Đỗ thủ khoa Đại học Bách khoa, từng đi dạy học nhưng phải gác lại cơ hội hiếm hoi đi học tiến sĩ ở nước ngoài vì gia đình đông anh em, phải cùng cha mẹ gánh vác cơm áo gạo tiền, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group đã trải lòng về khát vọng và chiến lược đầu tư của mình cũng như Tập đoàn.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group.

Sau một đối tác Việt Nam, mới đây Trung Nam đã chuyển nhượng 35% cổ phần nhà máy điện gió cho Hitachi (Nhật Bản). Phải chăng cũng đã đến lúc mình khó có thể đơn thương độc mã?

Chuyển nhượng cổ phần là một cách thức để làm mình khỏe hơn. Ví dụ, bạn mua cái xe và giữ thì chỉ mình làm cho mình mà thôi. Còn khi bạn mua xe mất 100 đồng, bạn có 35 đồng, còn lại đi vay 75 đồng.

Khi có đối tác thấy bạn làm ăn tốt, muốn mua lại cái xe, bạn bán với giá cao hơn 35 đồng, có lợi nhuận ngay và dùng vốn đó đi vay ngân hàng làm dự án khác. Khi ấy mới có thể làm được nhiều dự án mới.

Với Trung Nam, chúng tôi chọn bạn đồng hành nhưng sẽ không bao giờ bán cổ phần chi phối hoặc bán cho đối tác có nguồn vốn không rõ ràng. Cũng có nhiều tập đoàn ở Philippines, Hồng Kông, Thái Lan đặt vấn đề mua cổ phần, nhưng chúng tôi quyết định bán cho đối tác Nhật.

Trung Nam chọn bán cổ phần cho các đối tác Việt Nam, những công ty mạnh có sự phát triển lâu dài hoặc những nhà đầu tư nước ngoài có nền tảng lịch sử phát triển tốt.

Nhưng nếu đặt lên bàn cân giữa một đối tác trả giá rất hời và đối tác kia đưa ra giá thấp hơn kèm những yêu cầu khác nữa, các ông sẽ chọn lựa thế nào?

Tôi khẳng định rằng, Trung Nam sẽ không chuyển nhượng tỷ lệ lớn cổ phần trong các dự án vì chúng tôi muốn phát triển chuỗi nhà máy, nếu bán chi phối thì mất quyền kiểm soát. Điều này còn liên quan đến an ninh năng lượng, vận hành hệ thống và khát vọng doanh nghiệp dân tộc nữa. Một doanh nghiệp không tính đến lợi ích quốc gia thì có thể làm được gì?

Thực tế, không có nhiều dự án năng lượng tái tạo được phát triển bài bản và vận hành dưới tay các doanh nghiệp Việt Nam. Chuyện “bán lúa non” trong ngành chắc ông nắm rõ. Cũng có khi doanh nghiệp đi đường dài lại vất vả hơn so với chuyển nhượng sớm dự án, đặc biệt khi trong ngành có sự thay đổi lớn về chính sách, ông nghĩ sao?

Bán lúa non, lúa chín hay nấu thành cơm nhà hàng, đó là chiến lược của mỗi doanh nghiệp. Đó còn là quan niệm và sự nhìn nhận về cơ hội. Xây dựng ra nhà máy, làm ra sản phẩm bằng trí tuệ và tâm huyết của mình, giá thành sẽ thấp hơn. Như tôi đã đề cập, để có nguồn lực phát triển các dự án mới, Trung Nam cũng cần chọn bạn đồng hành, nhưng bán ở thời điểm nào thì cần chọn và tính toán kỹ.

Chúng tôi chủ trương tự làm ra sản phẩm, rồi tìm kiếm đối tác mạnh sau.

Có nhiều nhà đầu tư thắc mắc, tại sao Trung Nam chỉ huy động vốn trong nước mà không tìm đến kênh nước ngoài để có chi phí vốn thấp hơn như nhiều doanh nghiệp khác?

Đây cũng là chiến lược và quan điểm của mỗi doanh nghiệp. Trong tương lai, Trung Nam sẵn sàng huy động vốn nước ngoài, nhưng cũng cần thời điểm thích hợp. Thường khi doanh nghiệp còn chưa mạnh, các nhà cho vay nước ngoài hay áp đặt luôn điều kiện mua thiết bị nước ngoài theo chỉ định của họ.

