Không ai ngờ người “đứng mũi chịu sào” của một công trình trị giá đến 890 triệu USD là một kỹ sư mới 34 tuổi. Kỹ sư Điệp từng nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN.

Giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch hôm hạ thủy - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ngày 27-6, tại cảng hạ lưu PTSC (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), PTSC M&C (thuộc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí VN - PTSC) đã hạ thủy thành công chân đế của giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch thuộc dự án Biển Đông 1 - tổ hợp giàn khoan dầu khí lớn nhất VN tính đến thời điểm hiện nay.

Đây là dự án dầu khí ngoài khơi lớn nhất lần đầu tiên do chính các kỹ sư, người thợ VN thiết kế, thi công, là một bước ngoặt lớn trong ngành cơ khí chế tạo giàn khoan dầu khí của VN, mở ra những triển vọng mới trong tương lai. Giàn công nghệ này hoạt động ở vùng nước có độ sâu lên tới 133m.

Đằng sau thành công của dự án có tính chất bước ngoặt như vậy là cả quá trình vượt khó, đối mặt với nhiều thử thách, nhiều cái mới, thậm chí có ý kiến quan ngại. Thế nhưng bằng quyết tâm và lao động cật lực, với áp lực cao, các kỹ sư trẻ người Việt đã thành công. Phải thuyết phục rất nhiều, người “đứng mũi chịu sào” của dự án là kỹ sư Bùi Hoàng Điệp - phó giám đốc PTSC M&C, trưởng ban quản lý dự án Biển Đông 1 - mới dành cho chúng tôi vài giờ, đơn giản vì anh quá bận...

Nhận dự án từ nhiều con số 0

Kỹ sư Bùi Hoàng Điệp - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Kỹ sư Bùi Hoàng Điệp năm nay 34 tuổi, tốt nghiệp Đại học Xây dựng chuyên ngành công trình biển. Năm 2006 đảm nhiệm chức trưởng phòng thiết kế, năm 2009 làm phó giám đốc PTSC M&C. Kỹ sư Điệp đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN.

Kỹ sư Bùi Hoàng Điệp tâm sự: “Cách đây hơn hai năm, khi nhận dự án từ chủ đầu tư, chúng tôi chỉ có tinh thần quyết tâm, dám làm, dám nhận trách nhiệm. Còn lại thiếu nhiều thứ cơ bản từ hạ tầng, thiết bị máy móc đến nhân lực lẫn kinh nghiệm thiết kế, thi công những tổ hợp giàn khoan lớn”.

Vào thời điểm đó, ngay cả hạ tầng nền bãi của PTSC M&C còn không đáp ứng được yêu cầu. Với dự án Biển Đông 1, yêu cầu nền đất phải chịu tải được 50 tấn/m2 để đặt được những cần cẩu nặng có sức nâng đến gần 1.300 tấn. Đường trượt để đặt chân đế, giàn công nghệ cũng chưa có. Ngoài ra, nhà thầu còn đối mặt với những khó khăn rất cơ bản trong triển khai dự án như thiếu thiết bị, máy móc, công cụ đặc chủng. Đó là chưa kể đến tuy có hàng trăm kỹ sư nhưng chỉ 20% kỹ sư của PTSC M&C có kinh nghiệm, còn lại vừa mới ra trường hoặc ít kinh nghiệm.

“Thiếu hạ tầng, kinh nghiệm chế tạo tổ hợp giàn khoan lớn như Biển Đông 1 lại chưa có nên một số đơn vị nước ngoài từng thi công các giàn khoan tại VN nhìn chúng tôi bằng con mắt e ngại. Có người còn nói thẳng với tôi: các anh không thể hoàn thành dự án đúng tiến độ” - kỹ sư Điệp kể.

Ngay sau khi nhận dự án, PTSC M&C phải đầu tư hàng trăm tỉ đồng để gia cố nền bãi phục vụ thi công. Chỉ trong vòng bảy tháng, việc gia cố nền bãi đã hoàn thành. Và để kịp tiến độ dự án, gia cố nền bãi đến đâu ngay lập tức triển khai thi công luôn. Vào thời gian cao điểm, dự án huy động đến 3.300 con người cùng làm việc, trong khi trước đó cao nhất PTSC M&C chỉ huy động khoảng 500 người.

Khó khăn lớn nhất chính là việc điều hành triển khai dự án phải làm sao cho tất cả các khâu, các bộ phận, từ thiết kế, thi công đến đàm phán thương mại, mua sắm phải đồng bộ, khớp thời gian. Bởi có lúc chỉ một khâu của dự án chậm là hàng loạt công đoạn khác phải chờ. “Trong cả quá trình triển khai dự án, chuyện công nhân thi công trực tiếp tăng ca là bình thường. Với anh em kỹ sư, mỗi ngày phải làm việc từ 10-12 giờ. Bản thân tôi mỗi ngày bình thường phải xử lý đến 200 đầu việc, vào giai đoạn cao điểm lên tới 300-400 việc phải xử lý. Mọi trục trặc nếu anh em không xử lý được, mình phải trực tiếp đưa ra quyết định” - kỹ sư Điệp nói.

Tự hào người thợ Việt!

“Viên gạch đầu tiên tiến ra thị trường thế giới!”

Phát biểu tại lễ hạ thủy, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao việc hạ thủy chân đế giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch về tính phức tạp, đi đầu về công nghệ và quy mô của ngành cơ khí dầu khí VN. “Việc chế tạo thành công giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch là một sự kiện hết sức quan trọng, mang tính chiến lược để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước trong thời gian dài. Đây cũng là “viên gạch” đầu tiên cho việc ngành cơ khí chế tạo giàn khoan dầu khí VN tiến ra thế giới” - Phó thủ tướng khẳng định.

