“Mọi người đều muốn trở thành doanh nhân thành đạt. Thỉnh thoảng, chúng ta tưởng tượng mình sẽ xuất hiện trên bìa tạp chí danh tiếng với tiêu đề: “Doanh nhân thành công nhất của năm”. Các bạn đã nghĩ về kết quả ngọt ngào nhưng lại không chuẩn bị cho hành trình đầy chông gai bạn phải đi qua trước đó”, TusharGoyal - CEO công ty khởi nghiệp NZT Solutions viết trên Tech in Asia.

TusharGoyal là doanh nhân người Ấn Độ, đã cùng vợ sáng lập nên công ty phần mềm NZT Solutions vào năm 2014. Đây là công ty chuyên phát triển các ứng dụng di động trên các nền tảng Android, iOS, Web. NZT Solutions đã cung cấp hơn 150 ứng dụng di động cho các doanh nghiệp lớn và các start-up.

Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư năm 2011, TusharGoyal làm việc tại công ty của gia đình của trong 3 năm và nhận ra việc này không phù hợp với mình. “Tôi sợ phải đến công ty mỗi ngày và khao khát có một sự thay đổi”, anh chia sẻ.

TusharGoyal CEO công ty khởi nghiệp NZT Solutions

Sau khi nghiên cứu thị trường, TusharGoyal nhận ra tiềm năng của thị trường ứng dụng dành cho di động và quyết định dấn thân vào ngành công nghiệp mới mẻ này.

Với 70% dân số sử dụng điện thoại, Ấn Độ có lượng tiêu thụ smartphone đứng thứ 2 thế giới. Đây chính là thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng. Do đó, phát triển ứng dụng di động là “nguồn cảm hứng tuyệt vời” để khởi nghiệp, TusharGoyal cho biết.

“Với những ý tưởng vàng trong tay, tôi cảm thấy có động lực hơn, tự tin hơn qua từng ngày. Sau đó tôi lên mạng nhưng không lãng phí thời gian để xem những điều vô bổ mà tìm đến những doanh nghiệp, cá nhân trong cộng đồng liên quan đến lĩnh vực tôi nghiên cứ.u. Đồng thời tôi cũng đi du lịch để làm mới mẻ những suy nghĩ của mình”, TusharGoyal cho biết thêm về quá trình nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì đưa đến thành công của TusharGoyal. Trong bài viết trên website công nghệ Techinasia.com, TusharGoyal đã viết: "Điều tôi muốn chia sẻ với các bạn khởi nghiệp đó là con đường thành công không trải hoa hồng. Ngoài việc nuôi ước mơ, hy vọng thành công cùng những vinh quang có được, các nhà sáng lập cần chuẩn bị tinh thần đối diện với thực tế khó khăn, những thử thách khắc nghiệt có thể khiến bạn bỏ cuộc bất cứ lúc nào".

Thực tế khắc nghiệt

Nhà sáng lập của NZT Solutions đã chia sẻ 5 thực tế khắc nghiệt mà một doanh nhân khởi nghiệp sẽ vấp phải. Nếu không được chuẩn bị tinh thần đủ mạnh mẽ và tư duy thực tế, các start-up sẽ vấp ngã, nản lòng dẫn đến bỏ cuộc.

1. Công việc dữ liệu nhàm chán

Khi đã có ý tưởng hay, các bạn sẽ rất nôn nóng công bố ý tưởng và bắt tay để thực hiện ngay. Bạn thường tưởng tượng sẽ được tung hô và nể phục nhờ ý tưởng xuất sắc và đột phá.

Tuy nhiên, thực tế là bạn cần bình tĩnh và đừng nôn nóng thực hiện các ý tưởng lớn. Bạn cần kiên nhẫn thu thập thật nhiều thông tin, các dữ liệu thực tế, phân tích kỹ lưỡng, lập kế hoạch chi tiết trước khi hành động.

Đây là công việc khá nhàm chán so với tưởng tượng của bạn về một cuộc bứt phá đầy sáng tạo. Tuy nhiên, nếu không đủ kiên nhẫn cho những công việc này, bạn có rất ít cơ hội thành công.

2. Rất khó khăn để tuyển nhân tài

Bạn nghĩ ý tưởng đột phá của bạn sẽ thu hút nhân tài cùng bạn xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh? Thực tế, bạn gần như không tìm được một người ưu tú thỏa hết những điều kiện của bạn và công ty. Vì thế, bạn cần thay đổi tư duy rằng: “bạn không tuyển người giỏi mà sẽ tạo ra nhân viên giỏi”. Bạn cần chấp nhận thực tế không hoàn hảo và sẽ tự xây dựng nên đội ngũ ưu tú.