Chẳng hạn, chúng tôi có nhiều đề nghị vay vốn từ các định chế tài chính Trung Quốc với điều kiện rất tốt nhưng khi buộc phải mua thiết bị theo chỉ định của họ thì Trung Nam lắc đầu và phải từ chối. Nhà máy điện là lĩnh vực đặc thù, cần tính đến lâu dài, khi vận hành cũng rất quan trọng chứ không phải mỗi ở khâu đầu tư xây dựng ban đầu.

Chọn bạn ban đầu sẽ ảnh hưởng ngay đến tương lai sau này của nhà máy. Ngay đối tác Nhật Bản, khi đàm phán và tìm hiểu về nhà máy, họ nói thẳng luôn “phải là thiết bị Đức”, họ mới mua cổ phần.

Chuyện vay trong nước hay vay nước ngoài cũng là cả một nghệ thuật về tài chính. Chúng tôi cho rằng, vay trong nước, ban đầu doanh nghiệp vất vả thật đấy, nhưng khi doanh nghiệp làm ra nhà máy tốt, vận hành tốt, các ngân hàng nước ngoài họ thấy rõ ràng năng lực phát triển dự án của mình thì mình sẽ có lợi thế hơn trong đàm phán vay vốn tới đây. Bởi khi đàm phán, họ thường nhìn vào và phân tích các thương vụ đã thực hiện trong nước.

Có phải gồng gánh như vậy mà trong hệ sinh thái của Trung Nam Group, các ông buộc phải chấp nhận có những doanh nghiệp lãi rất mỏng không?

Chúng tôi biết mình, biết sức mình chứ. Tổng dư nợ của Trung Nam Goup hiện vào khoảng 33.000 tỷ đồng trên tổng tài sản 77.000 tỷ đồng. Các ngân hàng, trái chủ họ đâu có dễ cho vay. Còn chị biết đấy, một gia đình đông con thì phải “hy sinh” 1-2 đứa để nuôi 7 đứa con kia, rồi mới có lúc cả gia đình sống sung túc, thay vì cào bằng thì cần có ưu tiên.

Tôi quan niệm thế này, nếu dựa vào bất động sản để tạo ra dòng tiền cho lĩnh vực khác là chết ngay, vì rủi ro thị trường là rất lớn. Có những giai đoạn, chúng tôi phải chấp nhận mảng bất động sản lỗ, nhưng doanh nghiệp vẫn có tài sản lớn để làm tài sản bảo đảm cho công ty khác vay, đơn cử như làm điện tái tạo.

Với tài sản và năng lực tài chính của Trung Nam hiện nay, một số đối tác nước ngoài bán thiết bị cho chúng tôi mà cho nợ, họ tin tưởng chúng tôi có dòng tiền và quản trị tài chính tốt.

Hạ tầng, bất động sản, điện tái tạo và gần đây là công nghệ điện tử, có vẻ như Trung Nam rất chịu khó tìm kiếm các không gian tăng trưởng mới?

Bất động sản ai cũng làm được khi cơ hội đến. Năng lượng là lĩnh vực khó, thủy điện, điện mặt trời, điện gió chiếm vốn lớn, đòi hỏi tay nghề cao nhưng năng lượng cũng là lĩnh vực rất hấp dẫn, tạo ra dòng tiền liên tục cho doanh nghiệp, cũng là những lợi thế về địa thế chính trị trên đất nước mình. Khi cơ hội đến, có những chính sách phù hợp thì doanh nghiệp cần nắm lấy cơ hội.

Sản xuất bo mạch điện tử, thực ra giá trị gia tăng không nhiều, nhưng giải quyết một lượng lớn công ăn việc làm cho người dân và cũng là lĩnh vực có nguồn cầu lớn. Theo chiến lược của chúng tôi, Trung Nam sẽ có 5 nhà máy lắp ráp bo mạch điện tử, với doanh số hơn 1 tỷ USD trong tương lai.

Trung Nam liên tục chọn các lĩnh vực kinh doanh mới. Chúng tôi không quan niệm đó là lĩnh vực khó hay dễ, mà phải là lĩnh vực thị trường cần.

