Với chiêu bài nâng trần lãi suất ngoài hợp đồng, làm giả con dấu, chữ ký, Huyền Như đã chiếm đoạt số tiền “khủng”.

Trong chiều 15/12, Tòa phúc thẩm – TAND Tối cao tại TP HCM công bố bản án sơ thẩm đối với các bị cáo trong vụ án Huyền Thị Huyền Như chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng.

Thông qua Vũ Minh Hải, Huỳnh Thị Huyền Như biết, Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank –Berjaya (SBBS) có nguồn tiền muốn gửi vào Vietinbank – Chi nhánh TP HCM.

Như đã trực tiếp gặp trao đổi về mức tiền gửi và lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm và lãi ngoài là từ 16-18%/năm. Sau đó Huyền Như đã giả chữ ký của lãnh đạo Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, đóng dấu giả để huy động 225 tỷ đồng.

Khi có tiền huy động, Như làm lệnh chi giả, ký giả chữ ký của chủ tài khoản của Tổng giám đốc Công ty SBBS và đóng dấu giả của công ty này để chiếm đoạt 210 tỷ đồng.

Huỳnh Thị Huyền Như được dẫn giải lên phòng xét xử

Cũng bằng mồi nhử về lãi suất, Như đưa ra cái giá lãi suất ngoài hợp đồng với số tiền gửi của Ngân hàng ACB sang chi nhánh Ngân hàng Vietinbank mức 3,8%-4%/năm. Huyền Như còn “chơi đẹp” khi trích ngay 10 tỷ đồng tiền lãi suất ngoài hợp đồng cho Ngân hàng ACB. Với chiêu “câu – nhử” này, Huyền Như đã chiếm đoạt của Ngân hàng ACB số tiền 719 tỷ đồng.

Chưa dừng lại, thông qua chị Nguyễn Thị Nga – nhân viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải, Huyền Như biết, các công ty “sân sau” của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải có nguồn vốn muốn gửi để kiếm tiền lời nhiều và cần gặp trực tiếp để đàm phán.

Huyền Như bàn bạc và trao đổi với Võ Anh Tuấn - Cựu Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè ra Hà Nội gặp chị Nguyễn Thị Vi Anh – Trưởng phòng nguồn vốn của Ngân hàng Hàng Hải.

Tại buổi gặp, Như giới thiệu cho mọi người biết Võ Anh Tuấn là lãnh đạo của Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Như tự giới thiệu mình tên “Quyên” – nhân viên của Vietinbank – Chi nhánh Nhà Bè.

Sau buổi gặp này, Như đã trực tiếp trao đổi với chị Nguyễn Thị Nga về các công ty gửi tiền, số tiền huy động, lãi suất từ 18%-22%. Như yêu cầu công ty mà chị Nga cung cấp là Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên cung cấp hồ sơ để Như làm thủ tục mở tài khoản tại Vietinbank – Chi nhánh TP HCM.

Sau khi nhận hồ sơ, Như lấy mẫu dấu của 3 công ty rồi làm giả, đồng thời “nhái” chữ ký của lãnh đạo Công ty Thịnh Phát, Công ty Phúc Vinh và giữ nguyên hồ sơ của Công ty Hưng Yên để mở tài khoản để sau này làm lệnh chuyển tiền giả không bị phát hiện.

Để phía 3 công ty này tin tưởng, Nhu đã đề nghị chị Nga làm hợp đồng chuyển qua hộp thư điện tử.

Sau khi có hợp đồng, Như đã thực hiện làm giả con dấu, chữ ký của lãnh đạo Vietinbank chi nhánh Nhà Bè rồi chuyển cho chị Nga để 3 công ty trên chuyển tiền.

Sau khi số tiền gần 2.500 tỷ đồng được chuyển khoản, Như tiếp tục làm giả lệnh chi, giả chữ ký của 3 giám đốc công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên để chiếm đoạt số tiền gần 1.600 tỷ đồng.

Cá nhân mất số tiền lớn nhất là bà Giã Thị Mai Hiên. Với chiêu lãi chênh ngoài hợp đồng từ 20%-100%/năm, Huỳnh Thị Huyền Như đã huy động của người phụ nữ này số tiền gần 2.200 tỷ đồng. Bà Hiên đã được Huyền Như thanh toán gần 1.900 tỷ đồng và đang chiếm đoạt của người phụ nữ này số tiền gần 275 tỷ đồng.

Ngoài các tổ chức, cá nhân nêu trên, Huỳnh Thị Huyền Như còn chiếm đoạt của Công ty Thái Bình Dương 80 tỷ đồng; Công ty Bảo hiểm toàn cầu 45,5 tỷ đồng; Công ty Phương Đông 380 tỷ đồng; Công ty An Lộc 170 tỷ đồng….

Theo bản án sơ thẩm, bằng việc làm giả con dấu, chữ ký, Huyền Như đã dùng hàng loạt thủ đoạn để chiếm đoạt một số lượng tiền khổng lồ của 3 ngân hàng; 9 công ty và 3 cá nhân để sử dụng cho mục đích cá nhân.

Bản án dài 158 trang cũng nêu lên vai trò, tội danh các đồng phạm của Huỳnh Thị Huyền Như.

Ngày 16/12, Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao sẽ tiếp tục công bố bản án sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm./.

Việt Đức (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.