở, không chỉ để đầu tư mà nhà đầu tư còn rút vốn về nước sau khi thành công tại Việt Nam.

Việt Nam cũng có thể tận dụng công nghệ Fintech để xây dựng mô hình tài chính và hệ sinh thái khởi nghiệp. Việt Nam cũng có thể tham khảo mô hình bảo lãnh, nơi tạo ra các khoản vay bảo lãnh từ những đối tác tư nhân, nó dễ dàng hơn cho ngân hàng và đối tác khi vay.

Mô hình này không cần nguồn vốn trực tiếp từ nhà nước, nhưng cần chính phủ đưa ra cơ chế hỗ trợ khu vực tư nhân hoạt động hiệu quả.

- Cảm ơn ông!

Thanh Huyền (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.