Trong cuộc điều chỉnh nhân sự nội các Nhật Bản ngày 3/8, Thủ tướng nước này Shinzo Abe đã bổ nhiệm một nhân vật thân cận theo đường lối cứng rắn vào vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giữa lúc căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng gia tăng.

Bà Tomomi Inada, tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản - Ảnh: Bloomberg.

Theo tin từ Bloomberg, bà Tomomi Inada đã nhậm chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản vào ngày thứ Tư tuần này, trong bối cảnh tranh căng thẳng quan hệ Trung-Nhật xung quanh tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và biển Đông, chưa kể vụ Triều Tiên ngày 3/8 phóng một tên lửa đạn đạo rơi cách bờ biển Nhật chỉ 250 km.

Là người phụ nữ thứ hai nắm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Nhật, bà Inada từng là một luật sư và gần đây nhất bà là người đứng đầu về chính sách của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Tuy không có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề về an ninh, bà Inada được biết đến là một nhân vật cứng rắn có thể khiến quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật - xấu đi thêm.

Năm nay 57 tuổi, bà Inada thường tới thăm đền thờ Yasukuni ở Tokyo. Đây là ngôi đền mà Trung Quốc và Hàn Quốc coi là một biểu tượng cho quá khứ quân phiệt của Nhật Bản. Bà cũng từng bị từ chối cho nhập cảnh vào Hàn Quốc khi bà tìm cách tới thăm một quần đảo nằm gần một nhóm đảo nhỏ thuộc diện tranh chấp giữa hai nước.

Tuần trước, tờ Sankei đưa tin bà Inada nói rằng một bức tượng tưởng nhớ các nạn nhân của việc lạm dụng tình dục thời chiến tranh nên được di dời khỏi khu vực bên ngoài đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul.

“Đây không thể là một dấu hiệ tích cực”, giáo sư Liang Yunxiang thuộc Đại học Bắc Kinh nhận xét về việc bà Inada trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật. “Hai nước đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh vì không tin tưởng lẫn nhau. Việc bổ nhiệm bà Inada sẽ khiến sự thiếu tin tưởng càng trở nên sâu sắc hơn”.

Tại một cuộc họp của LDP vào năm 2015, ông Abe từng so sánh bà Inada với Joan of Arc, một nữ anh hùng trong cuộc chiến của nước Pháp chống lại quân Anh vào thế kỷ 15, theo tờ báo Sankei.

Trở thành tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật, bà Inada thay thế ông Gen Nakatani, người đã thất bại trong nỗ lực giành thỏa thuận cung cấp tàu ngầm cho Australia trong năm nay. Nếu thành công, thỏa thuận này sẽ là hợp đồng quốc phòng lớn đầu tiên với nước ngoài của Nhật Bản kể từ khi Thủ tướng Abe nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí vào năm 2014.

“Vai trò của Inada sẽ phức tạp bởi quan điểm của bà ấy về quá khứ quân phiệt của Nhật Bản. Ngoài ra, Trung Quốc vốn đã dè chừng với Nhật vì tranh chấp trên biển Đông. Chắc chắn là Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ các phát biểu của bà Inada cũng như hoạt động của hải quân Nhật do quan điểm cứng rắn của bà ấy”, ông Jeff Kingston, Giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Temple, Nhật Bản, nhận xét.

Dù Nhật Bản không phải là một quốc gia tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, nước này hậu thuẫn Philippines và Việt Nam, thông qua các biện pháp như cung cấp tàu tuần tra. Ngoài ra, Nhật Bản cũng lên tiếng ủng hộ việc Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông.

Phát biểu sau khi nhậm chức, bà Inada nói bà sẽ nỗ lực để duy trì hòa bình và an ninh trên cơ sở liên minh Mỹ-Nhật và sự hợp tác với các quốc gia khác có chung lợi ích và giá trị với Nhật. Bà từ chối cho biết có tiếp tục tới thăm đền Yasukuni trên cương vị Bộ trưởng.

Ông Bonji Ohara, nhà nghiên cứu thuộc Tokyo Foundation, cho rằng việc bổ nhiệm bà Yasukuni vào ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật ít có khả năng làm tổn hại thêm mối quan hệ vốn dĩ đã mong manh giữa Tokyo với Bắc Kinh.

“Bà ấy thể hiện một hình ảnh cứng rắn, nhưng bà ấy luôn lắng nghe các ý kiến từ bên ngoài, và dĩ nhiên từ giờ bà ấy có thể còn lắng nghe ý kiến của những người trong Bộ Quốc phòng Nhật nữa”, ông Ohara nói. “Trung Quốc vốn đã thiếu niềm tin vào chính quyền Abe nói chung, thay vì cá nhân các bộ trưởng. Bởi vậy, cho dù báo chí có nói gì, thì tôi cho rằng Trung Quốc sẽ thận trọng nhìn vào các chính sách của bà Inada”.

An Huy (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Chân dung nữ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thứ hai của Nhật

    Chân dung nữ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thứ hai của Nhật

    04/08/2016 1:49 PM

    Trong cuộc điều chỉnh nhân sự nội các Nhật Bản ngày 3/8, Thủ tướng nước này Shinzo Abe đã bổ nhiệm một nhân vật thân cận theo đường lối cứng rắn vào vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giữa lúc căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng gia tăng.

  • Mỹ sắp có nữ Bộ trưởng Quốc phòng?

    Mỹ sắp có nữ Bộ trưởng Quốc phòng?

    25/11/2014 3:15 PM

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hôm 24/11 đã tuyên bố từ chức trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Barack Obama bị chỉ trích ngày càng nhiều về chính sách quốc phòng “mò mẫm” trong chiến lược an ninh toàn cầu của mình.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.