Giá kit gần đây liên tục hạ, thậm chí tới 30-50% nhưng chi phí xét nghiệm Covid-19 lại chưa giảm tương ứng khiến doanh nghiệp thêm khó khăn.

Giá kit giảm, giá xét nghiệm vẫn nhảy múa

Hiện Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành 97 loại kit trong đó 35 kit xét nghiệm PCR, 39 kit xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy xét nghiệm) và 23 kit xét nghiệm kháng thể. Số kit ở Việt Nam chủ yếu được nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc, số ít từ một số nước châu Âu như Đức, Phần Lan, Pháp...

Hơn hai tháng qua, số doanh nghiệp tham gia nhập khẩu kit test Covid-19 tăng nhanh, từ hai (vào đầu tháng 7) đã lên tới 25 doanh nghiệp (cuối tháng 9).

Xét nghiệm nhanh Covid-19 tại quận Gò Vấp (TP HCM), ngày 31/8. Ảnh: Quỳnh Trần

Từ tháng 7, việc nhiều doanh nghiệp tham gia nhập khẩu cùng 5 đơn vị trong nước sản xuất được đã giúp giá mặt hàng này giảm nhanh. Cuối tháng 9, theo giá công khai của các doanh nghiệp nhập khẩu kit test nhanh kháng nguyên công bố trên cổng thông tin của Bộ Y tế, giá mỗi kit giảm từ vài chục nghìn tới gần cả trăm nghìn đồng, tuỳ loại.

Chẳng hạn, Panbio Covid-19 Ag Rapid Test Device của Hàn Quốc do Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ kỹ thuật Lục Tỉnh (TP HCM) ngày 20/9 là 125.000 đồng một test, giảm gần 40% so với giá họ công bố ngày 8/9. Tương tự, loại Standard Q Covid-19 Ag Test (Hàn Quốc) hồi cuối tháng 9 cũng giảm trên 30% so với tháng 7, về mức 158.550 đồng một test.

Còn BioCredit Covid-19 Ag (Hàn Quốc) do Công ty cổ phần Meditronic nhập khẩu và báo giá ở thời điểm 20/9 là 130.000 đồng một test, giảm 45.000 đồng mỗi test so với 11/9. Hay như Công ty Cổ phần My Solutions (Hà Nam) điều chỉnh giá từ 185.000 đồng còn 109.200 đồng một test, tương đương giảm tới 41%.

Giá kit test liên tục giảm từ tháng 7, nhưng doanh nghiệp cho biết họ phải trả chi phí xét nghiệm ở mức khá cao. Phổ giá chi phí xét nghiệm test nhanh kháng nguyên Covid-19 tại các cơ sở y tế dao động 150.000-300.000 đồng tuỳ nơi. Ngoài các địa phương - những đơn vị phải sử dụng nhiều kit cho chiến dịch tìm F0 trong cộng đồng, các doanh nghiệp chính là đối tượng tiêu thụ và trả nhiều chi phí xét nghiệm nhất, nhất là các doanh nghiệp logistics, sản xuất thực hiện "ba tại chỗ".

Một doanh nghiệp gỗ ở phía Nam phản ánh, chi phí họ chi trả để xét nghiệm nhanh cho người lao động không giảm như giá kit trên thị trường. Họ lấy ví dụ, một hợp đồng test nhanh cho hơn 1.600 người ký sau ngày 1/7 phải trả chi phí xét nghiệm với đơn giá là 326.000 đồng. Mức này gấp 1,3 lần so với giá 238.000 đồng Bộ Y tế quy định trước ngày 1/7.

"Từ cuối tháng 7 đến nay chúng tôi phải trả hai lần giá xét nghiệm ở mức 326.000 đồng. Từ tháng 8 giá xét nghiệm mới được giảm về 238.000 đồng một mẫu, như trước thời điểm 1/7", đại diện doanh nghiệp này nói với VnExpress.

Đồng thời, một doanh nghiệp sản xuất điện tử tại Vĩnh Phúc cho hay, mức chi phí xét nghiệm nhanh Covid-19 mà họ vẫn phải trả ở thời điểm tháng 9 là 270.000-280.000 đồng một test. Bình quân mỗi tháng chúng tôi phải chi thêm 3 triệu đồng một lao động, trong đó 70% là chi phí xét nghiệm.

"Giá kit test nhanh được "chào" có 80.000-90.000 đồng một test, trong khi chi phí xét nghiệm tại cơ sở y tế vẫn thu gấp 3 lần giá kit", lãnh đạo doanh nghiệp này nói.

