Nhận giải đặc biệt cuộc thi ảnh "Tự hào hàng Việt - 2013" do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức, ông Nguyễn Tường Linh, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Cao su Việt, chia sẻ: "Tôi rất hạnh phúc. Vinh dự này tôi muốn gửi đến khách hàng như một lời tri ân, vì chính những sản phẩm được tạo ra từ yêu cầu của khách hàng là nguồn cảm hứng để chúng tôi có được bộ sưu tập trong lĩnh vực ảnh nghệ thuật"...

Hạnh phúc khi được làm người phục vụ

* Nhưng ngoài tính nghệ thuật, ảnh đoạt giải phải đạt tiêu chí của cuộc thi là "tôn vinh hàng Việt"...

- Tôi rất hoan nghênh chủ trương "tôn vinh hàng Việt". Đó là sự khích lệ, động viên để các doanh nghiệp trong nước có thêm động lực đầu tư phát triển sản phẩm tốt hơn phục vụ người tiêu dùng.

Liên quan đến ngành hàng của Cao su Việt, cao su phụ tùng là một phần công nghiệp phụ trợ rất cần thiết trong dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp. Chỉ một phần nhỏ trong dây chuyền, như một gioăng cao su chẳng hạn, bị hư thì sẽ làm ngưng trệ cả một hệ thống máy móc.

Thông thường, các phụ tùng thay thế mua từ nước ngoài có giá rất đắt và phải chờ đợi lâu mới có hàng. Vậy nên tôi rất hạnh phúc khi được làm người phục vụ để tạo ra các loại cao su phụ tùng "Made in Vietnam".

* Vậy những tấm hình thể hiện điều gì, thưa ông?

- Theo tôi, một sản phẩm đạt chuẩn thường hội đủ hai yếu tố "xác và hồn". Nếu kỹ thuật là phần xác, thì mỹ thuật là phần hồn. Mỹ thuật vốn là "tự thân" của sản phẩm, do nhà chế tạo "truyền tâm" cho, chứ không phải từ những tấm ảnh.

Để có một sản phẩm làm khách hàng vừa lòng luôn cần nhiều thời gian và sức lực. Có những lần không thể vượt qua sự thách đố kỹ thuật, tôi đã hết sức phiền muộn, thấy mình có lỗi.

Và để sửa chữa những "lỗi" này, đội ngũ nhân viên của Cao su Việt càng phải tận tụy hơn, phòng thử nghiệm vLAB càng bận rộn hơn để "bằng mọi giá phải thành công". Sự hài lòng của khách hàng chính là "phần thưởng" lớn nhất dành cho những người sản xuất như chúng tôi.

Mỗi khi giải được một "bài toán khó” để một sản phẩm ra đời, tôi rất trân trọng công sức của anh em đồng nghiệp, trân trọng kết quả của sự sáng tạo. Mầm sáng tạo không có hình dáng, nhưng khi đã được gắn vào một vật hữu hình thì sẽ làm cho vật đó trở thành có "hồn".

Không phải lúc nào cũng mang theo máy ảnh, nhưng tôi đã "nhìn", "thấy" và "chụp" các sản phẩm của mình trong tâm trí. Như một thói quen, tôi luôn "đóng khung" các sản phẩm khi nhìn, nói nôm na là tạo bố cục.

Sản phẩm được "chụp" ngay khi ra đời, lời chú thích cũng đồng thời nảy ra, như linh hồn luôn bám vào một thân thể. Còn sau đó, máy ảnh chỉ là công cụ ghi thôi, ghi lại "cái nết" của một sản phẩm.

Có thể cái đẹp chưa thể biểu lộ, nhưng cái nết cần được tôn vinh. Đó là lý do tôi có được bộ sưu tập ảnh này.

* Xem ra ông là một người thợ rất yêu nghề và say mê các sản phẩm làm từ cao su...

