Với việc bổ nhiệm Tổng giám đốc BBC, tập đoàn New York Times đã chọn một giám đốc điều hành (CEO) chưa từng làm việc tại một tờ báo giấy song có nhiều kinh nghiệm trong việc tái định hình một tổ chức truyền thông có uy tín trong thời đại kỹ thuật số

Việc bổ nhiệm Mark Thompson là sự kết hợp giữa hai biểu tượng báo chí tiếng Anh: hãng truyền thông nhà nước nổi tiếng ở Anh và một trong những tờ báo tiếng tăm nhất nước Mỹ.

Song nó cũng là cuộc hôn nhân gượng ép trong một vài khía cạnh. New York Times, như hầu hết các tờ báo khác, tiếp tục sa sút về tài chính và đối mặt với thách thức kép về sự sụt giảm lượng người đọc và lượng quảng cáo.

Vào năm ngoái, toàn bộ doanh thu quảng cáo cho các tờ báo ở Mỹ chỉ khoảng 24 tỉ USD trong khi tiền quảng cáo của Google là 32 tỉ USD.

Cuộc cách mạng số hóa

Đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ không gian mạng, sự hội tụ của báo in, truyền thông và kỹ thuật số dường như là chọn lựa duy nhất. Chính điều này đã thúc đẩy tập đoàn News Corp. của trùm truyền thông Rupert Mudroch lên kế hoạch thâu tóm BskyB nhằm tạo ra một trung tâm báo in/truyền hình kỹ thuật số vào năm ngoái trước khi bị phá hỏng bởi vụ bê bối nghe lén.

Việc bổ nhiệm Thompson hoàn toàn phù hợp với khía cạnh này: Ông không chỉ chinh chiến trong lĩnh vực truyền thông gần ba thập kỷ mà còn giúp trang BBC Online trở thành trang tin tức nổi tiếng nhất trên thế giới, vượt mặt vị trí thống lãnh một thời của trang NYTimes.com.

Ông cũng chứng kiến việc BBC mở rộng lĩnh vực truyền thông đa phương tiện, thông qua các website, dịch vụ tin tức và các kênh kỹ thuật số. Khi thông báo về việc bổ nhiệm Thompson hôm 14.8, tờ New York Times đã kể đến thành tích của ông trong việc giúp BBC phát triển báo điện tử và nâng cao doanh thu từ các loại sản phẩm mới.

Mark Thompson sẽ trở thành CEO của New York Times vào tháng 11 - Ảnh: Reuters

Với sự chọn lựa Thompson, New York Times đã vươn ra ngoài địa hạt, ngành nghề và thậm chí ngoài đất nước để tìm một thuyền trưởng lèo lái con tàu trong một tương lai số hóa chưa được khai phá.

Arthur Sulzberger, chủ tịch của hãng New York Times, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi có những người rất hiểu báo in, những người tốt nhất trong ngành. Chúng tôi có những người rất hiểu quảng cáo, những người tốt nhất trong ngành. Song tương lai của chúng tôi là video, mạng xã hội và điện thoại di động. Nó không trái với những gì chúng tôi làm. Nó chỉ nới rộng những gì chúng tôi sắp làm”.

Thompson, người sẽ đảm nhận vị trí vào tháng 11, cho biết ông là “độc giả của tờ New York Times trong nhiều thập kỷ” và thổ lộ ông rất vinh dự với việc bổ nhiệm.

“Đó là một đặc quyền. Những gì chúng tôi có ở tờ New York Times là một phòng tin tức lừng lẫy”, ông Thompson nói.

Thời kỳ lãnh đạo của Thompson tại BBC chứng kiến sự bành trướng trong thế giới số và phát triển quốc tế, đặc biệt là sự phát triển iPlayer, một dịch vụ giúp người xem theo dõi mọi sản phẩm của BBC trên mạng. Đây là một phần của chiến lược số hóa giúp BBC nhận được nhiều ngợi ca khi tường thuật Olympic 2012, bao gồm việc phát sóng trực tiếp trên website và 24 kênh truyền hình kỹ thuật số.

Thompson cũng được ghi nhận công lao trong việc mở rộng BBC Worldwide, cánh tay thương mại vốn bán DVD và các sản phẩm từ những chương trình của BBC ra bên ngoài nước Anh. BBC Worldwide có doanh thu khoảng 1,7 tỉ USD trong năm 2011, hoặc khoảng 1/5 tổng doanh thu của BBC.

