Giới chuyên gia cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể khiến Nga phản ứng bằng cách chuyển trọng tâm công nghiệp và năng lượng sang khách hàng châu Á, như Trung Quốc hay Hàn Quốc.

Đầu tuần này, giới chức châu Âu tuyên bố sẽ trừng phạt 21 quan chức Nga và Ukraine, trong đó có đóng băng tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng và cấm đi lại. Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt tương tự với 11 quan chức chính phủ và nhà lập pháp cấp cao của Nga và Ukraine.

Tổng thống Nga - Vladimir Putin từng cảnh cáo bất kỳ nỗ lực nào gây tổn thương đến Nga cũng sẽ có tác động như một chiếc "boomerang". Phần lớn chuyên gia Nga cho rằng ít nhất thì châu Âu cũng chẳng thể chịu được việc bị cắt giảm nguồn cung khí đốt.

Quốc hội Nga đang chuẩn bị một dự luật đơn giản hóa quy trình đóng băng tài sản và tài khoản ngân hàng của người nước ngoài. Theo người soạn thảo dự luật - ông Andrei Klishas, đây là biện pháp đảm bảo "tất cả các lệnh trừng phạt đều sẽ có tác động qua lại".

Nga có thể sẽ chuyển trọng tâm hợp tác kinh tế sang châu Á nếu bị trừng phạt. Ảnh: Forbes

Trên Christian Science Monitor, các chuyên gia cho rằng nếu phương Tây làm căng về các biện pháp trừng phạt, Nga có thể phản ứng bằng cách chuyển trọng tâm công nghiệp và năng lượng sang khách hàng châu Á, như Trung Quốc. Nước này ít chỉ trích Nga về vấn đề địa chính trị hơn phương Tây.

"Thị trường năng lượng châu Á của chúng tôi đang tăng trưởng rất tốt. Cả Gazprom và Transneft đều đang xây đường ống mới đến Trung Quốc và đàm phán mở rộng đường ống dẫn khí đến Hàn Quốc. Châu Á đang là thị trường tiềm năng lớn cho Nga", Grigory Birg - nhà phân tích tại hãng tư vấn đầu tư Investcafe (Nga) cho biết.

Trên Huffington Post, Elena Ulansky - Giám đốc điều hành Plantinum Partners cũng nhận định Trung Quốc có thể tận dụng các lệnh trừng phạt của phương Tây để thắt chặt quan hệ kinh tế với Nga. Cuối năm ngoái, Nga đã ký hợp đồng 85 tỷ USD cung cấp dầu mỏ cho nước này.

Các nỗ lực của Mỹ nhằm giúp Ukraine giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga cũng sẽ đẩy nhanh thương mại giữa Nga và phương Đông. Mỹ - châu Âu từ lâu đã được coi là nơi trú ẩn an toàn cho dòng tiền từ Đông Âu. Nhưng nếu nhận thấy bất ổn, tài phiệt Nga chắc chắn sẽ chuyển hướng đầu tư sang châu Á.

Hôm qua, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố sẵn sàng hợp tác đầu tư vào Crimea sau khi tình hình trên bán đảo ổn định. Bắc Kinh còn có kế hoạch thuê khoảng 10.000 hecta đất nông nghiệp tại đây..

"Nếu châu Âu trừng phạt Nga, việc này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến chúng tôi trong dài hạn. Nhưng nó lại không hề thực tế chút nào. Ông Putin rất đúng khi nói rằng chúng ta phụ thuộc lẫn nhau, không chỉ là về năng lượng. Nga cũng nhập khẩu rất nhiều hàng tiêu dùng từ châu Âu, và các công ty châu Âu lớn sẽ phải chịu thiệt thòi khi để mất thị trường Nga", Alexei Devyatov - kinh tế trưởng tại Tập đoàn tư vấn tài chính UralSib cho biết.

Mỹ không nhập nhiều khí đốt và dầu mỏ từ Nga. Nhìn chung, nước này có ít giao dịch thương mại với Nga. Tuy nhiên, nếu trừng phạt Nga, Mỹ vẫn có thể mất mảng xuất khẩu thịt và gia cầm sang đây, trị giá 800 triệu USD năm 2013.

Ông Mikhail Krutikhin - nhà phân tích tại hãng tư vấn năng lượng RusEnergy nhận xét: "Thế giới ngày nay đâu chỉ xoay quanh châu Âu nữa, mà còn nhiều sự lựa chọn khác. Nếu tình hình chuyển xấu, chẳng ai cảm thấy dễ chịu cả. Nhưng nó sẽ khiến Nga tìm đến phương Đông nhiều hơn. Và quá trình này vẫn đang diễn tiến thuận lợi".

Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.