Trong một cuộc khảo sát của PricewaterhouseCoopers, các CEO của APEC đánh giá Việt Nam, Philippines và Singapore là điểm đầu tư hấp dẫn và họ đang lên kế hoạch gia tăng đầu tư vào các khu vực này trong năm tới.
Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) vừa công bố khảo sát CEO APEC năm 2015 nhân dịp khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các CEO APEC tại Manila, Philippines ngày 16.11.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi PwC từ ngày 23.6 đến 21.8.2015 với sự tham gia của 800 CEO và những doanh nghiệp hàng đầu đến từ 52 quốc gia, hoạt động tại 21 quốc gia thành viên của APEC. Cuộc khảo sát này chỉ ra niềm tin của các CEO ở châu Á Thái Bình Dương đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Các CEO ở châu Á luôn tin rằng triển vọng tăng trưởng kinh doanh trong 12 tháng tiếp theo sẽ giảm xuống nhanh chóng. Đặc biệt, những biến động trong thị trường tài chính vào mùa hè qua đã làm giảm niềm tin của các CEO, bởi lẽ ở đó chỉ có 28% các CEO "rất tin" rằng doanh nghiệp của họ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tiếp theo, số lượng này đã giảm từ 46% từ năm ngoái và được xem là mức thấp nhất kể từ PwC bắt đầu theo dõi niềm tin của các CEO châu Á Thái Bình Dương trong 12 tháng trong năm 2012.
Tuy nhiên, mối quan tâm hiện nay không chỉ về lĩnh vực kinh tế. An ninh mạng, rủi ro thiên tai và những căng thẳng địa chính trị trong khu vực cũng là một trong những mối đe dọa hàng đầu đến vấn đề đầu tư và tăng trưởng kinh doanh. Tuy nhiên, giữa các vùng, mức độ niềm tin là khác nhau. Trong đó 51% lãnh đạo doanh nghiệp ở Philippines rất tự tin về tốc độ tăng trưởng trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, ở Mỹ con số này chỉ đạt 34% và ở Trung Quốc là 20%.
PwC cũng chỉ ra rằng, mức độ niềm tin khác nhau cũng do quy mô của từng công ty. Những công ty có quy mô trung bình, mức độ "rất tự tin" về tăng trưởng trong 12 tháng tới chỉ ở mức 15%, trong khi những công ty có quy mô lớn và nhỏ thì mức độ "rất tự tin" lại cao gấp đôi.
Trên thực tế, những công ty có quy mô trung bình thường phải chịu sức ép khi họ quyết định phát triển vượt ra ngoài các thị trường truyền thống dù công ty họ không đủ lớn để dễ dàng vượt qua những cú sốc về hệ thống.
Mặc dù niềm tin của các CEO về tăng trưởng của doanh nghiệp họ ít đi, nhưng đa số CEO (53%) vẫn lên kế hoạch gia tăng đầu tư trong 12 tháng tới, với hầu hết các khoản đầu tư (68%) đều được lên kế hoạch ở khu vực APEC. Ngoài ra còn có một sự đa dạng hóa đầu tư rõ ràng trong khu vực APEC.
Trong khi Trung Quốc, Mỹ và Indonesia vẫn là những điểm thu hút đầu tư chính thì một nửa CEO trong cuộc khảo sát này cho biết các nền kinh tế của Philippines, Việt Nam và Singapore chính là điểm đầu tư hấp dẫn và họ đang lên kế hoạch gia tăng đầu tư vào các khu vực này trong năm tới.
"Sau một năm đầu tư trực tiếp nước ngoài, đổ vào các nền kinh tế châu Á đang phát triển ở mức cao, các CEO ở APEC đã trở nên rất nhạy cảm với các tín hiệu thị trường tài chính. Tuy nhiên, họ vẫn mở rộng sang những địa điểm mới ở APEC để có thể đạt được những trải nghiệm trong việc quản lý những bất ổn ngắn hạn và cân bằng lại điều này, để thích ứng với những cơ hội nhằm tạo ra tăng trưởng trong khu vực mới", Dennis M. Nally, Chủ tịch của PricewaterhouseCoopers International Ltd. cho biết.
Các CEO tham gia khảo sát cũng cho rằng nếu tăng tốc độ truy cập internet và đẩy mạnh nền kinh tế kỹ thuật số hơn là đầu tư vào các dự án thương mại quy mô khu vực hay cơ sở hạ tầng mới tại những vùng kém phát triển, thì đến năm 2020, đổi mới hoạt động thông qua công nghệ sẽ phổ biến trên toàn châu Á - Thái Bình Dương.
Cụ thể, 66% cho rằng đến năm 2020, những tiến bộ trong robot học, internet kết nối vạn vật hay công nghệ in ấn 3D sẽ thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp sản xuất. 63% CEO dự kiến sẽ có một đợt chi tiêu mới trong doanh nghiệp của họ nhằm đổi mới hoạt động kinh doanh.
Các CEO của APEC cũng rất lạc quan về thương mại tự do. Đối với nhiều người, cộng đồng kinh tế ASEAN chính là yếu tố chính thay đổi cuộc chơi trong khu vực. Vì vậy, họ đã hy vọng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng khu vực.
Tuy nhiên, ông Nally cho biết: “Thương mại tự do không hoàn toàn đồng nghĩa với tăng trưởng toàn diện. Một số lượng lớn các CEO cho rằng thương mại tự do sẽ gây tổn hại lớn tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với những người ở bên lề của nền kinh tế thì điều quan trọng đối với họ chính là được tham gia và hưởng lợi từ tăng trưởng và thương mại tự do trong khu vực APEC, cũng như được tiếp cận giáo dục chất lượng cao tại tất cả các cấp và hệ thống giao thông được cải thiện".
Tuyết Nhung (MTG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.