- Có vẻ không theo lệ thường khi nói "sản phẩm sinh ra chủ nhân". Nhưng ở Cao su Việt, quả thực chính các sản phẩm đã tạo nên văn hóa Công ty, và cả "tính nết" của chủ nhân.

Tính năng của cao su là dẻo dai, đàn hồi. Cao su biết kết hợp với sắt thép để có được những khả năng mới, biết mềm đi để làm kín, biết thu lại để bung ra, biết quay, biết dừng, luôn tìm cách thích nghi với "nơi ở" mới để tồn tại. Cao su biết chịu nhiệt, chịu dầu, và "không phản kháng".

Đầy ắp những thông điệp như vậy, chúng tôi đã thấm dần, đã đồng cảm, từ từ hình thành nên "tính cách" của Công ty. Đó là, luôn kiên trì, chịu khó để mang lại lợi ích cho người, và sau đó "mình còn", để rồi tiếp tục làm việc.

Luôn hướng về sự hoàn thiện

* Trong lần trò chuyện cách đây ba năm, ông từng nói: "Cao su Việt là một công ty vận hành không có kế hoạch, như một quán tạp hóa - sáng mở cửa, chiều đóng cửa". Vậy làm thế nào mà nhiều năm qua Cao su Việt vẫn phát triển, thậm chí phát triển ổn định?

- So với sách vở và các bài giảng về kinh doanh thì cách làm của chúng tôi không đúng chút nào. Song, mỗi người có quan niệm về kinh doanh và cách làm khác nhau.

Người này không thể học thành công của người khác, nếu có thì chỉ là học "cái lửa" của nhau: biết khi nào bùng lên, biết khi nào âm ỉ.

Những quán tạp hóa, dù là hình thức kinh doanh quy mô nhỏ nhưng vẫn tồn tại và bền vững là nhờ cái duyên của chủ quán. Cái duyên ấy là sự hiếu khách, sự tận tụy, trung thực với chất lượng hàng hóa...

Cái duyên ấy được khách "gói mang về” cùng với hàng hóa mỗi lần ghé mua, và đã làm cho khách nhớ. Chính cái duyên ngầm ấy đã và sẽ mang lại những "kế hoạch" không hẹn mà đến, không buộc mà về.

Quan sát điều ấy, Cao su Việt cố theo học cái duyên, học cách ứng xử chất phác và "nụ cười có đuôi" của những cô bán hàng đầu xóm...

* "Kế hoạch không hẹn mà đến", ý ông là...

- Khi sản phẩm mình làm tốt, làm đúng chất lượng mà khách hàng mong đợi, khách sẽ quay lại nhiều lần, và còn giới thiệu cho bạn bè. Như vậy, "kế hoạch" này chẳng phải là kế hoạch đến sau sản phẩm hay sao?

Mỗi hành xử trong cuộc sống đều sinh ra vô số hệ quả. Mỗi một hệ quả trong số ấy sẽ tiếp tục lan tỏa. Hạt lúa sẽ cho hạt lúa, vì thế, một thái độ nghiêm túc trong hiện tại chắc chắn sẽ "sinh ra" trong tương lai một kết quả như ý.

Một sản phẩm hoàn thiện, được khách hàng yêu mến thì nhiều năm sau họ sẽ còn quay lại. Vậy nên chúng tôi luôn nhắc nhở nhau, mỗi một hành xử nhỏ trong hiện tại đều cho một kết quả tương ứng trong tương lai.

Hơn 23 năm, dù chậm nhưng Cao su Việt luôn ổn định. Khách hàng không hứa, chúng tôi cũng không hẹn, nhưng vẫn cùng tìm đến nhau. Thật ra, chúng tôi không nghĩ mình là người kinh doanh, mà đơn thuần là cần mẫn làm những việc người khác đang cần.

Trong thế giới tự nhiên, không phải cây nào cũng vươn cao và tỏa bóng mát cho nhiều người. Có cây chỉ vừa đủ che cho một người. Song, tất cả các loại cây luôn tìm cách bám sâu vào đất để làm cho mình mạnh lên.