Những sản phẩm mà chúng tôi tham gia dù cho nhà đầu tư nước ngoài “nhảy vô” cũng phải ngang ngửa với chúng tôi về chất lượng, giá thành. Chẳng hạn như điện, doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài làm ra điện thì phẩm cấp, chất lượng cũng phải như nhau.

Còn cạnh tranh trực diện về sản phẩm mà mình không làm ra được sản phẩm tương đương họ, hay cạnh tranh về tài chính thì càng không.

Có một số lĩnh vực nhiều người đề nghị hợp tác với Trung Nam nhưng chúng tôi không hiểu, không có thế mạnh nên đã không làm. Cuộc đời doanh nghiệp là phải liên tục tìm cơ hội mới, lĩnh vực mới nhưng phải là lĩnh vực chúng tôi có thể am hiểu, có va chạm và phát triển được, mới làm.

Có cảm tưởng như doanh nhân các ông liên tục phải chạy vượt rào, các ông có thấy áp lực lớn không?

Cuộc đời doanh nghiệp là phải liên tục tìm cơ hội mới, lĩnh vực mới nhưng phải là lĩnh vực chúng tôi có thể am hiểu, có va chạm và phát triển được, mới làm.

Không riêng gì chúng tôi mà nhiều doanh nghiệp khác cũng vậy thôi. Đó thực sự là những cuộc đua khốc liệt. Có những thời điểm năm ngoái đó, những chiến dịch thần tốc để hoàn thành đóng điện, để kịp về tiến độ trước thời điểm giá FIT hết hiệu lực.

Phải lựa chọn một bên là sự sống của bao nhiêu gia đình và bên kia là sạt nghiệp nếu không làm xong nhà máy. Chúng tôi đã rất trăn trở và phải luôn chạy hết tốc lực.

Giờ cũng là thời điểm các doanh nghiệp điện gió đang phải chạy đua khốc liệt, để có thể kịp trước thời điểm 31/10 năm nay. Trong bối cảnh chuyên gia, thiết bị nước ngoài không được cung cấp do Covid-19 nên đơn hàng bị trì hoãn.

Các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc, Ấn Độ đã kích hoạt điều kiện thiên tai, dịch bệnh là bất khả kháng để thay đổi hợp đồng, nhiều địa phương bị giãn cách xã hội, quả thực các doanh nghiệp đang rất “căng”.

Ông và các cộng sự làm thế nào để thoát được tình thế “rất căng” ấy, làm thế nào để cỗ máy vẫn chạy ro ro mà không bị đứt gãy?

Rất may là Trung Nam đã lường trước và dốc toàn lực để nhập khẩu đủ thiết bị từ cuối năm ngoái, đầu năm nay cho các dự án, vì xác định năm nay là giai đoạn nước rút với 3 nhà máy điện gió, công suất gần 600 MW. Có những thời điểm chúng tôi bị nghi ngờ vì đầu tư thiết bị ghê gớm quá, nhập mấy chục cẩu, mấy trăm đầu xe một lúc.

Nếu không quyết đoán như vậy, có lẽ đến giờ chúng tôi sẽ phải chấp nhận thua, rất nhiều doanh nghiệp đang bị đình trệ tiến độ và liên tục gửi thư tới chúng tôi đề nghị tham gia thi công, lắp đặt nhà máy cho họ.

“Chất lượng cạnh tranh, thời gian quyết định”, phương châm ấy tôi thấy càng chuẩn xác trong thời đại Covid hoành hành này.

Dân kỹ thuật chúng tôi còn tạo động lực cho nhau bằng lời ca tiếng hát nữa “Khi ta cần Trung Nam có - Khi Trung Nam khó, thì ta xoay”. Tôi đã viết lời nhiều bài hát trong những đêm không ngủ trên các công trường nhà máy thủy điện đầy hoang sơ, vất vả, rồi được các nhạc sĩ phổ nhạc để công nhân Trung Nam ngâm nga.

Làm 2 thủy điện là xong 1 đời người công nhân, vậy mà Trung Nam làm 3 cái, rồi còn nhiều nhà máy, công trình hạ tầng nữa. Anh em gắn bó thì mình phải biết chăm lo cho họ. “Đồng giá trị” để sống, cùng đem lại giá trị bền vững cho nhau.

Anh Việt (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.