Thành công của dự án là sự khẳng định tay nghề cơ khí trong việc chế tạo các giàn khoan lớn của kỹ sư, công nhân Việt. Theo kỹ sư Điệp, điều quan trọng là phương thức chế tạo giàn khoan hiện nay trên thế giới cũng là phương thức mà PTSC M&C đã áp dụng với dự án Biển Đông 1. “Với thành công của dự án, ngành dầu khí VN hoàn toàn có thể tự tin để vươn ra những vùng nước sâu hơn, xa hơn tìm kiếm năng lượng” - kỹ sư Điệp khẳng định.

Với dự án Biển Đông 1, nhiều vật liệu mới lần đầu tiên được sử dụng tại VN. Điển hình là việc dùng ống thép hợp kim Alloy 625 để làm hệ thống đường ống công nghệ. Đây là hợp kim chịu được áp suất lớn, chống ăn mòn cao. Do lần đầu tiên được sử dụng tại VN nên chưa có người thợ nào được đào tạo để cắt, gọt, hàn loại vật liệu này. Do đó các kỹ sư, công nhân PTSC M&C phải tự tìm hiểu, đưa ra quy trình hàn và họ đã thành công. “Đây chỉ là một khó khăn rất nhỏ trong muôn vàn khó khăn khi thực hiện dự án mà chúng tôi đã vượt qua và thành công” - anh Điệp cho biết. Trong thương mại, mua sắm vật tư cho dự án cũng gặp không ít khó khăn, từ việc tìm nhà cung cấp đến vật tư phải đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật, thời gian để kịp tiến độ dự án bởi dự án này sử dụng nhiều vật tư, thiết bị chưa từng xuất hiện ở VN.

Trong quá trình thi công khối chân đế nặng 16.500 tấn, các kỹ sư của PTSC M&C đã tìm ra phương pháp thi công đem lại nhiều hữu ích. Đó là phương pháp hàn gắn các mặt của chân đế, rồi dùng cẩu siêu trường siêu trọng áp các mặt vào với nhau và hàn nối để tạo thành khối. Phương pháp thi công này tạo điều kiện cho công nhân không phải làm việc trên cao nhiều, tăng độ an toàn, giảm nhân lực, rút ngắn thời gian tiến độ.

Sau thành công của dự án, kỹ sư Điệp khẳng định đội ngũ công nhân, kỹ sư của PTSC M&C đã trưởng thành hơn rất nhiều. Đến nay, họ có thể tự thiết kế chi tiết. Qua dự án cũng khẳng định được tay nghề của thợ hàn, đó là tỉ lệ hàn hỏng chỉ xấp xỉ 0,3% trong khi tỉ lệ cho phép lên tới 2%. Điều trăn trở, suy nghĩ của kỹ sư Bùi Hoàng Điệp là ngành cơ khí có hàm lượng công nghệ cao của VN còn phụ thuộc vào nước ngoài. Đó chính là VN còn thiếu các ngành cơ khí phụ trợ như chế tạo van, bơm đặc chủng, bơm áp lực... Tất cả phụ kiện này đều phải nhập.

“Dự án Biển Đông 1 là dự án thử thách lòng người, thử thách trình độ chuyên môn, bản lĩnh của các kỹ sư trẻ VN. Tôi thấy rằng người trẻ phải là người dám làm, dám chịu trách nhiệm thì mới thành công. Rõ ràng nếu chúng tôi không dám nhận dự án thì bây giờ làm sao có hạ tầng, cơ sở để thi công các giàn khoan lớn tiếp theo, làm sao có kinh nghiệm và làm sao kiểm chứng được năng lực, tay nghề của đội ngũ kỹ sư, công nhân trẻ” - kỹ sư Điệp nói.

Chúng tôi tự tin hơn

Kỹ sư điện tự động Nguyễn Bảo Hoàng (29 tuổi) cho biết qua dự án, các kỹ sư trẻ của PTSC M&C đã trưởng thành, tự tin hơn rất nhiều. Đơn cử như việc họ đã thành công trong việc dùng một dây điện để truyền tải được nhiều tín hiệu. Mục đích là để tiết kiệm dây điện, tránh được sự rối nhiễu của dây trên giàn. Ngoài ra, các kỹ sư còn tự cân chỉnh, tự vận hành hệ thống điều khiển công nghệ - một việc trước đây phải gửi ra nước ngoài. “Có trường hợp đơn vị thiết kế đưa một số hạng mục không cần thiết, chúng tôi đã mạnh dạn đề nghị, thuyết phục chủ đầu tư cắt bỏ và được chủ đầu tư đồng ý, tiết kiệm được hàng triệu USD” - kỹ sư Hoàng cho hay.

Dự án Biển Đông 1 gồm nhiều hạng mục: giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch, giàn Mộc Tinh 1, Hải Thạch 1, cầu dẫn cùng với 70km đường ống, 21km cáp ngầm. PTSC M&C làm tổng thầu của dự án trên với tổng số tiền khoảng 890 triệu USD. Tổng khối lượng chế tạo, lắp đặt của dự án Biển Đông 1 lên tới 60.000 tấn, trong đó riêng chân đế giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch nặng 16.500 tấn, khối thượng tầng nặng 14.000 tấn. Để hoàn thành giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch, PTSC M&C đã dùng 11.000 bản vẽ thiết kế.

Theo Tuổi Trẻ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.