Lãnh đạo các ngân hàng nói gì về sự thay đổi có thể nói là lớn nhất của ngành ngân hàng từ trước tới nay đang diễn ra?

Những lời nói thật

Bình luận về số lượng đầu mối các tổ chức tín dụng ở Việt Nam, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tại TPHCM (xin không nêu tên) nói: “Nếu tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng mà giảm xuống còn trên dưới 15 ngân hàng thì đây thực sự là cơn co bóp mạnh của nền kinh tế và chắc chắn gây hệ quả lớn”, bởi theo ông, “những lãnh đạo ngân hàng như chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều về sự hy sinh, hy sinh tài sản, tình cảm, con người (đồng nghiệp, nhân viên, đối tác), hy sinh cả về quy mô tổ chức mình đang dẫn dắt”.

Vị này nói mặc dù NHNN, với vai trò lĩnh xướng, đã đưa ra ba chủ điểm chính trong tái cơ cấu ngân hàng, gồm: thay đổi về quản trị, thay đổi về quy mô và tài chính nhưng bản thân ông mong định hướng trong chuyện này “được công khai nhiều hơn, cụ thể hơn”, để “từ đó chúng tôi cảm thấy bớt bất an hơn, biết tập trung vào những điều cần theo đuổi sắp tới”. Nếu không, theo ông, “sẽ rất dễ xác định chiến lược của tổ chức mình dựa trên giả thuyết, hay gọi là chiến lược mù”.

Ông chia sẻ: dù chúng tôi biết trong quá trình này có những yếu tố bản thân cơ quan quản lý cũng không thể chủ động hết, nhưng với vai trò là ngân hàng tham gia vào quá trình này, chúng tôi thấy chính sách là cái con người có thể chủ động nhất, chúng tôi cần một chính sách ổn định, rõ ràng, minh bạch. Chương trình tái cơ cấu ngành ngân hàng, theo ông, đến nay còn chưa rõ ràng, minh bạch về góc độ kinh tế, còn có sự áp đặt mang hơi hướng chính trị. Nhiều quan điểm về tái cơ cấu ngân hàng cần phải thảo luận lại.

Ví dụ như vấn đề chúng ta muốn hướng tới bức tranh ngành ngân hàng như thế nào. Sẽ đo bằng tiêu chí gì để ép các ngân hàng thay đổi về chất? Nếu đo bằng quy mô hay tổng tài sản như các ngân hàng đang tự làm hiện nay thì hậu họa là khôn lường! Xa hơn, tái cơ cấu để các tổ chức tín dụng khỏe mà đối phó với nhau hay để đối phó với các ông lớn từ bên ngoài? Mà bên ngoài là ai, họ thế nào, làm sao để ta khác họ? Đặc biệt, làm sao để ngân hàng trong nước chinh phục được dân cư trong nước trước khi tính chuyện cạnh tranh ở nước ngoài?

Vị tổng giám đốc ngân hàng này thẳng thắn: “Các ngân hàng thương mại chỉ được tham gia rất hạn chế vào quá trình thảo luận. Chúng tôi có nhận được dự thảo hay yêu cầu góp ý và gửi văn bản góp ý đi nhưng rồi cũng chỉ dừng lại ở đó. Biết là cơ quan quản lý có xem nhưng thực hiện hay vận dụng tới đâu thì không nhận được phản hồi. Ở những cuộc gặp không chính thức với cơ quan quản lý, chúng tôi cũng có giãi bày rằng mình thấy thế này, thế kia nhưng nói thì cứ nói còn quyết thì vẫn cứ quyết. Trong khi đó, theo tôi, tiếng nói của các ngân hàng thương mại là quan trọng để đảm bảo tái cơ cấu chính họ được thành công”.

Theo ông, có ba nhóm người quan trọng nhất trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng là những người soạn thảo chính sách, đội ngũ tư vấn - phản biện và những người chịu tác động trực tiếp của chính sách nhưng ông có cảm giác ba nhóm này chưa có cơ chế trao đổi rõ ràng.

Cũng theo ông, khi người ta bệnh không chỉ cần thuốc chữa mà cần cả thuốc dưỡng bệnh, dù biết phải tự cố gắng nhưng các ngân hàng cần được hỗ trợ để vượt qua khó khăn. Sự ra đời và hoạt động của VAMC là một công cụ như vậy. Nhưng hỗ trợ đầu tiên nhất là làm sao để mọi tổ chức được công bằng trong tiếp cận thông tin liên quan đến tái cơ cấu, từ kế hoạch ban hành văn bản chính sách trong thời gian tới đến các mục tiêu sẽ tập trung trong từng năm. “Chúng tôi sợ nhất các công văn đến bất ngờ và thay đổi xoành xoạch”, ông nói

Thị trường sẽ lựa chọn cái phù hợp

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, bình luận về chương trình tái cơ cấu ngân hàng của Việt Nam rằng không thể giải quyết hậu quả nợ xấu dựa trên những cách làm không mang tính thị trường trước đây. Tuy các nhà quản lý không muốn dùng ngân sách để xử lý khó khăn của ngành ngân hàng nhưng chắc chắn một phần nguồn lực ngân sách sẽ mất đi. Trên thực tế, khi các ngân hàng lớn tham gia tái cơ cấu ngân hàng thì lợi nhuận của ngân hàng lớn sẽ giảm đi do “ông khỏe” phải gánh thêm “ông yếu”, từ đó đóng góp cho ngân sách nhà nước giảm đi. Điều này tạo ra chi phí trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng dù không nhìn thấy và đong đếm cụ thể được.

Thứ hai, ông Hải nói, các ngân hàng lớn của Việt Nam hiện nay còn chưa đủ sức cạnh tranh với ngân hàng trong khu vực. Không nên yêu cầu họ tham gia cõng các ngân hàng yếu kém vì chính họ cũng đang phải giải quyết những vấn đề của mình.

Thứ ba, việc mua các ngân hàng mất vốn chủ sở hữu với giá 0 đồng, theo ông Hải, là một bước tiến mới. Một bước tiến nữa là chỉ nên giữ lại những ngân hàng có đủ năng lực tham gia cuộc chơi, đóng cửa các ngân hàng yếu kém, mà điều này, theo ông, là “hoàn toàn khả thi” vì “sự ổn định thị trường không bị ảnh hưởng nhiều”. “Nhìn dài hạn, việc đóng cửa ngân hàng yếu sẽ tạo ra tư duy tích cực cho người gửi tiền khi họ phải tự xem xét lại và nhận ra không phải mọi ngân hàng đều giống nhau. Nếu anh đi gửi tiền mà chỉ chú ý đòi lãi suất cao thì phải chấp nhận rủi ro cao. Tất nhiên, Nhà nước cũng phải có biện pháp bảo hiểm cho người gửi tiền”, ông nói.

Về tổng thể, ông Hải cho rằng nên để thị trường tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Trong khi Nhà nước không đủ sức “cưu mang” hết thì thị trường sẽ lựa chọn cái gì phù hợp nhất. Khi thị trường càng được đóng vai trò quan trọng thì hiệu quả của ngành ngân hàng mới thay đổi rõ rệt.

Trường Nam (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.