Trong bối cảnh chung của ngành mía đường Việt Nam vẫn tiếp tục khó khăn nhưng Công ty CP Đường Biên Hòa lại có kết quả kinh doanh niên vụ 2014- 2015 rất ấn tượng, vượt hơn 25% so với kế hoạch lợi nhuận, tiếp tục khẳng định vị thế của một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành đường Việt Nam.
Chị Trần Quế Trang – TGĐ Công ty CP Đường Biên Hòa
Với những bước đi chắc chắn và đúng đắn trong chiến lược phát triển 5 năm gần đây cho thấy Đường Biên Hòa đã quyết tâm cải tổ hoạt động để có thể cạnh tranh mạnh mẽ khi hội nhập.
Để có cái nhìn cụ thể hơn, Báo DĐDN đã có buổi trao đổi với chị Trần Quế Trang – TGĐ Công ty CP Đường Biên Hòa xung quanh câu chuyện này.
– Niên vụ 2014- 2015, Đường Biên Hòa đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng khi vượt hơn 25% kế hoạch lợi nhuận đề ra, theo chị, Đường Biên Hòa đã có những giải pháp nào để đạt được kết quả này?
Sau giai đoạn cổ phần hóa, từ năm 2011 đến nay, Đường Biên Hòa đã liên tục cải tổ hoạt động, tái cấu trúc toàn bộ DN theo từng giai đoạn để từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý nhằm phát huy được những lợi thế sẵn có của một thương hiệu lâu đời đồng thời tạo ra những năng lực cạnh tranh mới. Kết quả hoạt động ấn tượng của niên độ 2014- 2015 là thành quả của một định hướng chiến lược đúng và thực thi thành công chiến lược ấy trên thực tế.
Đường Biên Hòa đã đẩy mạnh những hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất, cải tiến chất lượng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để gia tăng cho mình lợi thế cạnh tranh trong tương lai… Cụ thể, báo cáo tài chính các năm trước ghi nhận những khoản đầu tư lớn về nông nghiệp, đầu tư mở rộng sản xuất của hai nhà máy, nâng cấp dây chuyền thiết bị đường luyện… Những dự án lớn như đầu tư hệ thống tưới Center Pivot (C.P) tại Nông trường Biên Hòa Thành Long, dự án đầu tư mở rộng lò hơi tại phân xưởng luyện… khi đưa vào hoạt động đã mang tới những hiệu quả đúng như mong đợi, giúp cải thiện đáng kể giá thành sản phẩm. Với hệ thống tưới C.P cực kỳ hiện đại, năng suất và chất lượng mía của nông trường đã nâng lên từ 70 tấn/ha tăng lên hơn 85 tấn/ha. Ngoài ra, hàng loạt các dự án hợp tác đầu tư máy móc thiết bị cơ giới, nghiên cứu cải tiến qui trình sản xuất… cũng được triển khai thử nghiệm tại nông trường này.
Tương tự, dự án đầu tư mở rộng lò hơi cho Nhà máy đường luyện giúp cải thiện đáng kể định mức nhiên liệu cho mảng chế luyện: Mức hao phí nhiên liệu của Đường Biên Hòa đã gần tiệm cận với chi phí chế luyện của các DN mía đường của Thái Lan nên việc cạnh tranh khi hội nhập là hoàn toàn có thể.
– Với tư cách là người điều hành chính mọi hoạt động của Đường Biên Hòa, chị có thể chia sẻ điều tâm đắc nhất ở vai trò CEO trong niên độ vừa qua?
Tôi nghĩ, điều mà tôi tâm đắc nhất trong vai trò CEO của Đường Biên Hòa chính là đội ngũ CBCNV. Cụ thể, Đường Biên Hòa đã có nhiều thay đổi về mặt nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao. Chặng đường 5 năm qua cũng là giai đoạn chuyển giao lịch sử của Đường Biên Hòa với nền tảng cũ nhưng định hướng mới. Đội ngũ hiện tại là sự kết hợp giữa hai yếu tố cũ và mới.
Việc đưa một DN có tuổi đời gần 50 năm vào một định hướng mới đòi hỏi một sự phối hợp ăn ý và hài hòa của cả hai yếu tố cũ và mới. Chúng tôi giữ lại hoàn toàn những nền tảng kỹ thuật vốn là thế mạnh của Đường Biên Hòa, còn đội ngũ điều hành, kinh doanh đều là những gương mặt mới và cách làm mới. Giai đoạn đầu dĩ nhiên không hoàn toàn thuận lợi nhưng chúng tôi đã rất nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Đến nay, tâm thế của đội ngũ Đường Biên Hòa đã hoàn toàn thay đổi, chúng tôi tự tin khi bước cùng nhau trên chặng đường tiếp theo. Kết quả kinh doanh và những giá trị gia tăng mà Đường Biên Hòa đã tạo ra trong thời gian vừa qua chính là minh chứng cho sự gắn kết hiệu quả của đội ngũ Đường Biên Hòa.