Sự lựa chọn rủi ro

Tốt nghiệp đại học Oxford, Thompson gia nhập BBC như là một người tập sự sản xuất trong năm 1979 và làm việc tại đó cho đến nay, ngoại trừ hai năm làm giám đốc điều hành kênh Channel 4 từ 2002 đến 2004.

Ông từng giữ nhiều vị trí về tin tức, thời sự và từng đứng đầu BBC 2, kênh có lượng người xem nhiều thứ hai của BBC.

Khi được bổ nhiệm làm tổng giám đốc năm 2004, BBC đang trong thời kỳ sa sút. Người tiền nhiệm của Thompson, Greg Dyke buộc phải từ chức sau làn sóng chỉ trích cách tường thuật tin tức tình báo trước cuộc chiến Iraq.

Mặt tiền trụ sở tờ New York Times - Ảnh: Reuters

Thompson đã lèo lái BBC trong giai đoạn khó khăn, chứng kiến BBC cắt giảm chi phí, hàng ngàn việc làm, cắt giảm hoạt động và giảm phúc lợi. Điều này khiến ông không được lòng nhiều nhân viên tại hãng truyền thông danh tiếng của Anh.

Mặc dù không có xuất thân từ môi trường quản trị, Thompson được đánh giá là đối phó tốt với áp lực tại một tập đoàn có 20.000 nhân viên và ngân sách 5,5 tỉ USD. Thu lợi từ tiền phí của mọi gia đình sở hữu TV ở Anh, BBC phải giữ vững tiêu chuẩn biên tập nghiêm ngặt về sự trung lập trong lúc phải chống lại một số áp lực từ phía chính phủ. Bởi vậy, nhiều người cho rằng Thompson có thiên hướng của một chính trị gia hơn là một nhà quản trị.

Chính điều này khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ về sự thích hợp của Thompson với môi trường báo chí thuần thương mại ở Mỹ.

Họ chỉ ra rằng CEO 55 tuổi đã kinh qua phần lớn sự nghiệp tại một hãng truyền thông nhà nước, tách biệt với các áp lực thương mại từ lĩnh vực truyền thông tư nhân.

Nhà bình luận Roy Greenslade nhận định Thompson đã chứng tỏ “năng lực điều hành một tổ chức lớn, lớn hơn nhiều so với New York Times”.

“Điều họ không có là một người giàu kinh nghiệm trong môi trường thương mại khắc nghiệt làm phiền muộn giới truyền thông vào lúc này”, Greenslade nói.

Greenslade cho rằng sự lựa chọn Thompson làm người lãnh đạo kế tiếp của New York Times là vừa có thể là một quyết định sáng tạo vừa là một “quyết định rủi ro”.

Theo AP, lợi nhuận trước thuế của BBC Worldwide trong năm tài chính gần nhất khá khẩm hơn New York Times. Song mọi sự so sánh giữa hai công ty là điều ngớ ngẩn bởi 71% thu nhập của BBC đến từ phí thuê bao mà mọi ngôi nhà sở hữu TV ở Anh đều có nghĩa vụ phải trả.

Nhà nghiên cứu độc lập từ công ty tư vấn Huber Research Partners Craig Huber thận trọng nói rằng cần phải có thời gian để Thompson có thể thích nghi với một công ty hoạt động từ nguồn quảng cáo và doanh thu phát hành.

New York Times phải chứng tỏ bản thân mỗi ngày để giữ độc giả và các nhà quảng cáo. BBC dĩ nhiên không cần làm thế tại nước Anh”, Huber nói.

Theo Thanh niên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Tổng giám đốc BBC sang làm việc cho New York Times

    Tổng giám đốc BBC sang làm việc cho New York Times

    16/08/2012 9:55 AM

    Đài CNN ngày 15.8 cho biết Tổng giám đốc BBC, ông Mark Thompson sẽ chuyển sang làm Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành cho New York Times (NYT), một động thái cho thấy tờ báo này đang có tham vọng mở rộng hoạt động kinh doanh báo điện tử trên toàn thế giới.

  • CEO Mark Thompson: Canh bạc mạo hiểm của tờ New York Times

    CEO Mark Thompson: Canh bạc mạo hiểm của tờ New York Times

    16/08/2012 9:17 AM

    Với việc bổ nhiệm Tổng giám đốc BBC, tập đoàn New York Times đã chọn một giám đốc điều hành (CEO) chưa từng làm việc tại một tờ báo giấy song có nhiều kinh nghiệm trong việc tái định hình một tổ chức truyền thông có uy tín trong thời đại kỹ thuật số

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.