3. Bạn sẽ nhanh chóng bị lãng quên

Bạn có những ý tưởng tốt đến mức bạn nghĩ không thể có gì tốt hơn được. Tuy nhiên, thực tế là các đối thủ sẽ luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn của bạn.

Do đó, bạn cần luôn luôn nghĩ ra những điều mới mẻ và cải tiến doanh nghiệp của mình. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng nhưng nếu bạn không làm được, bạn sẽ nhanh chóng bị lãng quên.

4. Bạn không thể thành công ngay lần thử đầu tiên

Tâm lý của một nhà khởi nghiệp là muốn nhìn thấy kết quả ngay. Do đó, các nhà sáng lập sẽ đặt rất nhiều kỳ vọng, vội vàng thực hiện các kế hoạch, và vấp ngã ngay từ giai đoạn này.

Lời khuyên là bạn cần bình tĩnh, kiên nhẫn để tìm hiểu và phân chia công việc thành các giai đoạn, xác định các mục tiêu tối thiểu cần đạt được trong giai đoạn đầu công việc. Đây sẽ là những bước rất quan trọng và là cách hoạch định chiến lược thông minh để giúp bạn hoàn thành các mục tiêu lớn hơn.

Một chiến lược hợp lý, tốc độ tiến triển công việc chậm nhưng ổn định cùng việc đánh giá kết quả thu được sau mỗi giai đoạn sẽ giúp bạn hiểu những lợi thế và khó khăn của công ty. Từ đó, bạn có những điều chỉnh hợp lý và nhất là không nản chí bỏ cuộc khi không đạt được những kỳ vọng quá cao và thiếu thực tế.

5. Liên tục bị thách thức

Khi mở rộng quy mô công ty, bạn cần phải đối mặt với thách thức mới: xây dựng thương hiệu mạnh, thu hút nhiều khách hàng hơn, tạo nên văn hóa công ty vững vàng. Bạn và công ty sẽ liên tục phải đối mặt với các thách thức để có thể thích nghi với những yêu cầu mới.

“Thần chú” khởi nghiệp

Trong bài viết chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, TusharGoyal cũng bật mí 3 câu “thần chú” đã giúp anh vượt qua các thử thách, có động lực phát triển công ty:

- “Đặt mục tiêu cao, luôn luôn nhìn lên và không mất niềm tin”.

- “Hãy tưởng tượng". Bí quyết của TusharGoyal là vận dụng những trải nghiệm bản thân đưa ra ý tưởng sáng tạo mỗi ngày. Đồng thời, anh cũng đi du lịch nhiều để học hỏi những điều mới và cũng là cách giúp đầu óc luôn tươi mới. “Ngoài ra, tôi thường xuyên gặp gỡ mọi người, nói chuyện với những người bạn mới để có thêm những suy nghĩ mới mẻ, kích thích sự sáng tạo”, Tushar cho biết thêm.

- "Không bao giờ bỏ cuộc. Hãy tin vào chính mình và luôn biết rằng bạn có thể làm tốt hơn". Tushar khuyên các nhà khởi nghiệp nên đọc những câu chuyện về những doanh nhân thành công để thêm động lực thành công.

Bài học quản trị

Tushar chia sẻ 6 kinh nghiệm quản trị trong việc điều hành doanh nghiệp khởi nghiệp của mình:

- Không lãng phí thời gian: Nếu một việc không nhằm 4 mục tiêu: phát triển công ty, mang về doanh thu, tìm được khách hàng mới, cắt giảm chi phí, thì bạn cần điều chỉnh chiến lược.

- Tính linh hoạt: Đây là một tính cách quan trọng đối với một nhà lãnh đạo ở bất cứ giai đoạn nào để thích nghi với những thay đổi diễn ra liên tục, tìm cách hoạt động hiệu quả hơn.

- Công khai thông tin: Bạn cần công khai kết quả hoạt động của công ty hơn là chỉ thông tin về sản phẩm và dịch vụ của bạn. Bạn càng công khai nhiều thông tin hữu ích, bạn càng nhận được nhiều phản hồi cần thiết để cải thiện công ty.

- Đừng quá tự tin: Nhiều nhà sáng lập thất bại vì bị ám ảnh về vị trí, sự hiểu biết, sự quyến rũ của mình.

- Đức tin: Cần có sự tin tưởng giữa người làm chủ và người lao động vì chỉ cần mất lòng tin sẽ không có việc gì được thực hiện tốt.

- Biết lắng nghe: Hãy cởi mở với những lời chỉ trích tiêu cực để thỏa thuận và tìm cách để cải thiện, giải quyết vấn đề.

Tăng Khánh (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.