Cao su Việt cũng vậy, dù chỉ "che mát" cho một số ít người, nhưng chúng tôi vẫn bám rễ sâu xuống đất để rồi mỗi sớm mai thức dậy thấy mình mạnh thêm, và luôn vươn về phía Mặt trời.

* Đã gần ba năm kể từ ngày vLAB đi vào hoạt động, đến nay, phòng thử nghiệm này mang lại hiệu quả ra sao, thưa ông?

- vLAB là phòng thử nghiệm cao su hợp chuẩn. Năm 2010 được công nhận 12 chỉ tiêu và trong ba năm qua, phòng đã được công nhận thêm 9 chỉ tiêu nữa.

Với 21 chỉ tiêu hợp chuẩn quốc tế, vLAB đã giúp nhà máy tiếp tục đi vào chiều sâu đúng như mong đợi, với triết lý kinh doanh luôn hướng về sự hoàn thiện, luôn quan tâm đến nội lực. Khi đã đủ lớn, đủ vững thì sự lớn lên, vươn ra sẽ là tự nhiên thôi.

Một trong những đề tài thành công của phòng thử nghiệm là nghiên cứu hoàn thiện "da cao su tách xương cá” - một sản phẩm cao su gắn liền với việc sản xuất chả cá SURIMI.

Sản lượng gấp đôi so với trước đó, giảm công lao động một nửa do nhiều công đoạn được tự động hóa, sản phẩm có hình thức như mong đợi, giá bán không tăng.

Da cao su tách xương cá được chế tạo từ loại cao su phù hợp tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nên không chỉ được ưa chuộng tại Việt Nam mà còn được nhiều nước lân cận tin dùng.

Năm 2013, Công ty đã đầu tư nhiều thiết bị hiện đại cho việc sản xuất cao su POLYURETHANE, bao gồm các loại gioăng, trục cao su. Thêm vào đó là máy mài lô (trục cao su) và các thiết bị sản xuất khuôn mẫu tự động.

Như vậy, Cao su Việt có thể khẳng định, việc xác lập chính sách luôn hoàn thiện chiều sâu là hợp lý. Chủ trương theo đuổi sự minh bạch, áp dụng nghiêm túc các chính sách chất lượng cho cả ba hệ thống ISO (9001:2008, 14001:2004, 17025:2005), nên từ khi thành lập đến nay luôn phát triển ổn định, vượt qua cả những năm khó khăn.

* Luôn theo đuổi sự hoàn thiện về chất lượng, có khi nào ông cảm thấy mình bị chậm không?

- Có, rất chậm! Nhưng ông bà mình đã dạy, làm điều gì cũng phải suy nghĩ cẩn trọng, đi nhanh mà không vững có khi phải làm lại từ đầu. Ngạn ngữ Tây phương cũng có câu: "Hãy nhanh lên một cách chầm chậm", muốn nhắc nhở rằng hãy liệu sức mà đi, khi đủ sức thì sẽ đi nhanh thôi.

Trong từng bước đi, Cao su Việt luôn mở lối riêng. Dù là lối hẹp nhưng luôn mới. Tính "mới" rất quan trọng để ít bị cạnh tranh, và luôn có một thế giới khác của riêng mình với nhiều thú vị. Trong thế giới đó có thể không còn khái niệm về quy mô nữa.

Sức khỏe là cái gốc của mọi thứ. Khi có nội lực, có sự tươi tắn và một thái độ tích cực, người ta có thể thực hiện được ước muốn của mình. Trong một công ty, "sức khỏe" bao gồm cả niềm tin riêng của từng nhân viên, cả hạnh phúc nhỏ bé của từng người thợ...

Việc làm ăn là những chuyến phiêu lưu dễ chịu

* Ông vừa nói về tầm quan trọng của sức khỏe. Hẳn ông đã dành nhiều thời gian cho việc tập luyện để nâng cao sức khỏe?

