Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, ông Trương Gia Bình cho rằng thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay chính là năng lực phòng ngừa rủi ro. Do vậy, khi đối mặt với khủng hoảng, doanh nghiệp dễ bị tổn thương.

Khủng hoảng kinh tế đang làm thay đổi nhiều mặt trong đời sống kinh tế, xã hội trên toàn thế giới và là nỗi lo sợ của hàng triệu doanh nghiệp. Hàng nghìn tỷ USD đã “biến mất” kèm theo tình trạng thất nghiệp, phá sản... liên tục tăng cao. Tuy nhiên, khủng hoảng cũng là thời điểm để Procter & Gamble (P&G), General Electric (GE),Federal Express (FedEx), IBM… bắt đầu và thành công như ngày nay.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT.

Khủng hoảng là hệ quả tất yếu của một thời kỳ dài nền kinh tế phát triển kinh tế theo theo phong trào. Đó là thời điểm mà người người làm kinh doanh, nhà nhà làm kinh doanh. Cơ hội kinh doanh nhiều, lợi nhuận cao, đặc biệt là từ các hoạt động đầu cơ khiến doanh nghiệp bị cuốn theo trào lưu, đầu tư vào những hoạt động mang tính rủi ro mà quên đi mất những yếu tố nền tảng, những giá trị cốt lõi của mình.

Những yếu kém trong hệ thống quản trị đã tích lũy từ lâu, cộng với ảnh hưởng suy thoái của nền kinh tế thế giới, khiến nhiều doanh nghiệp bị “càn quét” trước cơn bão. Con số hàng chục nghìn doanh nghiệp Việt Nam giải thể, phá sản, ngừng hoạt động trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng nhất của việc này.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay chính là năng lực phòng ngừa rủi ro. Muốn phòng ngừa rủi ro tốt cần quản trị công ty tốt, cơ cấu lại hệ thống quản trị để quay về với giá trị cốt lõi.

Tiến sĩ Patrick Dixon.

Định hình xu hướng sau khủng hoảng là điều rất quan trọng để nắm bắt cơ hội kinh doanh, để đưa ra một tầm nhìn dài hạn và chắc chắn. Những thứ đang thực sự thay đổi trong khủng hoảng toàn cầu là gì? Có sự thay đổi căn bản nào đó đang xuất hiện? Liệu việc kinh doanh của bạn có hồi phục, hay liệu thế giới đã tiến lên nhanh hơn bạn và bạn đang tụt lại phía sau?

Tiến sĩ Patrick Dixon, một trong những bộ óc quản trị hàng đầu thế giới, người được Wall Street Journal đánh giá là nhà tương lai học hàng đầu thế giới cho biết: “Mọi công ty thành công đều dành một lượng lớn thời gian để tư duy về tương lai, làm rõ các xu hướng, dự đoán những điều khách hàng muốn và đối thủ sẽ hành động ra sao.

Theo Tiến sĩ Patrick Dixon, hầu hết những xu hướng chính yếu nhất trên thế giới đều có thể dự đoán một cách tương đối dễ dàng, thay đổi tương đối chậm và sẽ ngự trị trong cuộc sống tương lai của chúng ta. Và nhiều xu hướng thay đổi nhanh cũng có thể dễ dàng theo sát, ví như sự phát triển nhanh của các cộng đồng mạng như Facebook hay Twitter. Các cộng đồng mạng đều phát triển rất nhanh nhưng chúng đều vẫn đã ở đó cho tất cả chúng ta có cơ hội nắm bắt trong một vài năm gần đây.

Khác với sức mạnh, thể hiện qua doanh số, thị phần, thương hiệu, tiềm lực tài chính... sức khỏe doanh nghiệp thể hiện qua hệ thống quản lý, nguồn nhân lực và môi trường bên trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp mải mê chạy theo doanh số, lợi nhuận, quên mất việc xây dựng nền tảng sức khỏe cho mình. Hệ thống quản lý rời rạc, thiếu tính hệ thống, nguồn nhân lực yếu kém, không theo kịp với sự phát triển của doanh nghiệp, môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp có nhiều bất cập, chiến lược kinh doanh được xây dựng tự phát theo cảm tính…

Trong khi thị trường tài chính chao đảo vì rơi vào suy thoái, nhiều doanh nhân đã chuyển hướng sang đầu tư vào tri thức, tái cơ cấu tổ chức để đón đầu khi nền kinh tế phục hồi.

“Khủng hoảng được coi là biện pháp đào thải hiệu quả để loại bỏ một số phần tử yếu kém, lạc hậu và chỉ có những gì thực sự khỏe mạnh mới có thể tồn tại. Học chính là cách duy nhất để doanh nghiệp có thể tự làm mới mình thích nghi với tình hình thực tiễn” - ông Kiều Ngọc Anh, Giám đốc Tổ hợp Thương mại Kiều Gia, học viên chương trình Mini MBA cho hay.

Theo Phương Thảo (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.