Ai đang quản lý giá?

Theo giải thích của Bộ Y tế, "chi phí xét nghiệm" sẽ gồm giá của các kit, vật tư xét nghiệm và chi phí thực hiện xét nghiệm... Trong đó, các doanh nghiệp cung ứng kit sẽ phải công khai giá sinh phẩm này trên cổng thông tin của Bộ. Việc này theo lý giải của ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Y tế tại cuộc họp báo Chính phủ gần đây, nhằm "tạo cạnh tranh giá giữa các đơn vị".

Hiện kit test không phải mặt hàng trong diện áp giá sàn, giá trần theo các luật hiện hành nên giá theo cung - cầu. Còn với "chi phí xét nghiệm", trước ngày 1/7/2021 có quy định của Bộ Y tế là 238.000 đồng một mẫu test nhanh và 734.000 đồng một mẫu PCR. Giá này đã gồm chi phí nhân viên phục vụ, vật tư tiêu hao đi kèm, giá kit test...

Nhưng sau thời điểm 1/7, mức giá khung 238.000 đồng và 734.000 đồng này không còn. Theo giải thích của Bộ Y tế, vì sau thời điểm này, số doanh nghiệp nhập khẩu nhiều hơn và bản thân trong nước, nhiều đơn vị cũng sản xuất được kit test nhanh nên Bộ Y tế hướng dẫn "chi phí xét nghiệm" sẽ theo hình thức "thực thanh, thực chi". Tức là, giá kit sẽ theo kết quả tổ chức đấu thầu mua sắm (Theo Luật Đấu thầu) do các cơ sở y tế, bệnh viện tổ chức; còn chi phí khác (nhân công, lấy mẫu, bảo quản) sẽ không thu của người dân mà lấy từ kinh phí chống dịch của địa phương. Như vậy, chi phí xét nghiệm sẽ bằng với chi phí giá kit test.

Nhưng thực tế, như phản ánh phía trên, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn bị thu với chi phí cao rất nhiều lần. Trong văn bản phát đi cuối tháng 9 về chấn chỉnh chi phí xét nghiệm Covid-19, Bộ Y tế cũng thừa nhận một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng quy định về mức giá, chi trả xét nghiệm Covid-19. Các đơn vị này thu chưa đúng mức giá theo hướng dẫn, quy định giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 quá cao, gây bức xúc cho nhân dân, dư luận xã hội. Thủ tướng mới đây cũng yêu cầu kiểm tra, làm rõ việc giá kit xét nghiệm bị đẩy lên cao và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Bộ Y tế cho biết đã lập đoàn thanh tra, làm việc với một số địa phương để kiểm tra làm rõ và chấn chỉnh việc "loạn" giá kit xét nghiệm, chi phí xét nghiệm. Đồng thời, Bộ sẽ yêu cầu các đơn vị, địa phương giám sát chặt chẽ việc đấu thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm và thanh tra tại các cơ sở y tế.

Để đưa chi phí xét nghiệm về mức ổn định hơn, Bộ Y tế cho biết đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư hướng dẫn chi phí xét nghiệm Covid-19.

Theo dự thảo này, mức giá xét nghiệm Covid-19 gồm chi phí kit test (xác định qua đấu thầu) và chi phí lấy mẫu, bảo quản, nhân công (32.000-67.000 đồng một xét nghiệm). Nếu có bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán 80%.

Ví dụ, kit test nhanh theo kết quả đấu thầu là 135.000 đồng, tổng chi phí xét nghiệm sẽ khoảng 133.600-167.000 đồng (tùy thuộc có bảo hiểm y tế hay không), trong đó, chi phí lấy mẫu và bảo quản mẫu (32.000).

Tuy vậy, dự kiến, đầu tháng 11, thông tư này mới có thể ban hành sau khi Bộ Y tế lấy ý kiến, hoàn thiện. Chưa kể, giá kit test nhanh được các địa phương, cơ sở y tế xác định thông qua đấu thầu như thế nào lại là một ẩn số khác. Do đó, giải pháp căn cơ theo nhiều chuyên gia là đưa kit test nhanh vào diện "bình ổn giá".

Bộ Tài chính - cơ quan quản lý giá - cho biết kit test nhanh không thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá của Luật Giá hiện hành. Tuy nhiên, luật cũng có điều khoản là trong trường hợp phải điều chỉnh danh mục này, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Bộ Y tế nói sẽ đề xuất việc này và Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.