- Không thể định nghĩa thế nào là nhiều, thế nào là ít. Tôi luôn giữ nguyên tắc đúng giờ và sự vừa phải trong mọi chuyện.

Sống đơn giản, luôn yêu công việc và thay đổi đa dạng công việc nên mọi việc có vẻ vẫn ổn. Thanh nhàn giữa bận rộn cũng là một cách tập luyện thân tâm mình.

* Có phải vì thế nên trông ông lúc nào cũng rất thư nhàn? Chụp ảnh nghệ thuật có phải là "bí quyết" giúp ông tạo sự cân bằng cho cuộc sống?

- Tôi không nghĩ cần làm cái gì đó để tạo sự cân bằng. Làm kỹ thuật hay kinh doanh đối với tôi cũng đều rất vui.

Công việc của tôi luôn đầy ắp cơ hội để sáng tạo. Vậy nên chẳng có sự phân biệt nào giữa "người làm việc" và "người chơi".

Khi chú tâm vào công việc và yêu thích sản phẩm do mình làm ra thì cái đẹp của sản phẩm luôn hiện lên trong tâm trí, máy ảnh chỉ là công cụ để ghi lại mà thôi.

* Được biết, ông cũng thích nghiên cứu về triết học Phật giáo, ông "được" gì khi đọc những cuốn sách này?

- Mỗi người đều phải kiếm sống và luôn sống với, sống cùng nhiều người khác, ngoài ra còn phải sống với nghề. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi hiểu được rằng, giữa Công ty và bản thân không có sự phân biệt. Nghề và người nếu là một, thì việc làm ăn là những chuyến phiêu lưu dễ chịu.

Nền tảng của Cao su Việt là "tính hợp nhất". Mọi thứ đều liền mạch, không có ranh giới giữa Công ty và khách hàng, giữa việc kiếm tiền và sống thanh thản, giữa nhà máy và môi trường sống, giữa công việc và trách nhiệm xã hội...

Sự kiên trì học hỏi và rèn luyện có thể đưa người ta đạt đến trạng thái khi nồng nhiệt vẫn thấy thanh thản, khi đầy ắp năng lượng vẫn thấy bình yên. Nếu phải nói đã "được" gì, thì đó là sự an lành.

* Ông vừa nhắc đến một khía cạnh rất nhiều doanh nghiệp đang hướng đến, đó là trách nhiệm xã hội. Nhưng như ông chia sẻ, ở Cao su Việt không có ranh giới giữa công việc và trách nhiệm xã hội. Ông có thể giải thích rõ hơn?

- Chúng tôi quan niệm, tạo ra một giá trị với chi phí đúng nhất cũng là thực hiện trách nhiệm xã hội. Đó là không những cần giảm thiểu phế phẩm mà còn phải hạn chế thải bỏ ra môi trường mọi thứ chứ không chỉ những chất có hại; đó là nghiên cứu để có thể "dùng vừa đủ” nhân công, năng lượng, kể cả các thành phần cấu tạo nên sản phẩm. Kéo dài vòng đời sản phẩm là một mục tiêu luôn phải hướng tới.

Công ty đã đầu tư các thiết bị hiện đại và nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là theo định hướng này. Đôi khi, sử dụng tối ưu đơn pha chế, nhân lực được quản trị hợp lý cũng là một phần trong trách nhiệm xã hội.

* Thế còn cạnh tranh?

- Chính sách cạnh tranh của Công ty Cao su Việt là "Tự làm cho mình mạnh lên". Chính sách này nhất quán từ khi thành lập Công ty đến nay và sẽ mãi như vậy.

Chúng tôi tin rằng, với cách hành xử này, thành công sẽ luôn "gõ cửa", dù đôi khi chỉ là thành công nhỏ nhưng mình sẽ không bị tổn thương và cũng không làm tổn thương người khác.

* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ.

Lữ Ý Nhi (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.