Sáng ngày 13/8, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2015".

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã khảo sát 1.600 lao động thuộc các ngành dệt may, giày da, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử tại 10 tỉnh thành với 60 DN thuộc 4 vùng lương. Kết quả cho thấy, lương cơ bản trung bình của người lao động (NLĐ) là 3.817.000 đồng/tháng. Khoảng 20% lao động trả lời không đủ sống, 31% phải chi tiêu tằn tiện, gần 41% cho biết vừa đủ trang trải và chỉ 8% có dư dật và tích lũy. Mức chi tiêu trung bình của NLĐ (có nuôi con, tại các ngành nghề, lĩnh vực khảo sát) là hơn 4,2 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014.

Muốn sống được, phải làm thêm giờ

Với mức lương đó, sau khi chi phí hàng ngày, 62% NLĐ nói không có tiết kiệm, chỉ có 8% NLĐ có tích lũy từ thu nhập hàng tháng. Cộng thêm các khoản tăng lương theo năng suất lao động, tiền hỗ trợ nhà ở, đi lại, phụ cấp… trung bình các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản chiếm từ 20 - 25%.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho hay với mức thu nhập trên, NLĐ muốn sống được phải làm thêm giờ. Tiền làm thêm chiếm khoảng ¼ thu nhập của họ. Việc làm thêm chỉ là "vạn bất đắc dĩ". Mỗi ngày NLĐ làm 8 tiếng đã rất mệt mỏi rồi, cộng thêm 4 tiếng mỗi ngày thì khó chịu đựng được.

"Ai cũng có nhu cầu riêng. Người trẻ thì hẹn hò. Người có gia đình thì phải chăm sóc. Dù có làm thêm cũng không thể kéo dài mãi. Người sử dụng lao động (SDLĐ) đòi hỏi tăng thêm giờ làm thêm lên nhiều hơn, nhưng quan điểm của chúng tôi là không đồng ý, nếu có tối đa chỉ 200 - 300 giờ mỗi năm. Thời điểm làm thêm ban đêm là lúc dễ bị tai nạn lao động, vì khi đó con người rất mệt mỏi, năng suất lao động không cao", ông Chính phân tích.

Theo đề xuất của Tổng LĐLĐ, tăng lương tối thiểu năm 2016 tương ứng với 4 vùng từ 350.000 - 550.000 đồng, đáp ứng được 89% mức sống tối thiểu của NLĐ. Theo lộ trình, đến 2017 mới đáp ứng được 100%. Điều 91 Luật Lao động 2012 quy định: "Tiền lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ". Luật có hiệu lực từ năm 2013, đến nay vẫn chưa thực hiện được, lộ trình tăng lương không thể kéo dài và trì hoãn thêm nữa.

"Về mức đề xuất tăng lương, đại diện hai bên đưa ra con số khác nhau, nhưng mục tiêu chung là tăng lương cho NLĐ. DN đều nói NLĐ là tài sản quý giá nhất. Nhưng khi đụng đến tiền lương thì lại cò kè bớt một thêm hai. Tôi cho rằng câu nói đó là hoàn toàn sáo rỗng", ông Chính nói.

Người lao động chỉ biết hy vọng

Đại diện công đoàn các KCN cho biết công nhân rất hy vọng vào đợt điều chỉnh tiền lương sắp tới. Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch công đoàn KCN và chế xuất Hà Nội, thông tin ở khu vực này có khoảng gần 300 DN với hơn 110.000 lao động. Hiện nay, lương cơ bản trong các DN thuộc KCN Hà Nội dao động 3,4 - 3,8 triệu/người. Do mức lương tối thiểu vùng thấp, các công đoàn cơ sở đã phải đàm phán thương lượng với người SDLĐ điều chỉnh tăng mức lương cơ bản, đồng thời hỗ trợ NLĐ các khoản phụ cấp như chuyên cần, nhà ở, xăng xe với mức từ 500.000 đồng đến trên 1 triệu đồng/người/tháng.

Khảo sát mức chi tiêu của công nhân lao động, cho thấy trong nhiều KCN và chế xuất ở Hà Nội hiện chưa có trường mầm non dành cho con em công nhân. Mỗi tháng, công nhân mất hơn 1 - 2 triệu đồng cho con đi nhà trẻ tư nhân. Mặc dù không muốn, nhưng nhiều công nhân phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc.

"Khi chúng tôi nói chuyện với công nhân, nhiều chị em bật khóc bởi nhớ con. Họ chia sẻ cuộc sống khó khăn, chi tiêu không đủ phải gửi con về quê. Phòng trọ hơn 10m2 thì sao dám đón mẹ ở quê lên chăm sóc. Giá sữa, bỉm tăng hàng ngày mà sao đại diện chủ SDLĐ chỉ tính chi phí cho mỗi trẻ em chỉ bằng ½ của người lớn?", ông Thắng đặt câu hỏi.

Ông Thắng dẫn chứng, hiện nay thuê 1 căn phòng rộng hơn 10m2 ở KCN Kim Chung (Đông Anh) giá hơn 700.000 đồng/tháng. Phòng chật chội, nóng nực, tiền điện công nhân phải chịu với mức phí cao nhất. Công nhân tâm sự còn phải chịu đủ thứ phí. Trong thời gian qua, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là tiền điện tăng lũy tiến đã tác động trực tiếp đến đời sống của họ.

Bà Phạm Thị Bích Hải, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH ToTo, KCN Thăng Long, cũng cho biết chia sẻ với đời sống công nhân, công ty đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cao hơn mức tối thiểu vùng được công bố, là gần 3,7 triệu đồng, điều chỉnh trượt giá theo CPI Nhà nước công bố, hỗ trợ cho công nhân nhưng vẫn không đủ sống. "Chúng tôi mong muốn lần điều chỉnh này sẽ có được một mức lương bảo đảm cuộc sống cho công nhân để họ có tích lũy. Một DN muốn phát triển tốt thì nền tảng là NLĐ", bà Bích Hải nói.

Đại diện Tổng LĐLĐ đề xuất, bộ phận kỹ thuật và các bên trong Hội đồng Tiền lương cần thống nhất lại cách tính mức sống tối thiểu, tránh mỗi bên có cách tính khác nhau dẫn đến việc không thống nhất được con số như hiện nay. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu liên quan đến đời sống NLĐ. Tránh tình trạng lương chưa tăng mà vật giá đã rục rịch leo thang.

Thành An (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.