Hệ thống tưới Center Pivot (C.P) tại Nông trường Biên Hòa Thành Long
– Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc Việt Nam tham gia thực hiện các cam kết theo hiệp định TPP, AEC, Đường Biên Hòa đã có sự chuẩn bị như thế nào để đóng đầu “cuộc chơi” này?
Chúng tôi đã chủ động nhìn nhận từ 5 năm trước, với quan điểm ngành đường Việt Nam trong tương lai không phải là việc các DN đường Việt Nam cạnh tranh với nhau mà sẽ phải cạnh tranh trong điều kiện hoàn toàn bình đẳng với các DN mía đường nước ngoài. Chiến lược giai đoạn 2011- 2015 của Đường Biên Hòa được xây dựng trên quan điểm này và chiến lược giai đoạn 2016- 2020 sẽ càng nhấn mạnh hơn.
Mấu chốt của vấn đề cạnh tranh sắp tới là giá thành nhưng để cải thiện vấn đề giá thành không thể là chuyện một sớm một chiều. Nó đòi hỏi sự cải tiến đồng bộ của cả ngành đường, với nhiều thành phần tham gia chứ không chỉ riêng DN. Tuy nhiên DN vẫn đứng ở vai trò chủ đạo. Chỉ có DN mới có thể triển khai đồng bộ một loạt các giải pháp từ khâu nông nghiệp đến khâu sản xuất để có thể cải thiện về giá thành.
Về phía Đường Biên Hòa, chúng tôi đã nhận diện được vấn đề này, cũng đã đưa ra được định hướng đúng và phần nào triển khai thành công trong thời gian qua. Giai đoạn tiếp theo, định hướng vẫn sẽ không thay đổi và phần còn lại chúng tôi sẽ đặt trọng tâm vào công tác tổ chức triển khai và tập trung kiểm soát tốt quá trình triển khai này.
– Về thương vụ sáp nhập với Đường Ninh Hòa, quan điểm của chị thế nào về việc sáp nhập này?
Tôi nghĩ, sáp nhập là xu hướng tất yếu để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN mía đường tại Việt Nam, đặc biệt là cách nhanh nhất để giải bài toán về quy mô sản xuất. Chúng tôi nhìn thấy việc sáp nhập giữa Công ty CP Đường Ninh Hòa và Đường Biên Hòa sẽ giúp tạo ra giá trị cộng hưởng cho đồng thời cả 2 đơn vị và đưa điều này vào chiến lược 2011- 2015. Khi triển khai trên thực tế, dù còn nhiều ý kiến trái chiều, khiến cho quá trình sáp nhập có gặp một số trục trặc nhưng cuối cùng xu thế chung vẫn có tính thuyết phục cao hơn và việc sáp nhập đã hoàn thành đúng thời điểm dự tính. Đó cũng là điểm son đánh dấu việc khép lại thành công chiến lược giai đoạn 2011- 2015 đồng thời cũng chính là tiền đề cho giai đoạn chiến lược 2016- 2020. Với lợi thế to lớn vừa có được sau sáp nhập, giai đoạn chiến lược tiếp theo chúng tôi phải biến lợi thế đó thành năng lực cạnh tranh của Đường Biên Hòa để sẵn sàng cho việc gia nhập và cạnh tranh với các cộng đồng kinh tế kể từ năm 2018.
– Theo đánh giá của chị, sắp tới ngành đường VN sẽ đi theo hướng nào?
Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ hằng năm khoảng 1,5- 1,6 triệu tấn, trong khi sản lượng tồn kho đang rất thấp so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá nguyên liệu lại đang có chiều hướng tăng do tình trạng thiếu mía trầm trọng ở tất cả các khu vực của cả nước.
Dự báo, ngành đường Việt Nam trong vụ năm 2015- 2016 sẽ thiếu hụt, có vẻ là lợi thế cho các nhà máy sản xuất. Tuy vậy, thực tế thì chưa hẳn đã là cơ hội, khi mùa vụ đã qua hơn 1/3 thời gian nhưng chi phí mía vẫn không ngừng tăng và do yếu tố thời tiết chất lượng mía năm nay lại có phần sụt giảm. Bài toán sản xuất vẫn hết sức nan giải, trong khi đầu ra chưa hoàn toàn rõ nét là yếu tố mà các DN phải hết sức cân nhắc khi đưa ra quyết định kinh doanh.
Về dài hạn, 2018 là mốc thời điểm Việt Nam chính thức tham gia vào việc cạnh tranh cùng cộng đồng quốc tế, theo tôi, chỉ những DN có sự chuẩn bị về mặt quản lý, đầu tư có chiều sâu với định hướng chiến lược rõ ràng mới có thể đủ sức cạnh tranh trên thị trường mới.
– Xin chân thành cảm ơn chị
Thành Trung (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.